Báo Công An Đà Nẵng

Côn Đảo - một thời và mãi mãi (5)

Thứ ba, 16/12/2014 08:05

* Bài cuối: Côn Đảo trong tôi

(Cadn.com.vn) - Người dân Côn Đảo hồn hậu, chân chất, luôn khát khao được đón những người từ đất liền ra thăm. Nhớ lúc đứng trước sân bay Cỏ Ống ngơ ngác tìm taxi vào trung tâm huyện, tôi được một tài xế mời ra xe đi chung cùng đoàn người ra Côn Đảo cho vui. Hay khi tay xách, nách mang cuốc bộ tìm chỗ trọ trong buổi chiều đầu đông, một cô gái đang chạy xe trên đường chợt dừng trước mặt, vui vẻ đề nghị: "Chị đi đâu, em chở cho đỡ mỏi chân?", mà thấy ấm lòng đến lạ! Tình người Côn Đảo hôm nay vẫn như 8 năm trước tôi ghé thăm...

Tác giả chụp ảnh lưu niệm tại chuồng cọp. Ảnh: P.T

Côn Đảo đổi thay rất nhiều so với 8 năm trước tôi ra, từ hệ thống giao thông, các công trình công cộng phục vụ dân sinh đến khách sạn, nhà nghỉ...8 năm trước, Côn Đảo chỉ có nhà khách Công Đoàn (nay là KS Côn Đảo), KS Phi Yến và một vài nhà nghỉ nho nhỏ, nay đã có 38 cơ sở lưu trú trong đó có 5 KS lớn, 5 KS mini, 4 nhà khách cùng một hệ thống nhà nghỉ nằm trong khu trung tâm thị trấn. Muốn ăn đêm, ngoài Chợ Côn Đảo và phố đêm mở ra để phục vụ du khách nhân sự kiện Festival Biển Bà Rịa- Vũng Tàu 2006, khách không biết tìm chỗ nào để ăn đêm.

Giờ hệ thống nhà hàng ven biển mọc lên san sát. Trước kia để tìm một quán cà-phê đẹp ngồi thả hồn vào hương đêm, khí trời tuyệt vời nơi đây không dễ, giờ đã không còn quá khó... Cứ nghĩ, cùng với sự đổi thay và sự phát triển du lịch vượt bậc, tình hình ANTT chắc cũng sẽ phức tạp. Thế nhưng, mọi chuyện không như tôi nghĩ. Tình hình ANTT rất ổn định nhờ vào các biện pháp đồng bộ. Gia đình nào có người vi phạm các quy định về ANTT, trật tự văn minh đô thị, có những biểu hiện, cử chỉ thiếu văn hóa là sẽ không được bình xét thi đua. Một đồng nghiệp gắn bó khá lâu với Côn Đảo đã bật cười cho tôi "quá lo xa" khi bày tỏ quan ngại, cùng với sự phát triển du lịch, Côn Đảo nên đề phòng các vấn nạn xã hội như: mại dâm, ma túy.

"Nhà báo quá lo xa. Tôi dám khẳng định những tệ nạn đó không thể hoành hành tại hòn đảo này. Một năm chỉ có từ 1-2 vụ, chủ yếu là dân từ đất liền ra để "phục vụ" ngư dân các tàu ghe ghé qua cảng Bến Đầm nạp thêm nhiên liệu rồi đi ngay, nhưng mới hoạt động đã bị dân phát hiện tố giác, CA vào cuộc xóa liền. Với kinh tế chủ yếu dựa vào ngành du lịch, hệ lụy kéo theo liên quan đến các tệ nạn là điều không thể tránh khỏi của nhiều tỉnh thành chứ không riêng gì Côn Đảo. Tuy nhiên, tai mắt dân Côn Đảo tinh lắm. Chỉ cần thấy có một dấu hiệu lạ là phản ánh ngay. Ở đây, tinh thần dân chủ rất cao. Mọi phản ánh của dân đều phải được kiểm chứng và xử lý, nếu không người đứng đầu của đơn vị chức năng đó sẽ... rớt chức liền. Người dân ở đây có quan điểm, không được làm xấu đi hình ảnh của Côn Đảo. Như thế là có tội với các anh linh những người ngã xuống vì độc lập, tự do hôm nay".

Cứ nghĩ điều anh nói chỉ để... lòe mắt người từ phương xa đến, thế nhưng, khi tìm hiểu tại CAH, tôi mới biết điều anh nói là thật. Trong năm 2014, CAH phát hiện, điều tra là rõ 15 vụ phạm pháp hình sự, trong đó chỉ có 1 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm từ đất liền ra đây hoạt động. Hầu hết đối tượng phạm tội trên lĩnh vực ANTT đều là dân tạm trú, ngư dân vãng lai (chiếm 85,19%). Có người còn đùa, một huyện có 7.375 nhân khẩu, trong đó chỉ có 4.839 khẩu là có hộ khẩu thường trú, số còn lại tạm trú để làm ăn, thì với số vụ việc xảy ra hàng năm như hiện nay, có thể nói CAH Côn Đảo đang "thất nghiệp"...





Hệ thống chuồng cọp ở Côn Đảo.

Lạ một điều, hiếm có nơi nào trên khắp nước Việt Nam này, người dân ba miền Bắc-Trung- Nam lại hội tụ về đây nhiều đến vậy và hình thành nên một bản sắc văn hóa rất Côn Đảo- bản sắc của sự giản dị mà ân tình, ngay thẳng, để rồi ai đến một lần đều nhớ! Ở Côn Đảo, ban ngày hay ban đêm, lỡ bỏ quên xe đâu đó cũng chẳng sao. Nhớ hôm đầu tiên thuê xe máy đi liên hệ công tác, trưa ghé vào chợ Côn Đảo ăn cơm, dựng xe chỗ hàng rào có dây giăng xong, loay hoay tìm người giữ xe để lấy vé nhưng chẳng thấy đâu. Hỏi ra mới biết, ở đây xe gửi miễn phí...

Một điều lạ và có lẽ không nơi nào có đó là, nơi ở đất liền ban đêm thường vắng vẻ, ít người qua lại thì ở Côn Đảo, ngược lại, càng về khuya càng có nhiều người đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương (NTLSHD)-nơi yên nghỉ của hàng vạn liệt sĩ vô danh và có tên, trong đó, có đến 25 ngôi mộ tập thể từ lâu đã trở thành thánh địa thiêng liêng không chỉ của người dân Côn Đảo và của cả nước. Từ năm 2008 trở lại đây, khi Côn Đảo được các nhà làm du lịch phát triển tour du lịch tâm linh thì NTLSHD về đêm càng đông người viếng.

Các quầy hàng bán hoa quả, hương đèn ở chợ Côn Đảo nhờ thế mà bán chạy hàng. Trước khi rời Côn Đảo, tôi chạy xe ra đường Tôn Đức Thắng- con đường ven biển đẹp nhất Côn Đảo- phóng mắt nhìn bao quát hòn đảo thêm một lần nữa. Hít thật sâu như muốn vỡ tung lồng ngực hương vị mặn mòi của biển cả bao la, tôi hiểu, vì sao mình lại muốn trở lại hòn đảo này đến vậy. Tôi thầm mong, 5 năm hay 10 năm sau nữa, dù phát triển đến đâu đi chăng nữa, Côn Đảo vẫn mãi giữ được vẻ đẹp thanh khiết vốn có của một vùng biển trời Tổ quốc linh thiêng.

Bút ký: Phan Thủy
(Côn Đảo cuối tháng 11 - Đà Nẵng tháng 12-2014)