Báo Công An Đà Nẵng

Côn Đảo - một thời và mãi mãi (2)

Thứ sáu, 12/12/2014 10:58

* Bài 2: Huyền sử Côn Đảo

(Cadn.com.vn) - Đến Côn Đảo, đi đâu cũng gặp chứng tích lịch sử. Nơi đây, suốt hơn 1 thế kỷ xâm lược, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã dựng nên một "địa ngục trần gian" khét tiếng có một không hai, giam cầm, đọa đày những người con ưu tú nước Việt. Chính tại Hòn đảo thiêng của Tổ quốc này, biết bao thế hệ chí sĩ, cách mạng (CM) yêu nước đã viết lên những bản anh hùng ca bi tráng. Nơi đây có một ngày được ví là Ngày Côn Đảo: 27-7.

Hệ thống nhà tù khét tiếng một thời với tên gọi "Địa ngục trần gian" được hình thành ngày 1-2-1862.  Trước 4 tháng khi triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất với Pháp, trong đó có việc nhượng hoàn toàn chủ quyền quần đảo này cho Pháp, thủy sư đô đốc Pháp Bonard đã tự ký quyết định thành lập nhà tù nơi đây, biến núi non hùng vĩ, biển trời Côn Lôn trong lành thành nơi giam cầm các chí sĩ, CM yêu nước Việt Nam với hệ thống nhà tù, chuồng cọp ghê rợn...

Trải qua 113 năm tồn tại, Côn Lôn ngày ấy, Côn Đảo bây giờ vẫn còn lưu giữ quần thể hệ thống nhà tù với những cái tên đã đi vào lịch sử: Banh I (Phú Hải), Banh II (Phú Sơn), Banh III (Phú Thọ), Banh III phụ (Phú Tường), Chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ... Trong số hàng ngàn người con ưu tú đất Việt nằm lại Côn Đảo có tên và vô danh, có một nhân vật trở thành huyền sử, đó là nữ AHLLVTND Võ Thị Sáu- người con gái Đất Đỏ hy sinh khi mới 19 tuổi...

Mộ của nữ liệt sĩ AHLLVT Võ Thị Sáu trong NTLS Hàng Dương.

Người dân Côn Đảo gọi chị bằng tên gọi đầy trìu mến và tôn kính:  "Cô Sáu!". Hôm tôi ra Côn Đảo, câu đầu tiên được người dân hỏi là: "Đã ra mộ cô Sáu thắp hương chưa? Cổ linh lắm đó! Nếu có lòng thành, ra mộ thắp hương xin là cổ sẽ cho toại nguyện...". Để minh chứng, chủ khách sạn Red nơi tôi lưu trú tên Liễu kể, mới đây, một người đàn ông 50 tuổi chưa vợ làm ngành điện lực ra Côn Đảo công tác. Được mọi người khuyên, anh ra Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương (NTLSHD) thắp hương các liệt sĩ và đến mộ cô Sáu xin duyên. Sau chuyến đi đó trở về chừng 3-4 tháng, anh... có vợ.

Họ đã đáp máy bay ra Côn Đảo để tạ lễ tại NTLSHD. Thực hư thế nào tôi chưa có điều kiện kiểm chứng, nhưng có điều tôi cảm nhận được đó là lòng ngưỡng mộ, thành kính của người dân đối với nữ liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu thật vô bờ. Ở Côn Đảo có 3 điểm thờ cúng và tưởng niệm liệt nữ Võ Thị Sáu đó là: NTLSHD nơi có mộ phần của chị, nhà lưu niệm nằm ở đường Lê Duẩn và nhà tưởng niệm trên đường Tôn Đức Thắng trông ra công viên có tượng đài Võ Thị Sáu nhìn về phía biển lộng gió...



Biểu tượng ở NTLSHD và tượng đài AHLLVT Võ Thị Sáu tại NTLSHD. Ảnh: P.T

Điểm đầu tiên tôi đến viếng thăm trong lần trở lại Côn Đảo này không phải NTLSHD mà là Sở Cò, nơi giam cầm chị Sáu 1 ngày trước khi đưa đi hành quyết, nay là Nhà lưu niệm Võ Thị Sáu. Ngắm từng di vật, hình ảnh liên quan đến cuộc đời hoạt động của chị, văng vẳng bên tai tôi là tiếng vó ngựa thong dong, gõ lóc cóc trên những con đường đất đỏ, xanh ngắt màu xanh cây lá Lêkima cùng hình ảnh cô thiếu nữ 19 tuổi đầy khí phách trước giờ ra pháp trường. Võ Thị Sáu tham gia CM khi mới 12 tuổi, 14 tuổi đã được tuyển dụng vào lực lượng CA xung phong quận Đất Đỏ nhận nhiệm vụ diệt ác, trừ gian, bảo vệ dân làng và bị giặc Pháp bắt giam đầu năm 1950...

Dù chưa đủ tuổi thành niên, nhưng chị vẫn bị đưa ra tòa án binh xét xử tuyên án tử hình. Đầu tháng giêng năm 1952, giặc Pháp bí mật đưa chị rời khỏi khám Chí Hòa cùng 13 tù nhân nam khác ra Côn Đảo để hành quyết. Chị cũng là nữ chiến sĩ CM đầu tiên bị đưa ra Côn Đảo xử bắn. Tàu vừa cập bến, chúng áp giải chị đến Sở Cò giam một ngày đêm, sáng hôm sau 23-1-1952 thì đưa ra pháp trường xử bắn. Đến tận giờ phút vĩnh biệt cõi đời, người con gái Đất Đỏ vẫn ngẩng cao đầu, cất vang tiếng hát bài "Tiến quân ca" rồi thét vang: "Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!"...

Trong quan niệm dân gian, những người con gái chết trẻ và chết thiêng sẽ hóa thành thánh. Thế nên, không lấy gì làm lạ khi với người dân Côn Đảo nói riêng, người dân cả nước nói chung, chị Sáu đã trở thành nữ thánh với bao huyền sử được dệt nên... Người dân Côn Đảo truyền kể rằng, dù bị cấm nghiêm ngặt, nhưng từ lúc chị Sáu nằm xuống Hàng Dương, không ngày nào trên mộ chị vắng hương khói và hoa rừng. Không chỉ có những người tù Côn Đảo, ngay cả vợ con binh lính ngụy và một số cai ngục người Việt ở Côn Đảo thời ấy cũng âm thầm, lén lút thờ cúng chị.

Sau sự kiện vợ giám thị Ruby lên mộ thắp hương cho chị vào tối 30 Tết 1952, thoáng thấy một người con gái mặc áo dài trắng từ ngôi mộ đi ra, thong thả rảo bước về phía thị trấn được lan truyền khắp Côn Đảo, người dân ở đây không còn thề "có trời đất, quỷ thần" nữa mà "thề có Cô Sáu chứng giám". Trong số những người "mê tín" chị Sáu có thiếu tá Tăng Tư-nguyên Phụ tá Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng rồi Tỉnh trưởng Côn Đảo. Từ năm 1960 đến 1965, ông ta lén lút thờ tự chị Sáu trong tư dinh mình. Mỗi lần làm một việc gì hệ trọng, hắn đều thắp hương khấn vái chị Sáu...

Trong ký ức của những người tù chính trị Côn Đảo thời Pháp thuộc được ghi lại, tấm bia đầu tiên được dựng trên mộ chị Sáu do kíp tù làm thợ hồ (khám 2, Banh I) bí mật đúc bằng xi- măng ngay sau khi biết được địch sẽ đưa chị đi hành quyết vào ngày 23-1-1952. Tối hôm chị Sáu hy sinh, tấm bia đã được dựng lên. Hôm sau nghe tin, chúa đảo Jarty đích thân dẫn lính lên đập nát tấm bia và cào bằng ngôi mộ. Ngày hôm sau, ngôi mộ đã được đắp cao hơn trước và một tấm bia mới đúc bằng xi-măng giống hệt lại được dựng lên. Căm tức, Jarty ra lệnh cho thủ hạ điều tra ai là thủ phạm làm nên chuyện này.

Chúng cho 20 tên gác vào khủng bố khám thợ hồ, đánh đập họ rất dã man nhưng không moi được thông tin. Không ai nhớ đã có bao nhiêu tấm bia được dựng trên mộ chị. Chỉ biết, cứ mỗi lần mở chiến dịch tố cộng, bọn cải huấn ở Côn Đảo lại cho người ra đập phá bia mộ chị Sáu để hạ uy những người tù cộng sản thì lập tức có tấm bia khác thay thế. Chính sự thay đổi liên tục này dẫn đến việc ngày hy sinh của chị bị ghi sai thành 23-12-1952. Mãi đến năm 1992, khi đoàn cựu tù chính trị Côn Đảo từ thành phố Hải Phòng đến viếng NTLSHD, ngày hy sinh của chị mới được trả lại đúng với sự kiện lịch sử...

Trước ngày rời Côn Đảo, sáng sớm, tôi ghé chợ Côn Đảo mua hương hoa trái cây ra NTLSHD thắp hương cho liệt sĩ và viếng mộ chị Sáu. NTLSHD yên ắng đến lạ! Trong bảng lảng sương khói, từng đàn cò trắng bay về đậu trên những lùm cây tỏa bóng râm mát khắp các ngôi mộ. Nhìn lên di ảnh chị, tôi tự hỏi có nơi đâu như ở đất nước này, trẻ 3 tuổi đã biết đánh giặc và trở thành Thánh Gióng, như chị Sáu mới 14 tuổi đã tham gia CM diệt ác, trừ gian. Chị mãi mãi sống trong lòng nhân dân Việt Nam với tuổi 19 viên mãn....

Bút ký: Phan Thủy
(còn nữa)