Báo Công An Đà Nẵng

“Con bài” vaccine Covid-19

Thứ ba, 01/12/2020 13:45

Một nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine Sputnik V ở Moscow hôm 15-9.    Ảnh: AP

Về chính sách ngoại giao liên quan đến vaccine phòng Covid-19, có hai con đường đang được áp dụng: tích trữ hoặc chia sẻ. Cách thứ nhất đang diễn ra ở Mỹ - với hai loại vaccine phòng Covid-19 đầy hứa hẹn của Pfizer và Moderna đang tiến tới thành công-khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tập trung phân phối trong nước. Liên minh Châu Âu (EU) và các nước giàu đã mua phần lớn những liều ban đầu một khi 2 loại vaccine này được tung ra thị trường. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga đang áp dụng cách tiếp cận thứ hai. Họ vội vã chia sẻ vaccine với các quốc gia đang tranh giành nguồn cung, tự định vị để có thể mở rộng lợi ích chính trị và kinh tế trong quá trình này.

“Con bài mặc cả”

Bắc Kinh và Moscow đang dẫn đầu các cường quốc phát triển vaccine cho mục đích sử dụng trong nước và quốc tế, kèm theo những tuyên bố lớn về năng lực sản xuất.

Cho đến nay, về cơ bản Mỹ đã “nhường” Nga và Trung Quốc lĩnh vực này. Washington từ chối tham gia Covax- chương trình hiện có 170 quốc gia tham gia và được WHO hậu thuẫn nhằm cung cấp hàng tỷ liều vaccine cho các quốc gia kém phát triển hơn - và không dự định chia sẻ vaccine với bất kỳ quốc gia nào khác. Kendall Hoyt, trợ lý giáo sư tại Trường Y Dartmouth’s Geisel, dự đoán rằng Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tìm ra cách thay đổi, bằng cách tham gia các nỗ lực đa phương về vaccine, tạo ra các thỏa thuận song phương hoặc cả hai.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang ký các thỏa thuận cho phép tiếp cận vaccine sớm ở những khu vực mà trước đây Bắc Kinh từng tranh giành ảnh hưởng với Mỹ. Một phân tích gần đây từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke, các quốc gia có thu nhập cao và trung bình đã mua 3,8 tỷ liều vaccine đang trong quá trình phát triển, và dự định sẽ mua thêm 5 tỷ liều nữa. Nhóm nghiên cứu dự đoán, hàng tỷ người ở các nước đang phát triển có thể phải đợi đến năm 2024. Chương trình Covax do WHO liên kết được coi là một cứu cánh quan trọng cho các nước nghèo để có được vaccine. Tuy nhiên, trong khi nỗ lực mới đang được thực hiện thì Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần trước rằng “Trung Quốc đang gõ cửa” các quốc gia đang phát triển.

Giành ảnh hưởng dựa vào vaccine?

Trung Quốc có 5 ứng viên vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, diễn ra ở các khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh. Thử nghiệm đang được tiến hành ở hơn một chục quốc gia, bao gồm Indonesia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi Arabia và Brazil. Tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nơi nhà lãnh đạo Dubai, Sheikh Mohammed bin Rashid Maktoum, nằm trong số những người được tiêm vaccine, Cty Sinopharm của Trung Quốc đã nhận được phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine vài tháng trước. Bộ Ngoại giao Mexico cho biết, Bắc Kinh đã cung cấp khoản vay 1 tỷ USD cho các quốc gia khó khăn trả tiền để mua vaccine. Trung Quốc cũng đã ký các thỏa thuận với Malaysia và Indonesia để được ưu tiên tiếp cận vaccine Sinovac Biotech, nhanh chóng tiến hành các thử nghiệm vào đầu năm nay khi các ca mắc bệnh ở hai quốc gia và nền kinh tế đang chững lại.

Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã rút lui khỏi vị trí lãnh đạo y tế toàn cầu, đáng chú ý nhất là đe dọa rút khỏi WHO, Bắc Kinh đã nhanh chóng tìm cách chiếm lấy vị trí này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một tuyên bố với G-20 hồi tuần trước cho biết, Bắc Kinh “sẵn sàng tăng cường hợp tác” với các nước khác để đẩy nhanh quá trình phát triển và phân phối vaccine.

Sputnik V - “sức mạnh mềm” của Nga

Chính sách ngoại giao vaccine của Nga là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Tổng thống Vladimir Putin nhằm khẳng định lại vị thế của quốc gia này như một cường quốc toàn cầu. Ngay cả cái tên mà hãng này chọn cho vaccine Covid-19 đầu tiên - Sputnik V - cũng gợi nhớ đến cuộc chạy đua không gian trong Chiến tranh Lạnh những năm 1950.

Các quan chức Nga tuyên bố sẽ có đơn đặt hàng tạm thời từ khoảng 50 quốc gia đối với 1,2 tỷ liều Sputnik V trong năm tới và cho biết họ đã đàm phán các thỏa thuận với các Cty ở Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Kazakhstan và Hungary. Các thử nghiệm đang được tiến hành hoặc lên kế hoạch ở Ấn Độ, UAE, Brazil, Venezuela và đồng minh lâu năm của Nga là Belarus. Việc vội vàng tung ra Sputnik V trước khi thử nghiệm Giai đoạn 3 đã đặt ra câu hỏi về tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này. Tuy nhiên, Trung tâm Dịch tễ học và Vi sinh Quốc gia Gamaleya và Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) - các nhà phát triển Sputnik V cho biết, vaccine này có hiệu quả 92%. Kirill Dmitriev, người đứng đầu RDIF, cho rằng những lời chỉ trích đối với Sputnik V là nỗ lực của phương Tây nhằm phá hoại dự án. Hiện loại vaccine Covid-19 thứ hai của Nga đã được đăng ký và loại thứ ba đang được phát triển.

Grigory Golosov, nhà phân tích chính trị tại Đại học Châu Âu ở St.Petersburg, cho biết, Nga luôn cố gắng thể hiện sức mạnh mềm bằng cách nhấn mạnh những thành tựu công nghệ. Tuy nhiên, những câu hỏi cũng bắt đầu xuất hiện. Phát biểu tại một diễn đàn đầu tư vào tháng trước, ông Putin thừa nhận rằng Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tăng tốc sản xuất vì thiếu trang thiết bị. Nga đã buộc phải cắt giảm kế hoạch sản xuất 30 triệu liều Sputnik V trong năm nay và dự định sẽ sản xuất khoảng 2 triệu liều. “Vaccine của Nga hoạt động an toàn và hiệu quả. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để sản xuất hàng loạt”, ông Putin nói tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia BRICS diễn ra tuần trước”. Tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa qua, ông Putin cho biết, vaccine phòng Covid-19 phải được cung cấp phổ biến cho tất cả các quốc gia, dù giàu hay nghèo, và cho biết Nga sẵn sàng phân phối vaccine cho các nước khó khăn.

“Trò chơi chiến lược đang diễn ra”

Nhà Trắng từ chối các nỗ lực đa phương, một phần vì những mâu thuẫn với WHO về phản ứng ban đầu của cơ quan này với SARS-CoV-2 và tuyên bố của ông Trump rằng cơ quan của LHQ này là “Trung tâm của Trung Quốc”. Tổng thống đắc cử Biden đã cam kết hủy bỏ việc Mỹ rút khỏi WHO nhưng không đề cập đến việc tham gia Covax hoặc bất kỳ kế hoạch nào khác.

Tuy nhiên, cuộc đua đã bắt đầu và các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc và Nga có thể sẽ tận dụng mọi lợi thế trước khi chính quyền Biden vào cuộc hoặc các Cty tư nhân phương Tây tìm kiếm các thị trường xa hơn. Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết: “Có một trò chơi chiến lược đang diễn ra, nhưng Mỹ không chơi”.

AN BÌNH