Báo Công An Đà Nẵng

Cởi trói cho doanh nghiệp (3)

Thứ sáu, 17/06/2016 10:44

Bài cuối: Đà Nẵng cần phải làm gì để thu hút đầu tư?

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng đang sở hữu một thương hiệu đáng tự hào, đó là 3 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 7 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, luôn nằm trong top đầu về chỉ số Quản trị Hành chính công, được các tổ chức quốc tế bình chọn là điểm đến mới nổi, được vinh danh là thành phố đáng sống... nhưng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn còn hạn chế, đứng sau rất nhiều địa phương về số lượng dự án và số vốn cam kết. Để đi tìm lời giải này, Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng. 

Ông Nguyễn Diễn

P.V: Ông có nhận xét gì về báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH & ĐT) trong quý  I - 2016,  các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố, thì Đà Nẵng xếp cuối trong danh sách 42 địa phương, số vốn đăng ký chỉ 6,91 triệu USD và năm 2015, cả nước thu hút được 24 tỷ USD, Đà Nẵng chỉ vỏn vẹn 44,3 triệu USD xếp thứ 33 trong 53 tỉnh, thành phố cả nước?

Ông Nguyễn Diễn:  Rõ ràng trong những năm gần đây, nguồn vốn FDI cam kết vào Đà Nẵng không những không tăng mà còn có xu hướng sụt giảm so với những năm trước đó. Và đến thời điểm này, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại TP Đà Nẵng vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan dù môi trường đầu tư và môi trường sống ở đây được đánh giá là khá cao và thông thoáng hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Tuy nhiên, để đánh giá việc thu hút được ít dự án đầu tư FDI như trên là tốt hay xấu đối với sự phát triển bền vững của thành phố thì cần phải có đủ dữ liệu và thời gian để phân tích. Nên nhớ rằng chất lượng sống của cư dân thành phố không hoàn toàn tỷ lệ thuận với kết quả thu hút FDI cao. Thực tế nhiều địa phương đang phải trả giá quá cao, nhất là về môi trường, cho việc thu hút FDI bằng mọi giá miễn là thỏa mãn bệnh thành tích.

Trước tiên phải rà soát và loại bỏ giấy phép con

Theo ông Nguyễn Văn Lý,  Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phải  rà soát và loại bỏ giấy phép con. Trước thực trạng “Giấy phép cha” đẻ “giấy phép con” và sinh ra “giấy phép cháu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần ngăn chặn được tình trạng ban hành những loại “giấy phép con” bất hợp lý, không cần thiết dưới mọi hình thức, cản trở quyền tự do kinh doanh của DN. Đây cũng là vấn đề mà cộng đồng DN bức xúc và trông đợi Chính phủ mới quyết liệt “ba giảm” là: giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý; giảm gánh nặng chi phí tăng lên; giảm thanh tra, kiểm tra, sách nhiễu – phiền hà DN để “giải phóng” những khó khăn, hạn chế đang kìm hãm DN tăng tốc, phát triển vừa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Ngoài ra, để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phần lớn các DN đều rất quan tâm đến thông tin về các văn bản, chính sách của thành phố, chính sách ưu đãi, thuế, quy hoạch đất đai,... vì vậy, cần tiếp tục công khai các vấn đề này.

 P.V: Đà Nẵng đang ưu tiên đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao vậy theo ông định hướng thu hút đầu tư của Đà Nẵng đã hợp lý chưa và cần mở rộng ưu tiên đầu tư thêm vào lĩnh vực nào?

Ông Nguyễn Diễn:  Việc ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án sạch, không gây tác hại đến môi trường là những đột phá trong thu hút đầu tư của Đà Nẵng nhằm phù hợp với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo tôi cần bổ sung thêm 2 lĩnh vực. Thứ nhất, lĩnh vực thủy sản (bao gồm đánh bắt, chế biến thủy hải sản, xây dựng mở rộng cảng biển, cảng cá và các dịch vụ hậu cần, kể cả việc đóng tàu đánh bắt hải sản xa bờ,...). Đây là một lợi thế lớn về tài nguyên, vì TP Đà Nẵng có 3 mặt giáp biển, ngoài ngư dân Đà Nẵng còn có các tàu thuyền đánh cá của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi thường cập bến cá Đà Nẵng để giao thương cung ứng các nguồn lợi thủy sản đánh bắt được.

Ngoài ra, nếu làm tốt về kinh tế biển sẽ góp phần không nhỏ vào việc tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta. Thứ hai, lĩnh vực logistic (dịch vụ giao nhận, kho bãi, bốc xếp, vận tải, đóng gói hàng hóa, đại lý hàng, đại lý tàu, xuất nhập khẩu, khai báo hải quan...) bởi Đà Nẵng là đầu mối giao thông của khu vực miền Trung- Tây nguyên, là điểm cuối trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây... và có địa thế thuận lợi để xây dựng cảng biển nước sâu. Hơn nữa Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, do vậy lượng hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tăng nhanh đòi hỏi dịch vụ logistic trong nước phải vươn lên đáp ứng nhu cầu này với chất lượng cao hơn, chi phí phải chăng...

 P.V: Nhiều DN nội cho rằng trong thời gian qua, chúng ta cứ lo chạy thu hút FDI mà quên đi thu hút đầu tư trong nước. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Diễn:  Theo tôi, ngoài việc tiếp tục thu hút vốn FDI, Đà Nẵng cần có chính sách tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư trong nước, kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn trong nước về đầu tư tại TP Đà Nẵng, tạo nên “cú hích”, một bứt phá trong việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của TP; và từ đó lan tỏa tạo nên nhiều công ăn việc làm cho DN và người lao dộng của TP, giải quyết tình trạng xóa đói, giảm nghèo bền vững. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, một số nhà đầu tư trong nước làm ăn rất hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra sự lan tỏa đối với các DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể như tập đoàn Sun Group trong việc thu hút khách du lịch đến với thành phố... Đồng thời, cần đẩy mạnh và tạo thuận lợi cho người dân khởi nghiệp với những chính sách và cách làm phù hợp.

DN là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Trong ảnh: Sản xuất cơ khí tại Cty Hà Giang – Phước Tường.

 P.V: Theo ông Đà Nẵng cần có những chính sách đột phá nào ngoài một số chính sách mà thành phố đang áp dụng để thu hút đầu tư, như hiện nay?

Ông Nguyễn Diễn:  Các chính sách mà thành phố đang sử dụng như tập trung cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chính sách tiếp cận đất đai,... là điều rất quan trọng. Trong thời gian gần đây, nhiều DN phàn nàn tình trạng đùn đẩy, nhũng nhiễu một số sở, ngành. Vì vậy, phải nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất cho nhà đầu tư. Không chồng chéo trách nhiệm, gây cản trở, khó khăn hoặc nhũng nhiễu, đặt vấn đề này nọ làm nản lòng nhà đầu tư.  Tiếp tục cải cách chính sách thuế, hải quan dễ dàng và thông thoáng hơn (trong đó chú trọng về thời gian thông quan qua Cảng Đà Nẵng, Cảng biển Tiên Sa, Sân bay Quốc tế Đà Nẵng), giảm thiểu đến mức thấp nhất những thủ tục phiền hà không đáng có khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng; Quan tâm đến việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư theo Nghị định 15 (năm 2015) của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tăng cường cung cấp thông tin đến với cơ quan Thương vụ, Lãnh sự quán, Đại sứ quán Việt Nam, các Hiệp hội DN hoặc Phòng Thương mại – Công nghiệp tại nước ngoài để giúp kêu gọi đầu tư hoặc hợp tác đầu tư, tổ chức mời các đoàn DN nước ngoài đến tham quan tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác đầu tư tại TP và ngược lại tổ chức các đoàn DN của TP Đà Nẵng đến tham quan học tập, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các DN nước bạn...

P.V: Xin cảm ơn ông!

Xuân Đương (thực hiện)

Đau đầu với Thông tư 23

Hà Đức Hùng, Tổng Giám đốc Cty Cơ khí Hà Giang – Phước Tường cho biết: Hiện nay các DN sản xuất, nhất là sản xuất cơ khí đang đau đầu với việc Bộ KHCN ban hành Thông tư 23/2015 về việc quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng có thời hạn dưới 10 tuổi bắt đầu từ tháng 7-2016. Tuy vậy, khi công nghệ Mỹ, Nhật, Châu Âu... họ đi trước mình 50-60 năm nên máy móc 15-20 năm có chất lượng rất cao, vẫn là công nghệ mới của thế giới, không hề gây ô nhiễm môi trường trong khi giá cả rất phù hợp. Nếu bắt buộc như vậy DN trong nước phải mua hàng Trung Quốc hoặc Đài Loan để dùng với chất lượng kém hơn nhiều, sản phẩm làm ra chất lượng không cao, mau hư hỏng (thường 2-3 năm là trục trặc) với công nghệ không cao, giá thành cũng không rẻ, có gì là không dùng được (giống như các vụ nhà máy thép gần đây của Tổng công ty thép Việt Nam). Vì vậy, theo tôi, nếu áp dụng theo Thông tư này, thì vô tình chỉ có lợi cho các công nghệ của Trung Quốc, Đài Loan.