Báo Công An Đà Nẵng

"Cởi trói" lời nguyền

Thứ năm, 05/11/2015 09:54

(Cadn.com.vn) - Sợ làm trái tục lệ để lại từ ngàn xưa, người Vân Kiều luôn sợ bị "ma núi" trừng phạt, trong đó có những hủ tục ăn sâu trong tâm thức nối từ đời này qua đời khác, trói buộc biết bao phận người trong nghiệt ngã. Nhiều năm trước, đó vẫn là câu chuyện có thực đâu đó giữa các bản làng. Nhưng hôm nay, đã là một câu chuyện khác.

Xa rồi, tục "thách cưới"...

Bản Chùa (xã Cam Tuyền), một địa bàn hẻo lánh và duy nhất của H. Cam Lộ (Quảng Trị) có đông đảo người Vân Kiều sinh sống. Con đường vào bản khá vất vả nhưng sự đổi mới đã thắp lên trong lòng người đến những cảm xúc phấn khởi. Lưới điện quốc gia đã phủ cả bản, nhiều ngôi nhà sàn được xây kiên cố thay vì phên nứa tạm bợ. Nhiều đôi vợ chồng lên rẫy trong tiếng cười rộn rã. Bất chợt hình ảnh người vợ lầm lũi lên nương, quán xuyến mọi thứ việc nặng nhọc sau ngày cưới dường như một sự "trả nợ" cho lễ thách cưới trước đó đã nhường lại cảm giác bình yên, sẻ chia của đôi lứa.

Anh Hồ Văn Nhiên, Trưởng bản Chùa cho biết, bản có 72 hộ với 305 nhân khẩu. Người dân nơi đây trồng sắn, trồng rừng và chăn nuôi, đang ngày càng khá hơn. Đời sống tinh thần của đồng bào cũng được nâng lên, chính những tục lệ xa rời thực tế đang dần được "tháo gỡ", cụ thể là tục thách cưới. Không riêng gì bản Chùa mà nhiều bản làng Vân Kiều khác tại Đakrông hay Hướng Hóa, tục lệ này từng là gánh nặng, trở ngại của nhiều người nghèo khổ. Già bản Hồ Văn Vang (65 tuổi) nhớ lại, thuở trước, cứ theo tục lệ mà làm, nếu nhà gái thách cưới lễ gồm 2 con lợn, mỗi con 50 ký là phải đúng như thế, còn nhiều tài sản khác mà "căng" nhất là trang sức bằng bạc. "Lúc xưa nghèo khó, ăn còn không đủ lấy đâu ra sắm lễ cưới lớn như rứa. Nuôi được con lợn bằng chừng ấy cũng gian nan rồi", già Vang nói thêm. "Không đủ lễ thì đừng nói chuyện cưới, tục lệ rồi mà. Vì rứa nhiều người yêu nhau mà không lấy được nhau. Nhưng bây chừ đã khác. Thách cưới vẫn là cái lễ trong cưới hỏi nhưng không gây áp lực như trước", già Vang hồ hởi.

Chúng tôi gặp "nhân chứng" là chị Hồ Thị Liên. Chị Liên năm nay gần 40 tuổi, gia đình cũng vừa tổ chức cưới cho đứa con đầu lòng. Chị Liên cười thân thiện khi chúng tôi hỏi đến tục lệ trên. "Lễ nhà nữ thách cưới nhà nam có còn không chị?". "Vẫn còn chứ, nhưng chỉ là giữ gìn nét văn hóa thôi, tùy điều kiện từng gia đình mà làm. Nhà cô dâu cũng tặng quà nhà chú rể tùy theo hoàn cảnh, thường là mua vải, xấn. Khá giả thì mua tặng nhiều, còn khó khăn thì vài bộ làm quà đôi bên cũng vui vẻ, quan trọng là tin tưởng nhau, đôi lứa yêu nhau", chị Liên nói. Anh Hồ Văn Nhĩ (27 tuổi), cưới vợ hơn 4 năm trước chia sẻ thêm: "Hiện giờ lễ thách cưới cũng phải "đi" cho nhà nữ 2 con lợn như trước nhưng to nhỏ gì cũng được, không ép buộc gì hết. Thậm chí ai chưa có điều kiện cưới thì cứ về ở với nhau, sau này khá giả cưới sau cũng không ai quở trách. Vợ chồng đều chung sức xây dựng gia đình, là "của chồng công vợ" như người Kinh vẫn nói".

Để có được quan niệm "thoáng" ấy, người dân Vân Kiều bản Chùa cũng trải qua thời gian dài được tuyên truyền và bản thân họ cũng vận động, can đảm tự tháo những hủ tục nặng nề. Không chỉ lễ thách cưới mà tục "nối dây", sinh nở "chốt" ở lều rừng từng khiến bao người dở sống dở chết cũng đã dần lùi về quá khứ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng phụ nữ Vân Kiều ngày càng tự tin hơn .

"Mưa dầm thấm lâu"

Tục "nối dây" của người Vân Kiều khiến không ít góa phụ phải "nối" hôn nhân với em hoặc anh trai chồng, ngay cả khi người đàn ông đó đang có gia đình. Hôn nhân thứ hai này trở thành cuộc "giằng níu" đau đớn  lên thân phận người phụ nữ. Thậm chí với đàn ông, nhiều người cũng không thoải mái gì. "Vì đó là luật tục lâu đời, nếu không theo thì sợ thần linh nổi giận, gieo tai ương xuống bản", cụ Hồ Thị Loan, bản Khe Som, Krôngklang, H.Đakông hồi nhớ. Tuy nhiên, theo tháng năm, đời sống đổi mới, nhận thức và tinh thần của đồng bào được nâng cao, tiến bộ, hủ tục ấy đang dần được tháo bỏ, chỉ còn chăng là ký ức một thuở.

Trở lại hỏi chuyện lớp trẻ tại bản Chùa, phải rất lâu họ mới tìm ra được "nhân chứng" hiếm hoi. "Cụ ấy đã già lắm rồi, hiện cụ ở với con cháu của mình. Sự can đảm của cụ càng khẳng định chẳng có lời nguyền nào lại đi bó buộc hạnh phúc của con  người", anh Hồ Văn Vinh kể về bà Hồ Thị N. Hơn 10 năm trước, chồng ốm bệnh qua đời, luật tục "nối dây" một lần nữa được đặt ra trước số phận mẹ con bà. Đã từng được nghe cán bộ tuyên truyền nhưng khi lâm vào cảnh nghiệt ngã này mới khiến bà thấm thía hơn. Phía nhà chồng dù không mấy khó khăn nhưng vì tục lệ, họ không dám chống lại. Trước tình cảnh này, bà N. vẫn kiên quyết không chấp nhận sự "sắp đặt" của luật tục, cũng không nghĩ đến chuyện đưa con trở về nhà ngoại, tháo chạy khỏi hiện thực mà vẫn tiếp tục bổn phận dâu con với nhà chồng nhưng ở với con cái của bà. Thấy bà cần mẫn nuôi con, làm tròn đạo hiếu, nhiều người thật sự ngưỡng mộ.

"Có nhà, có đất, con cháu có nơi học hành nên chẳng ai bỏ bản mà đi cả đâu. Mà thời nay không bắt buộc ai làm theo hủ tục được. Có chủ trương, pháp luật, cái gì xa rời thực tế, không phù hợp thì người dân đều được phổ biến, tuyên truyền. Mặc dù vậy, có những vấn đề cũng cần thời gian", Trưởng bản Hồ Văn Nhiên khẳng định. Lời của Trưởng bản Chùa một lần nữa kéo chúng tôi lên xã miền núi Hướng Hiệp (H. Đakrông). 20 năm trước, phụ nữ đến kỳ sinh nở đều phải tự lên đồi, rừng để "vượt cạn" trong chòi nhỏ chứ không được sinh ở nhà. Thế nhưng mấy năm nay, thai phụ của xã đều đến cơ sở y tế thăm khám và chờ sinh. "Phải qua một thời gian dài vận động, thay đổi nhận thức của đồng bào mới có kết quả ấy", Trạm trưởng Hồ Thị Liên phấn khởi. Bao nhiêu hạnh phúc ấy cũng là bấy nhiêu tin tưởng đang trải vào tương lai của bà con trên những bản làng đại ngàn hôm nay...

Bảo Hà