Báo Công An Đà Nẵng

Cơn bão hàng Thái sắp tràn vào Việt Nam?

Thứ tư, 20/08/2014 08:55

(Cadn.com.vn) - Câu chuyện BJC (Tập đoàn Berli Jucker - Thái Lan) mua lại toàn bộ hệ thống bán sỉ Cash & Carry ở Việt Nam của Metro Group (Đức) mới đây đã dấy lên mối lo ngại về thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Những “cơn gió” hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan bắt đầu thổi mạnh vào thị trường nội địa khiến các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nỗi lo toan chống đỡ ngay trên sân nhà.

Thị trường bán lẻ mất dần vào tay người Thái

Thái Lan đang muốn tạo ra một hệ thống hoàn chỉnh để hàng hóa có thể vào Việt Nam dễ dàng thông qua những siêu thị, trung tâm thương mại do chính họ làm chủ. Đó là thương vụ BJC với hệ thống bán sỉ Metro Việt Nam, Robins mở trung tâm thương mại tại Hà Nội, 7 Eleven đang rục rịch tìm điểm đặt chân tại TP HCM...

Trước đó, vào năm 1990, Charoen Pokhphand (CP Group) của tỷ phú Dhani Chearavanont đã mở văn phòng, hiện họ nắm giữ 7% thị phần thịt heo, 16% thị phần trứng gà công nghiệp và 22% thị phần gà công nghiệp. Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, trong năm 2013, Việt Nam đã nhập 6,31 tỷ đô-la các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng từ Thái Lan. Điều này cho thấy, không bao lâu nữa, hàng hóa “Made in Thailand” sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam thông qua hệ thống siêu thị đang mọc lên ngày càng nhiều ở các đô thị.

Điều đáng chú ý, trong số các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam, hàng Thái Lan chỉ xếp sau hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thời gần đây, những thông tin về sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thiếu an toàn của hàng Trung Quốc khiến cho người tiêu dùng quay lưng. Thừa dịp, “cơn bão” hàng Thái Lan đã nhanh chóng “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam, “phủ sóng” hầu hết các ngóc ngách từ thành thị đến nông thôn, từ cửa hàng tạp hóa đến chợ, thậm chí hàng Thái còn được đưa đến vùng sâu, vùng xa, nơi chưa hiện diện các sản phẩm của Việt Nam.

Tại TP Đà Nẵng, các tiểu thương tại chợ Cồn, chợ Hàn đã chuyển kinh doanh hàng Trung Quốc sang hàng Thái Lan. Các chợ đầu mối chuyên phân phối hàng sỉ như Tân Bình, An Đông (TPHCM) cũng chuyển dần qua hàng Thái Lan.

Theo các chủ tiệm, hàng may mặc của Trung Quốc đẹp về mẫu mã, giá lại rẻ hơn hàng Thái khoảng 10-20% nhưng khách hàng thích chọn mặt hàng này vì ít nhái, chất lượng bảo đảm, an toàn cho sức khỏe và độ bền cao hơn. Trên thực tế, hàng Thái Lan đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước, ngày càng chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác.

Không chỉ hàng quần áo may sẵn, đồ dùng gia dụng, mỹ phẩm, trái cây như sầu riêng, bòn bon, măng cụt, chôm chôm, quýt, xoài... hoặc đồ hộp, nước uống, bánh kẹo của Thái Lan cũng được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, chiếm đến 40% thị phần. Đặc biệt, hàng điện tử, điện lạnh của Thái Lan đang chiếm hơn 70% thị phần với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Sharp, Philips, Panasonic, Sanyo... xuất phát từ các nhà máy sản xuất ở Thái Lan.

Hệ thống bán sỉ Cash & Carry (Metro) ở Việt Nam nay đã vào tay ông chủ Thái Lan.

Những nẻo đường nhập khẩu

Sở dĩ hàng Thái Lan dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam do chính phủ Thái Lan thường xuyên hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp tại các hội chợ, triển lãm để giúp họ quảng bá sản phẩm. Đối với những hội chợ xúc tiến thương mại đầu tiên tại Việt nam, toàn bộ kinh phí sẽ được nhà nước tài trợ.

Mức hỗ trợ này sẽ giảm dần ở những lần tổ chức hội chợ kế tiếp khi các doanh nghiệp đã tự thân hoạt động tại thị trường nước ngoài. Ông Vũ Minh Phú (Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội) cho rằng, Thái Lan có ý định xâm nhập thị trường bán lẻ của Việt Nam rất lâu, đồng thời rất bài bản. Hằng năm, họ tổ chức 4 hội chợ triển lãm quy mô, đưa hàng hóa vào du lịch, tổ chức các đại lý, cửa hàng khắp từ Nam ra Bắc.

Với thương hiệu uy tín, chất lượng đảm bảo, hàng Thái Lan đã xâm nhập Việt Nam theo những nẻo đường như chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu, xách tay... Bên cạnh các doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch, hầu hết các tiểu thương nhập hàng Thái Lan qua đường tiểu ngạch để tránh thuế.

Họ nhờ các đại lý quen ở Thái Lan đặt mua, hàng hóa sẽ được giao cho một công ty vận tải đường bộ qua Lào rồi về cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) để vào Việt Nam. Những mặt hàng nhẹ nhàng khác như nước hoa, mỹ phẩm, điện thoại, đồng hồ, trang sức... sẽ  đưa về Việt Nam bằng cách “xách tay” theo đường hàng không, ký gửi thông qua các tiếp viên hàng không.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng hóa từ Thái Lan qua mạng Internet rất chuyên nghiệp. Trên các trang web mua bán, các nhà cung cấp luôn hỗ trợ người kinh doanh phát triển hệ thống phân phối qua kênh giao dịch thương mại điện tử. Khách hàng chỉ cần liên lạc qua mạng, các công ty này sẽ đáp ứng đơn hàng ngay.

Một mẩu quảng cáo hàng Thái Lan.

Các doanh nghiệp nội địa chống đỡ?

Hàng hóa Thái Lan đã và đang đe dọa các doanh nghiệp nội địa. Những thương vụ thâu tóm hệ thống siêu thị theo kiểu BJC - Metro AG chắc chắn sẽ  gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Tương lai, hàng hóa Việt Nam được phân phối qua hệ thống Metro sẽ nhanh chóng bị BJC thay thế bởi hàng hóa từ Thái Lan, đó là điều có thể là điều đáng lo không tránh khỏi.

Thật ra, hiện tượng hàng Thái nhập vào Việt Nam đã diễn ra âm thầm trong nhiều năm qua, chỉ tăng đột biến trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn lúng túng, thiếu hẳn một phương án đối phó bài bản và chuyên nghiệp. Rất ít các doanh nghiệp tận dụng, khai thác từ những ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các nước ASEAN.

Hơn bao giờ hết, chúng ta nên có một đối sách khôn ngoan và hữu hiệu để hạn chế rủi ro khi các rào cản thuế quan đã được gỡ bỏ vào năm 2015. Tồn tại hay không tồn tại? Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi Chính phủ trợ giúp bằng các chính sách vĩ mô. Không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp phải tính toán lại chiến lược kinh doanh, thị trường tiêu thụ, thế mạnh nội địa để tự vươn lên trước những quy luật nghiệt ngã hội nhập kinh tế thế giới.

Văn Khoa