Báo Công An Đà Nẵng

Cơn bão cũ, mối lo mới

Thứ ba, 24/05/2016 08:57

(Cadn.com.vn) - Tối 22-5 (giờ địa phương), quốc hội Hy Lạp đã thông qua gói dự luật  gây tranh cãi về thực thi các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới ở nước này, động thái tiếp tục đẩy quốc gia chìm trong nợ nần này vào guồng quay của cơn bão đã tấn công họ trong nhiều năm qua cùng với nhiều lo ngại về nguy cơ cho nền kinh tế.

Dự luật này, vốn được thông qua với 153 phiếu thuận và 145 phiếu chống, cho phép chính phủ áp đặt các loại thuế và phí cũng như tăng mức thuế so với hiện nay. Đây là một phần trong thỏa thuận của Athens với các chủ nợ quốc tế nhằm tiết kiệm khoảng 5,4 tỷ EUR để đổi lấy khoản tín dụng giải nguy cho quốc gia đang bên bờ vực phá sản này. Thuế giá trị gia tăng đối với nhiều loại thực phẩm và đồ uống sẽ được tăng từ 23 lên 24% và nếu thực thi tốt, Hy Lạp có khả năng thu về 1,8 tỷ EUR/năm từ việc tăng thuế. Ngoài việc tăng thuế, gói biện pháp thắt lưng buộc bụng lần này cũng cho phép thành lập một quỹ tư nhân hóa phụ trách việc bán các Cty hay bất động sản của nhà nước và do các chủ nợ của Hy Lạp kiểm soát.

Trong khi đó, giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu và dầu sưởi cũng sẽ đắt đỏ hơn. Các hóa đơn tiền điện, truyền hình, internet, điện thoại cùng các sản phẩm như thuốc lá và rượu cũng tăng lên. Ngoài ra, du khách đến quốc gia này cũng phải trả thêm tiền khi ở khách sạn hay vào thăm các viện bảo tàng ở nước này. Theo truyền thông Hy Lạp, các loại thuế gián tiếp mới sẽ khiến mỗi người dân nước này mất một tháng lương, tương đương khoảng 810 EUR/người trong một năm.

Biểu tình đã bùng nổ khắp Hy Lạp, chỉ trích việc cải cách sâu rộng mới nhất lần này của chính phủ. Thực sự trong nội bộ chính phủ Hy Lạp cũng xảy ra những mâu thuẫn gay gắt quanh kế hoạch thắt lưng buộc bụng lần này. Tuy nhiên, theo chính phủ Hy Lạp, đây là biện pháp “sống còn” lúc này. Cairo giờ hy vọng các chủ nợ sẽ hoàn thành những đánh giá đầu tiên của chương trình cứu trợ tài chính thứ ba của họ, để có thể giải ngân cứu nguy trong lúc họ đang cực kỳ khốn khó. Hy Lạp cũng hy vọng dự luật mới sẽ mở đường cho một cuộc thảo luận về việc nới lỏng các điều khoản của khoản vay.

Tuy nhiên, vướng mắc còn nằm ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – một chủ nợ lớn vốn luôn cho rằng, Athens cần có giải pháp khác chứ không phải chỉ chăm chăm vào việc thực hiện khắc khổ nhiều hơn nữa. “Chúng tôi không muốn thắt lưng buộc bụng hơn nữa cho Hy Lạp và không muốn đè thêm gánh nặng vào những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất”, người phát ngôn IMF Gerry Rice nói.

Hy Lạp dự kiến trả vốn vay lớn cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và IMF trong tháng 7 tới, nhưng hiện đang không đủ tiền để thanh toán lương cho công nhân viên chức. Trong bối cảnh này, việc thông qua giải pháp thắt lưng buộc bụng mới là cứu cánh để Athens có thể nhận được từ 9-11 tỷ EUR trong tuần tới.

Thanh Văn