Báo Công An Đà Nẵng

Cổ vật văn hóa Óc Eo - nghệ thuật đặc sắc Phù Nam

Thứ sáu, 03/11/2017 09:09

Nằm trong chuyên đề tăng cường phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa của du khách trong Tuần lễ Cấp cao APEC, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp Bảo tàng An Giang đang tổ chức trưng bày chuyên đề Cổ vật văn hóa Óc Eo. Với nhiều chất liệu đa dạng, các hiện vật gồm đồ dùng trong sinh hoạt và sản xuất; đồ sử dụng trong thờ cúng, nghi lễ; đồ kim loại, đồ trang sức; một số hiện vật điêu khắc đá và đồ trang sức kiến trúc đã làm nên một nền văn hóa Óc Eo đậm chất Phù Nam, được Chính phủ công nhận xếp hạng là Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt.

Ông Võ Văn Thắng-Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể Thao Đà Nẵng và An Giang tham gia không gian trưng bày. 

Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển trên tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu công nguyên ở khu vực Nam bộ. Được phát hiện lần đầu tiên ở Óc Eo (Vọng thê, An Giang), sau đó được mở rộng ra phạm vi các tỉnh miền Nam như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ... qua những cuộc khai quật đã thu được hàng vạn hiện vật phong phú, đa dạng vừa mang tính bản địa, vừa có tính giao lưu kinh tế với các trung tâm lớn thời bấy giờ như Trung Quốc, Ấn Độ, La Mã, Ba Tư...

Cách đây gần 70 năm, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của một nền văn minh khá rực rỡ, cùng thời với văn hóa Đông Sơn tại địa danh Óc Eo thuộc H. Thoại Sơn, An Giang. Cũng từ đó, các nhà khoa học đã dùng hai từ Óc Eo để chỉ những di tích và di vật Phù Nam tìm thấy ở những địa bàn khác nhau thuộc các tỉnh Nam Bộ. Trải qua gần 70 năm phát triển và nghiên cứu (tính từ cuộc khai quật lần đầu tiên vào năm 1994 do học giả người Pháp Louis Malleret thực hiện tại Óc Eo), tới nay diện mạo của nền văn hóa đặc sắc, nổi tiếng này ngày càng trở nên rõ nét hơn. Các di tích thuộc văn hóa Óc Eo là nguồn tư liệu lịch sử quý chứng minh cho sự phát triển và tồn tại một bộ phận cư dân đất nước trên con đường hòa nhập như một bằng chứng về một nền văn hóa cổ từng tồn tại trên vùng đất phía Nam.

Nhiều du khách thích thú với các hiện vật văn hóa cổ.

Tại không gian trưng bày lần này, có hơn 150 hiện vật gốc và ảnh tư liệu các cuộc khai quật ở An Giang trong các đợt khảo cổ từ năm 1983 – 1985 đến những năm đầu thế kỷ XXI. Trong đó, sản phẩm phổ biến là đồ gốm gia dụng: bình, hũ, nồi nắp, bát, cốc, chai... Bên cạnh, có các loại hình đặc trưng nhất là bếp lò, vật dụng quen thuộc và thiết yếu của cư dân vùng sông nước; vật liệu xây dựng và phù điêu trang trí kiến trúc bằng đất nung cũng là những di vật chủ yếu trong các di tích kiến trúc đền tháp của văn hóa Óc Eo.

Ngoài ra, còn có đồ trang sức thời kỳ Óc Eo như vòng, nhẫn, bông tai, dây chuyền, hạt chuỗi... được chế tác từ các loại chất liệu quý như vàng, đá ngọc, mã não, thạch anh, thủy tinh... với nhiều màu sắc, kích cỡ, hình dáng khác nhau. Đáng chú ý là lá vàng dập nổi, chạm khắc tạo hình hoa văn trang trí và chữ Phan cổ... Bà Bùi Thị Thúy, Giám đốc Bảo tàng An Giang cho biết: không gian phân bố của Văn hóa Óc Eo ở hầu khắp ở các tỉnh Nam Bộ nhưng những di tích, di vật tiêu biểu nhất tập trung nhiều trên địa bàn tỉnh An Giang. Đặc biệt, khu vực Óc Eo – Ba Thê có nhiều di chỉ với mật độ dày, đan xen nhau, hợp thành một quần thể khá đồng bộ, mang tính chất và đặc điểm của một trung tâm cư dân lớn với hệ thống sản xuất nhiều ngành nghề như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp. Điều này cho thấy Óc Eo từng là một trong những cảng thương mại quốc tế sớm nhất trong khu vực. “Qua trưng bày chuyên đề lần này công chúng sẽ có một cái nhìn khái quát về một nền văn hóa đã phát triển rực rỡ ở Đông Nam Á vào thời cổ đại từ thế kỷ I–thế kỷ VII với tên gọi Phù Nam. Đây còn là cơ hội tuyên truyền, quảng bá và kêu gọi sự hợp tác đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác sưu tầm, nghiên cứu nền văn hóa Óc Eo, qua đó giúp chúng ta nhận thức được toàn bộ diện mạo lịch sử và cư dân của Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, du khách và các nhà nghiên cứu cũng có thể nhận ra ở một khía cạnh nào đó sẽ có những nét tương đồng giữa hai nền văn hóa Óc Eo và Chămpa”, bà Thúy chia sẻ. 

PHI NÔNG

“Nhiều nhà khoa học đã đánh giá những di tích Óc Eo và di vật được tìm thấy tại đây đã khẳng định một thời đại phát triển ở trình độ cao về kinh tế, kỹ thuật, về văn hóa, xã hội của vùng đất Nam Bộ. Quá trình phát hiện, nghiên cứu văn hóa Óc Eo là để tìm lại chân dung vùng đất cổ và các di tích thuộc văn hóa Óc Eo chứa trong mình một trữ lượng tư liệu sử quý, chứng minh cho sự tồn tại của một nền văn hóa cổ trên vùng đất phía Nam”.