Cô Y sỹ khởi nghiệp từ niềm đam mê con cá Trích
Người nữ trẻ ấy là Võ Thị Hạnh Dung (1991), chủ nhân của cơ sở sản xuất có cái tên cũng “rất Đà Nẵng”: 43 Foods.
Có thể nói, dùng cụm từ: “Khởi nghiệp từ con cá trích” để nói về Võ Thị Hạnh Dung là hoàn toàn chính xác. Không biết có phải là do nhiều năm gắn bó với vùng biển Nam Ô, nơi có một làng cổ có truyền thống về nghề đánh bắt hải sản và làm mắm gia truyền, mà cô gái quê Thăng Bình (Quảng Nam) đã chọn con đường khởi nghiệp từ con cá trích. Ý tưởng này bắt nguồn từ việc chứng kiến ngư dân đánh bắt cá trích rất cực khổ nhưng phải bán đổ bán tháo với giá “rẻ như bèo” cho các xe thu mua cá phế thải làm thức ăn chăn nuôi, dù cá còn rất tươi, hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ cao và tốt cho sức khỏe, chỉ vì loài cá này nhiều xương nên ít người mua.
Đến mùa, cá trích theo bầy đàn kéo về vùng biển Nam Ô rất nhiều, nhưng người dân cũng không mặn mà với chuyện ra khơi vì cá thu được bán giá quá rẻ, không đủ chi phí đánh bắt. Hạnh Dung bộc bạch: “Với nguy cơ bỏ biển, làng nghề mai một vì thế hệ cha ông đã già, còn lớp trẻ sau này thì không tha thiết với nghề bởi thu nhập quá thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống. Cộng thêm dịch COVID-19 hoành hành, các nhà máy xí nghiệp đóng cửa, phụ nữ ở quê tôi thất nghiệp rất nhiều, đất nông nghiệp thì bị chuyển đổi mục đích do quá trình “Đô thị hóa” nên người dân không còn đất để canh tác... Kinh tế khó khăn, thu nhập không có dẫn đến nhiều hệ lụy xấu, phụ nữ chúng tôi là người trực tiếp hứng chịu những hậu quả trên. Là một phụ nữ trẻ, chứng kiến tất cả những điều trên, tôi luôn mong muốn phát triển bản thân, hỗ trợ phát triển cho phụ nữ tại quê hương mình nói riêng và cộng đồng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nói chung, từ đó tạo kế sinh nhai cho họ và cả ngư dân tại đây”.
Với lợi thế là “dân ngành y”, có học qua về dinh dưỡng (trước khi khởi nghiệp, Hạnh Dung có 6 năm làm y sỹ tại trường PTTH Thanh Khê và Sơn Trà. Thời còn đi học, cô học Điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Bách Khoa, học Y sĩ ở Trường Cao đẳng Lạc Việt và học ngành dinh dưỡng ở Hà Nội- P.V), cô đã tìm hiểu rất kỹ về con cá trích, qua đó biết được cá trích giàu Omega3, giàu DHA tốt cho sự phát triển não bộ, hỗ trợ tăng cường trí óc và hệ thần kinh. Ngoài ra, nó còn giàu Protein và Vitamin D giúp phát triển cơ bắp, giúp hấp thụ canxi, giữ cho răng và xương khỏe mạnh... Bên cạnh đó, là người mẹ của 2 đứa con, nên cô nghiên cứu rất nhiều món ăn liên quan đến cá trích để con mình có thể sử dụng, rồi chia sẻ những món ăn đó cho bạn bè và người thân của mình cùng dùng, kết quả là nhận được hiệu ứng rất tốt về sản phẩm.
Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và kiểm chứng thực tế, Hạnh Dung đã nảy ra ý tưởng, sẽ phát triển những sản phẩm về con cá trích để vừa góp phần giúp ngư dân nơi cô sinh sống có đầu ra cho sản phẩm đánh bắt, tạo công việc làm cho phụ nữ, đồng thời lan tỏa những sản phẩm chất lượng của cá trích đến các mẹ có con nhỏ như mình và nhiều khách hàng khác. Mục tiêu chung là phát triển mô hình khởi nghiệp sáng tạo từ cá trích, thúc đẩy phụ nữ tham gia vào lĩnh vực khởi nghiệp và bảo vệ môi trường. Mục tiêu cụ thể là chế biến, sản xuất các sản phẩm chất lượng từ cá trích, giúp nâng cao giá trị gia tăng cho ngành chế biến thủy sản địa phương, tạo ra công việc cho cộng đồng…
Dự án khởi nghiệp: “Nâng tầm giá trị cho cá trích Việt Nam- Giải pháp mô hình kinh doanh bền vững” của Võ Thị Hạnh Dung đã tạo ra các sản phẩm mới, lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường Đà Nẵng như: Chà bông cá trích, hạt nêm cá trích, nước mắm cá trích, gỏi cá trích đóng gói, cá trích ngâm dầu... Sản phẩm tạo được độ tin cậy cao về chất lượng cũng như về an toàn vệ sinh thực phẩm, làm người tiêu dùng yên tâm do sử dụng công nghệ tiên tiến để chế biến cá trích như dùng máy sấy cá thay cho rang củi bằng tay; dùng công nghệ nuôi cấy vi sinh để thay thế cho cách ủ muối truyền thống, giúp cá nhanh phân hủy mà không gây mùi hôi ảnh hưởng đến cộng đồng. Cùng đó, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu để phế phẩm của sản phẩm này là nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm khác như chà bông cá trích chỉ lấy thịt nơi lưng cá, phần thịt còn lại và xương cá được tận dụng làm hạt nêm và các phần còn lại dùng để làm nước mắm... Ngoài ra, sản phẩm của dự án có thể đi kèm với ứng dụng di động để theo dõi nguồn gốc và chất lượng, đào tạo cho người tiêu dùng về giá trị của sản phẩm xanh…
Tuy mới trải qua hơn 1 năm khởi nghiệp, với việc tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, doanh thu của 43 Foods (64 Nguyễn Chánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tăng đột biến, đạt mức tăng trưởng ổn định 50% trong quý IV so với quý I năm 2023, thời điểm cơ sở mới thành lập. Hệ thống kênh phân phối phát triển đa dạng bao gồm cả hệ thống bán lẻ truyền thống và kênh online; thị trường mở rộng theo thời gian, từ phạm vi trong thành phố ra tới các tỉnh lân cận và cả nước. Quy mô sản xuất từ nhỏ lẻ, tự bản thân làm các khâu, giờ đây đã có thêm lao động khác tham gia sản xuất; mua thêm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất…
Bằng những nỗ lực, tư duy sáng tạo, ý chí vươn lên không ngừng của mình, “cô chủ nhỏ” Võ Thị Hạnh Dung cùng sản phẩm từ cá trích 43 Foods đã được ghi nhận với Giải nhì cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp cấp quận năm 2023” do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu trao tặng. Các sản phẩm từ cá trích của 43 Foods đã có mặt trên thị trường trong và ngoài thành phố, được khách hàng gần xa đón nhận, yên tâm sử dụng do chất lượng ngon, bổ, sạch với giá cả phải chăng.
Thời gian tới, dự án của 43 Foods tiếp tục hướng đến mục tiêu mang tầm vĩ mô hơn là phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nhấn mạnh vai trò cũng như quyền lợi của phụ nữ trong xã hội hiện nay.
Dân Hùng