Báo Công An Đà Nẵng

“Cởi trói” cho doanh nghiệp

Thứ tư, 15/06/2016 10:30

Bài 1: Doanh nghiệp vẫn “một cổ nhiều tròng”

(Cadn.com.vn) - Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) là công việc trọng tâm, hàng đầu tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển. Điều này được thể hiện qua Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 vừa được ban hành với hàng loạt chỉ đạo “mở”. Chúng tôi xin đề cập đến những vấn đề về nội tại của DN trên địa bàn TP Đà Nẵng đang gặp phải, cũng như những kiến nghị cần được tháo gỡ kịp thời.

“Cởi trói” thủ tục hành chính

Vừa qua, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến “DN Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước” với các bộ, ngành, địa phương nhằm lắng nghe ý kiến của cộng đồngDN, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng thúc đẩy các DN phát triển, ngày càng đóng góp lớn hơn vào đất nước. Trên cơ sở đó, ngày 9-5, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ban hành Văn bản 3245/UBND về thực hiện cải cách thủ tục hành chính đối với DN. Yêu cầu các đơn vị rà soát, đề xuất phương án tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính liên quan đến DN như: rút ngắn thời gian giải quyết; đơn giản hóa quy trình giải quyết; nâng mức ứng dụng dịch vụ công trực tuyến; giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn; giảm thời gian chờ phục vụ của DN đến nộp hồ sơ tại tất cả các điểm phục vụ dịch vụ công; cam kết không để DN đến nộp hồ sơ quá 2 lần đối với nội dung DN đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết và chi trả 1 lần đối với hồ sơ đã nhận nhưng chưa đảm bảo nội dung để xử lý.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh: “Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của đất nước; trong Văn kiện Đại hội XII nêu rõ: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh DN Việt Nam, nhất là DN tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ phổ biến thống nhất nhận thức trong tất cả cán bộ, công chức, trong tổ chức, chỉ đạo điều hành thực hiện về điểm mới này của Nghị quyết Đại hội Đảng XII; từ đó tích cực thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; bảo đảm các DN được tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh; kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế”.

Mọi rào cản cho DN cần phải được “cởi trói”. Ảnh minh họa

Trên “gỡ 1”, dưới “cột 10”

Có thể nói, trong những năm qua, Đà Nẵng đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa” một cách có hiệu quả, nhanh chóng cho DN. Tuy nhiên, đối với những công việc liên quan đến một số sở, ngành thì để quá chậm nhiều khi đến vài tháng hay cả hơn 1 năm mà vẫn không giải quyết, kể cả những công văn chỉ đạo của lãnh đạo thành phố có ghi rõ thời gian thực hiện nhưng DN phải chạy lòng vòng hết hỏi sở này đến sở, ban khác. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động, tốn chi phí, công sức, thời gian, mất đi cơ hội và sút giảm niềm tin của DN, của nhà đầu tư.

Tiếp xúc với lãnh đạo nhiều DN trên địa bàn Đà Nẵng, họ đều cho biết trước đây giải quyết vấn đề gì liên quan đến hoạt động của DN, khi lãnh đạo thành phố đã phê duyệt cấp dưới chỉ chú tâm thực hiện nên rất nhanh chóng và thuận lợi nhưng lâu nay, nhiều văn bản được lãnh đạo thành phố có bút phê chuyển xuống các sở, ngành vẫn bị “ngâm” và gây khó dễ cho DN, thậm chí liên tục bị đùn đẩy, chạy lòng vòng đá qua, đá lại giữa các sở. Khi chúng tôi đề cập đến việc có thể nêu ra những sở, ngành nào thường xuyên gây khó khăn, nhũng nhiễu cho DN, thì thật bất ngờ cả 3 đại diện lãnh đạo DN đều chỉ ra hàng loạt cái tên: Xây dựng, NN&PTNT, TN&MT, GTVT... Bên cạnh đó, các DN cũng khen một số sở làm việc rất tích cực và có trách nhiệm, đó là: Tài chính, KH&ĐT, Cục thuế Đà Nẵng...

Nhiều DN còn phàn nàn rằng, hiện nay nhiều cuộc họp gỡ vướng mắc cho DN có lãnh đạo cao nhất của thành phố dự và chỉ đạo, thậm chí ra văn bản yêu cầu các sở, ngành đến thời điểm cụ thể giải quyết xong cho DN nhưng thực chất cứ trôi qua tháng này, tháng khác, năm này năm khác làm DN cứ chạy lên chạy xuống nhiều lần vừa mất thời gian, cơ hội vừa tốn kém chi phí.

Theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hội DNNVV Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Cty CP Bình Vinh, các cơ quan quản lý khi ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cần xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm, ghi rõ thời gian hoàn thành và báo cáo kết quả. Rà soát lại quy trình, thủ tục hành chính trong giải quyết công việc, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch để không còn phát sinh ra cơ chế xin-cho; đồng thời với việc nâng cao năng lực, trình độ nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, đề cao kỷ luật phục vụ, xem DN là đối tượng phục vụ không phải chỉ xem là đối tượng quản lý kiểm tra. Đồng thời, thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết. Thực hiện chính quyền điện tử, xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả các hoạt động của cán bộ, công chức.

Ông K., giám đốc một DN trong lĩnh vực công nghệ trên địa bàn thành phố chia sẻ, để DN phát triển thì các cấp từ trung ương đến địa phương phải có biện pháp loại bỏ hẳn phí “bôi trơn”và giảm một số khoản thuế cho DN. Các DN Đà Nẵng chủ yếu là DNNVV, hầu như đều mới khởi nghiệp mà mắc vào hai thứ trên thì làm sao phát triển và tồn tại được. “Nếu mạnh dạn bỏ hoặc cắt giảm hai thứ trên chắc chắn DN sẽ rất phát triển và nếu còn e ngại hãy cho làm thử tại một số đặc khu sẽ thấy ngay”, ông K. cho hay.

(còn nữa)

X.Đ