Báo Công An Đà Nẵng

Côn Đảo - một thời và mãi mãi (4)

Thứ hai, 15/12/2014 10:51

* Bài 4:  Những người giữ lửa Côn Đảo

(Cadn.com.vn) - Trong hành trình tìm hiểu lịch sử một thời đau thương mà oanh liệt của Côn Đảo, tôi may mắn được các thuyết minh viên Ban Quản lý di tích Côn Đảo cung cấp một số tư liệu. Tôi nghĩ, những con người đang say sưa lao động quá khứ này chính là những người giữ cho ngọn lửa Côn Đảo mãi mãi linh thiêng...

Chị Huỳnh Thị Thanh Thúy-Trưởng phòng nghiệp vụ Ban Quản lý di tích Côn Đảo (BQLDTCĐ) kể, sinh ra lớn lên ở Côn Đảo, với chị, những di tích lịch sử nơi đây đã ám ảnh chị từ bé. Tốt nghiệp THPT, chị xin vào làm tại BQLDTCĐ rồi đi học ĐH văn hóa chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng và gắn bó luôn nghề thuyết minh đến nay. Nghề thuyết minh, ngoài vốn kiến thức hiểu biết về lịch sử đòi hỏi phải có duyên dẫn chuyện, cách phát âm phải chuẩn để du khách miền nào cũng có thể nghe được. Thúy vẫn không sao quên được một lần khách rầy la về chuyện phát âm không chuẩn của mình.

Với chị, đó là bài học đáng nhớ trong đời làm thuyết minh viên: “Lần đó, tôi dẫn một đoàn khách 10 người đi giới thiệu các danh lam, thắng cảnh và di tích ở Côn Đảo, trong đó, có 2 người đi ghép là người phía Bắc. Khi dẫn đoàn đến thăm di tích An Sơn Miếu, nơi thờ bà  Phi Yến- vợ của Chúa Nguyễn Ánh- do cách phát âm không chuẩn từ “chúa Nguyễn Ánh”, khiến một trong hai người này nghe nhầm thành từ “chú” nên phản ứng: “Cô là gì mà dám nói ổng là chú?”. Ban đầu, tôi không hiểu vì sao người đó lại phản ứng khá gay gắt đến vậy, đến tối về suy nghĩ, mới chợt hiểu ra. Sau lần đó, tôi cố gắng tập phát âm cho đúng từ này và dặn lại các bạn trẻ quê miền Nam cố gắng phát âm cho chuẩn để khách không hiểu lầm...”.

Các thuyết minh viên đang dẫn chuyện tại trại giam Phú Hải...

Trong muôn vàn tư liệu liên quan đến di tích lịch sử Côn Đảo, chị Thúy cho biết, mỗi lần dẫn du khách đi thăm hệ thống chuồng Cọp Pháp-Mỹ và chuyện ngày Côn Đảo giải phóng là chị lại bồi hồi xúc động: “Đã bao nhiêu lần kể cho du khách nghe về những mẩu chuyện này, nhưng chẳng có lần nào giống lần nào. Lúc nào, tôi cũng đều xúc động khi kể về những tư liệu này. Không xúc động sao được khi mà vào thời Mỹ, để che giấu hệ thống giam chuồng cọp được xây dựng từ thời Pháp, Mỹ đã cho xây thêm một trại giam rồi cho trồng cây xanh um tùm để ngăn cách hai khu này với nhau. Tù nhân được thả ra, nhiều lần tố cáo về hình thức tra tấn, đày đọa dã man của hệ thống chuồng cọp Pháp- Mỹ này, thế nhưng, khi Đoàn dân biểu Mỹ ra kiểm tra vẫn không phát hiện do cây cối mọc cao um tùm. Mãi đến năm 1970, khi 5 SV bị nhốt ở chuồng cọp này được trao trả tự do đã viết đơn tố cáo đồng thời vẽ luôn sơ đồ của nó, Đoàn dân biểu Mỹ ra kiểm tra lại thì nó mới được phát hiện và cho đập phá (giờ vẫn được giữ nguyên trạng)...”.

Một chi tiết mà chị Thúy kể lại khiến tôi xúc động. Đó là ngày Côn Đảo được giải phóng, khi nhận thông tin liên lạc từ đất liền hỏi: “Các đồng chí cần gì để chúng tôi gửi ra trong chuyến tàu chi viện đầu tiên cho Côn Đảo”, bác Trần Trọng Tân- Phó Bí thư Đảng ủy lâm thời của Côn Đảo-trả lời rằng: “Ở đây  thiếu thốn nhiều thứ lắm, từ nhu yếu phẩm, thuốc men, nhưng cái mà chúng tôi cần nhất lúc này là di ảnh Bác Hồ để tổ chức lễ rước Bác trong ngày vui thống nhất”. Và thế là, trong chuyến tàu chở hàng đầu tiên ra Côn Đảo ngày 4-5-1975, đồng đội từ đất liền đã gửi ra cho Côn Đảo 500 di ảnh Bác Hồ... Ở trong tù, các cô chú bác nhớ Bác Hồ quá đã dùng lá bàng đốt lấy tro, dùng gạch rồi vẽ Bác bằng trí tưởng tượng trên những tấm vải bằng bao bố. Thế nên, với họ thiếu thốn thực phẩm, thuốc men không quan trọng. Cái họ cần nhất chính là di ảnh Bác trong ngày vui đại thắng... Chị tâm sự rằng, mỗi lần thuyết minh, nhìn xuống đoàn khách thấy có nhiều ánh mắt rưng rưng, là chị thấy hạnh phúc vô cùng vì đã truyền được ngọn lửa yêu nước, lòng tự hào dân tộc đến cho du khách...

Các thuyết minh viên đang dẫn chuyện tại di tích An Sơn miếu.

Nghề  thuyết minh cũng lắm nỗi niềm. Buồn nhất là khi thuyết minh mà người tham quan không muốn nghe, cứ hồn nhiên nói cười, nhai kẹo cao su, ăn hàng vặt. Thuyết minh viên Võ Hoàng Thanh Tú kể: “Trong cùng một ngày, em dẫn hai đoàn khách với 2 tâm trạng khác nhau. Một đoàn khách ăn mặc lịch lãm, thế nhưng họ chẳng chú tâm vào những gì thuyết minh viên nói. Có người còn ăn quà vặt trong khu di tích nữa. Đến chiều, em tiếp một đoàn khách là những người tu hành từ miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Nhìn những đôi chân còn đóng phèn, em thấy thương vô cùng. Càng trân trọng hơn khi suốt cuộc hành trình họ chăm chú nghe em thuyết minh. Có người còn khóc khi đi tham quan chuồng cọp, chuồng biệt lập phân bò, NTLSHD...”. Tú là con của nữ lãnh đạo BQLDTCĐ, người có thâm niên thuyết minh viên hay nhất ở Côn Đảo, bén duyên và kế nghiệp mẹ sau 2 năm đi làm ngành du lịch đã xin sang làm thuyết minh viên. Với Tú, được thuyết minh về lịch sử hào hùng, bi tráng của Côn Đảo là niềm tự hào của chàng trai sinh năm 1988 này...

Không riêng gì những người làm công tác bảo tồn, ở Côn Đảo, còn có một lực lượng góp phần trong việc giữ gìn cho núi non, biển trời Côn Đảo mãi mãi hùng vĩ, thanh bình là lực lượng bảo vệ vườn quốc gia Côn Đảo và những người dân yêu Côn Đảo như là máu thịt của mình. Trong quá trình xây dựng và phát triển, có không ít lần người dân đã phản đối không cho xây dựng phía trước mặt tiền của thị trấn tháp chứa nước trên bến cầu cảng mới, buộc dự án này phải tạm dừng lại bởi lý do: xây dựng bồn chứa nước cao như vậy sẽ chắn tầm nhìn, mặt khác làm mất mỹ quan của bờ biển đẹp, khiến du khách không còn nhận ra vẻ đẹp hoang sơ của nó nữa; hay như con đường Tây Bắc chạy sau lưng núi Chúa vừa mới hình thành dự án đã gặp sự phản ứng trái chiều trong dư luận. Người dân Côn Đảo rất sợ phá đi cảnh quan hùng vĩ vốn có của biển trời Côn Đảo. Với người dân Côn Đảo, dù phát triển đến đâu cũng không được làm xấu đi Côn Đảo!

Bút ký: Phan Thủy
(còn nữa)