Báo Công An Đà Nẵng

Con của các phiến quân IS: Những nạn nhân bị lãng quên (Kỳ 4: Rất khó giải quyết)

Thứ bảy, 22/06/2019 12:34

Vào tháng 9-2017, Thủ tướng của Iraq lúc bấy giờ, Haider al-Abadi, cho biết, chính phủ của ông giữ “giao tiếp đầy đủ” với chính phủ quê nhà của những đứa trẻ này để tìm cách cho chúng hồi hương. Và Iraq bắt đầu quá trình truy tố.

Những đứa trẻ không có giấy tờ, không được chăm sóc y tế và phải sống trong trại di dời ở Iraq.   Ảnh: AFP

Càng giữ lâu, càng khó gỡ

Trẻ em trên 9 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật của Iraq, so với 11 tuổi ở cấp liên bang ở Mỹ và 14 tuổi ở Đức. Các vụ án trẻ em được xét xử tại một tòa án vị thành niên, nơi các em phải đối mặt với 3 cáo buộc có thể xảy ra theo luật chống khủng bố của Iraq: nhập cảnh bất hợp pháp vào Iraq (bị giam giữ tối đa 1 năm); thành viên của IS (5-7 năm tù); và hỗ trợ IS thực hiện các hoạt động khủng bố (có thể kéo dài tới 15 năm tù). Trên thực tế, một số bị cáo trẻ em đã tham gia các cuộc tấn công vào lực lượng Iraq, làm nổ tung các trạm kiểm soát và chế tạo các thiết bị nổ.

Thẩm phán Aqeel al-Birmani, một thẩm phán chống khủng bố, người đã kết án một số trẻ em, nói với Reuters:  Một số người trong số các em có thể còn trẻ nhưng chúng đã biết chúng đang làm gì. Các em được huấn luyện để nói dối. Trẻ em dưới 13 tuổi, người phạm tội bạo lực thường nhận bản án từ 3 đến 6  tháng vì đã xâm nhập bất hợp pháp vào Iraq. Về lý thuyết, các em được tự do trở về nhà. Nhưng trên thực tế, nhiều người trong số các em cuối cùng ở lại nhà của những đứa trẻ ở Iraq do đất nước các em không đồng ý cho trở về. Chẳng hạn, thiếu niên người Đức, Linda Wenzel, đang thụ án 6 năm trong tình trạng giam giữ vị thành niên vì là thành viên của IS và xâm nhập bất hợp pháp vào Iraq. Các quan chức Đức từ chối bình luận về các trường hợp này. Bộ Nội vụ nước này chỉ cho biết, ước tính có tới 150 người lớn và trẻ em là công dân Đức hoặc có thể có yêu cầu cư trú tại Đức đang bị giam giữ tại Iraq.

Các nhân viên xã hội lo lắng về các bản án tù kéo dài, đặc biệt đối với trẻ lớn hơn, vốn sẽ chuyển đến các trại tù dành cho người lớn sau khi đủ 18 tuổi. Ở đó, họ lo sợ, bất kỳ nỗ lực nào để cải tạo những người bị giam giữ trong các cơ sở vị thành niên sẽ bị hủy bỏ bởi tội phạm bạo lực. Laila Ali, người phát ngôn của Unicef tại Iraq cho biết, trẻ em nên bị giam giữ như một biện pháp cuối cùng và trong thời gian ngắn nhất cần thiết. Khi trẻ em bị giam giữ, các biện pháp cụ thể phù hợp với lứa tuổi của chúng phải được thực hiện để bảo vệ chúng, bất kể lý do tước quyền tự do của chúng là gì. Fionnion Ni Aolain, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cho rằng, “càng giữ chúng ở đó càng lâu thì càng khó”.

Bên kia biên giới ở Syria, trẻ em của hơn chục quốc gia khác nhau đã nán lại trong các trại, trong khi các chính phủ Châu Âu tranh cãi về số phận của họ. Pháp cho biết vào ngày 15-3, họ hồi hương một số trẻ nhỏ từ các trại ở miền bắc Syria. Những đứa trẻ mồ côi hoặc xa cách cha mẹ.

Nga hành động

Đối với Gazieva, những lựa chọn về tương lai của con trai cô là ảm đạm. Vì cô không giữ hộ chiếu Pháp, con trai cô không có quốc tịch Pháp. Nga, đất nước Gazieva bỏ trốn, có thể là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga đã không trả lời các câu hỏi về trường hợp Gazieva. Họ cho biết một hoạt động sơ tán trẻ em Nga khỏi Iraq đã bắt đầu vào mùa thu năm 2017 và các quan chức Nga ở Baghdad tiếp tục làm việc để đưa tất cả trẻ vị thành niên Nga về nhà. Số phận con cái của một số quốc gia khác là ít rõ ràng.

Thổ Nhĩ Kỳ chiếm số lượng lớn nhất trẻ em nước ngoài bị giam giữ ở Iraq. Các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đang theo dõi sức khỏe của những đứa trẻ này và cung cấp thuốc men. Các nỗ lực đang được thực hiện để đưa các công dân Thổ Nhĩ Kỳ không phạm tội trở về, bắt đầu với trẻ em. Những đứa trẻ khác đến từ Azerbaijan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan với một số ít rải rác từ Jordan, Syria, Pháp, Đức và Trinidad và Tobago. Tổ chức từ thiện hợp pháp Reprease có liên quan đến các trường hợp phiến quân chiến đấu nước ngoài và gia đình của họ bị giam giữ ở Syria và ở Iraq. Người sáng lập Stafford Smith cho biết, các quốc gia có trách nhiệm pháp lý đối với công dân của họ, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương như trẻ em đang bị giam giữ mà không phải do lỗi của họ.

Nhưng một số quốc gia đang kéo chân họ. Một số trẻ em sinh ra trong lãnh thổ tự xưng của nhóm IS không được công nhận giấy khai sinh, gây khó khăn cho việc chứng minh quốc tịch. Đức, Georgia và Pháp đã hồi hương một số trẻ em. Một quan chức Pháp cho biết các quyết định như vậy được đưa ra từng trường hợp cụ thể, xem xét liệu người mẹ có muốn từ bỏ đứa con của mình hay không và liệu sự chia ly có nằm trong lợi ích của con hay không. Tajikistan đã nói rằng, họ sẽ sớm đưa các trẻ em trở về. Nhưng một số chính phủ có ít động lực để đưa phụ nữ và trẻ em trở lại. Có rất ít sự đồng cảm của người dân đối với con cái của các phiến quân IS.

KHẢ ANH