“Cởi trói” cho người di cư
(Cadn.com.vn) - Gần 10.000 người di cư, chủ yếu đến từ Trung Đông và Châu Phi, hân hoan và vui mừng khi đến được “miền đất hứa” Tây Âu, hoàn thành cuộc hành trình đầy hiểm nguy bằng thuyền, xe buýt và tàu lửa.
Trong ngày 6-9, dòng người dân di cư tiếp tục đổ vào Hungary với mong muốn được đến Đức và Áo sau khi hai quốc gia Tây Âu này quyết định mở cửa đón người di cư, bắt đầu từ hôm 5-9.
Tại Áo, người dân địa phương chào đón dòng người di cư, hô vang hai tiếng “Xin chào”, theo cả tiếng Đức và tiếng Arab. Tại Đức, người di cư cũng được chào đón nồng nhiệt, đặc biệt, trẻ em được nhận kẹo và đồ chơi. “Tôi rất mừng khi đến được Đức và hy vọng sẽ tìm được việc làm ở đây”, Homam Shehade, một người dân Syria 37 tuổi đã trải qua 25 ngày trên đường đi đến “thiên đường” này cho biết.
Người dân Đức chào đón người di cư đến nước này. Ảnh: EPA |
Những “thiên đường” ở Tây Âu
Sau những ngày hỗn loạn và đối đầu, Hungary mở cửa biên giới và triển khai đội xe buýt chở hàng ngàn người di cư đến khu vực biên giới, để từ đó đến Đức và Áo.
Việc Hungary buộc phải hỗ trợ chuyên chở người di cư đến biên giới Áo bằng xe buýt bắt nguồn từ việc hàng ngàn người, vốn thất vọng vì bị ngăn cản không lên tàu ở Budapest, đi bộ dọc theo đường cao tốc về phía Áo. Theo giới chức Áo, quốc gia tuyên bố không có kế hoạch hạn chế số lượng người nhập cư, hơn 10.000 người đã vượt qua biên giới trong khoảng thời gian 48 giờ qua. Dân di cư, chủ yếu là người Syria, qua biên giới Áo để từ đó đến thủ đô Vienna hay Munich và các thành phố khác của Đức.
Đức được cho là “thiên đường số 1” đối với người di cư vì nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và lịch sử ưu đãi cho những người tị nạn. Sau Thế chiến II, khi đối mặt với Chiến tranh Lạnh, Berlin thiết lập chính sách tự do đối với người nộp đơn xin tị nạn chính trị, và từ đó nhận những người chạy trốn chiến tranh và xung đột chính trị khác. Hồi tháng 8, khi cuộc khủng hoảng di cư bùng lên, chính phủ Thủ tướng Angela Merkel quyết định bỏ quy định của Liên minh Châu Âu (EU) về người tị nạn đến từ Syria, cho phép họ đăng ký ở Đức mà không phân biệt quốc gia đầu tiên họ đến. Động thái này khiến nhiều nước Châu Âu chỉ trích mạnh mẽ.
Theo CNN, giờ đây, việc Áo lần đầu tiên chấp nhận những người di cư vào hôm 5-9 và cho phép họ tiếp tục đến Đức, giáng cái tát mạnh vào nỗ lực ngăn chặn người tị nạn của các nước Châu Âu khác.
Châu Âu vẫn chia rẽ
Tuy nhiên, cả Đức và Hungary đều tuyên bố, các biện pháp hiện nay chỉ mang tính “khẩn cấp” nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo, và sẽ không để tạo tiền lệ nguy hiểm.
Phía Budapest nhấn mạnh, việc triển khai xe buýt chở hàng ngàn người di cư đến biên giới là “sáng kiến duy nhất”, tức là sẽ “không có lần thứ 2”. “Quy định yêu cầu xin tị nạn tại nước đầu tiên mà người di cư đặt chân đến “vẫn còn hiệu lực, và chúng tôi hy vọng các nước EU khác hãy tiếp nhận họ”, một phát ngôn viên Chính phủ Đức cho biết.
Nhưng cho đến nay, các quốc gia EU vẫn chia rẽ trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp ở Luxembourg hôm 5-9, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini cho rằng, Châu Âu cuối cùng phải nhìn thấy vấn đề nội tại của cuộc khủng hoảng này - không chỉ ảnh hưởng đến một số quốc gia mà là vấn đề rộng khắp châu lục. “Tất cả Châu Âu phải thức dậy. Giấc mơ đã kết thúc”, Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner thừa nhận.
EU sẽ nhóm họp vào ngày 14-9 tới để tháo gỡ bài toán nan giải này. Và giới quan sát cho rằng, trước tiên EU cần giải quyết các mạng lưới buôn người hoặc đưa người di cư đến Châu Âu bằng đường du lịch. Khôi phục lại sự ổn định cho Libya, tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc chiến tại Syria là chìa khóa quan trọng tiếp theo để giải quyết vấn đề dài hạn hơn.
Khả Anh