Báo Công An Đà Nẵng

Cơn ác mộng của Mỹ

Thứ năm, 28/05/2020 15:17

Virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan ở nhiều khu vực trong bối cảnh số người chết ở Mỹ vì Covid-19 đã vượt con số 100.000.

Một số nhà hàng ở Las Vegas đã mở cửa hôm 26-5.  Ảnh: AP

Hàn Quốc đã báo cáo số ca mắc Covid-19 mới cao nhất trong vài tuần qua trong ngày 27-5, trong khi Ấn Độ chứng kiến bước nhảy vọt đáng lo ngại trong 1 ngày kỷ lục với hơn 6.000 ca mới khi đại dịch đã mở rộng sự lây lan trên toàn cầu. Cho đến nay, trên toàn thế giới, khoảng 5,6 triệu người mắc Covid-19, hơn 350.000 người tử vong. Lây lan bùng phát vẫn gia tăng ở phần lớn Châu Mỹ, trong khi nhiều quốc gia ở Châu Á và phần lớn Châu Âu đang có những tiến bộ ổn định trong việc ngăn chặn đại dịch nguy hiểm nhất trong một thế kỷ qua. Mỹ hiện vẫn là tâm dịch lớn nhất thế giới, với số ca tử vong chiếm gần 1/3  trên thế giới.

Hơn 100.000 người chết

Theo số liệu trên trang mạng Worldometers, tính đến cuối ngày 26-5, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ là gần 100.500 ca, tăng gần 700 ca so với một ngày trước đó. Số ca bệnh cũng vượt 1,7 triệu, tăng trung bình gần 20.000 ca mỗi ngày.

Tuy nhiên, sự lạc quan về việc mở cửa trở lại các nền kinh tế để chống lại virus đã thúc đẩy một cuộc biểu tình ở Phố Wall, ngay cả khi số người chết ở Mỹ không ngừng tăng. Trong khi đó, hầu hết người Mỹ đều tự hỏi phải đến khi nào “cơn ác mộng” Covid-19 này mới thực sự chấm dứt? Hồi cuối tuần qua, tờ New York Times gây chú ý khi dành trọn vẹn trang nhất và 3 trang bên trong cho 1.000 cái tên của những người thiệt mạng trong ngày vì Covid-19. Lễ Chiến sĩ trận vong năm nay (25-5) trở nên đặc biệt với nhiều người Mỹ. Khi người dân tưởng niệm những chiến sĩ đã ngã xuống, họ cũng nhớ về những người đã chết trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Con số người chết ở Mỹ khiến các chuyên gia y tế giật mình. Nhiều người cáo buộc chính phủ Mỹ thiếu sự chuẩn bị trước đại dịch dù có hệ thống y tế, điều kiện vật chất tốt. Họ cho rằng, vấn đề lớn hơn của Mỹ là giới lãnh đạo phớt lờ lời khuyên của chuyên gia y tế và coi nhẹ mối đe dọa từ Covid-19, nhanh chóng mở cửa kinh tế.

Vẫn ưu tiên mở cửa kinh tế

Tổng thống Donald Trump, mặc dù thừa nhận virus SARS-CoV-2 còn kinh khủng hơn trận Trân Châu Cảng nhưng vẫn phớt lờ các cảnh báo của chuyên gia y tế để mở cửa nền kinh tế trở lại. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci mới đây cảnh báo việc mở cửa kinh tế trở lại quá sớm có thể làm bùng nổ làn sóng lây nhiễm thứ hai nhưng không được chú ý.

Hiện toàn bộ 50 bang của Mỹ đã nới lỏng các lệnh hạn chế để mở cửa kinh tế trở lại. Các bãi biển ở Mỹ trong những ngày qua đều đông kín khi người dân đổ xô tới đây tránh nóng bất chấp các khuyến cáo giãn cách xã hội. Nhà Trắng hôm 26-5 cho biết, Tổng thống Trump còn cam kết sẽ tổ chức lễ kỷ niệm lễ Độc lập (4-7) tại thủ đô Washington ngay cả khi các quan chức địa phương cảnh báo đây là  một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi  đại dịch và sẽ không sẵn sàng tổ chức một sự kiện lớn. Giới chuyên gia và các nghị sĩ đã cảnh báo việc tổ chức sự kiện như vậy sẽ không thể an toàn. Tuy nhiên, Thị trưởng Washington Muriel Bowser cho biết, thành phố đã có giấy phép cho tụ tập nhiều người trong tương lai. Hiện chính quyền vẫn thực hiện lệnh giãn cách và chuẩn bị kế hoạch chuyển sang giai đoạn 1 của việc mở cửa trở lại vào cuối tuần này.

Trong khi đó, Thống đốc bang Nevada Steve Sisolak ngày 27-5 tuyên bố, các sòng bạc có thể mở cửa trở lại vào ngày 4-6 tới, chào đón khách du lịch đến thánh địa cờ bạc ở Las Vegas. Thống đốc Sisolak tuyên bố đóng cửa các sòng bạc, nơi thu hút hàng triệu du khách và tạo nguồn thu cho nền kinh tế, từ 10 tuần trước để giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tại New York, bang có số người chết vì virus cao nhất, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết đã đến lúc tập trung vào việc tái khởi động nền kinh tế. Sau khi mở sàn giao dịch chứng khoán New York lần đầu tiên sau 2 tháng, ông đã vạch ra một kế hoạch bao gồm đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng lớn và giải quyết việc đối phó dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

KHẢ ANH