“Cơn địa chấn” bầu cử Pháp và Brexit
(Cadn.com.vn) - Nếu ứng viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trở thành ông chủ mới của Điện Élysée sau ngày bầu cử vòng 2 sắp tới, điều đó có ý nghĩa gì đối với các doanh nghiệp và vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh Châu Âu –EU)?
Với bức tranh kinh tế lớn hơn, chiến thắng của ông Emmanuel Macron rõ ràng đã lấy đi cơ hội tạo ra cú sốc chính trị và kinh tế cốt lõi trên toàn Châu Âu. Trong khi đó, ứng viên Marine Le Pen được xem như mối đe dọa hiện hữu đối với toàn bộ dự án của Châu Âu khi bà cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về Frexit (Pháp rời EU).
Khả năng chiến thắng của ông Macron đang khiến thị trường chứng khoán của Pháp và đồng EUR tăng mạnh khi mối đe dọa Frexit được xem là đang giảm. Và một chiến thắng cho ông Macron sẽ được các doanh nhân hoan nghênh khi họ xem ông là người thiếu kinh nghiệm chính trường nhưng thực dụng và chuyên nghiệp.
Ông Macron (trái) được đánh giá sẽ đánh bại bà Le Pen, trở thành tổng thống Pháp |
Ảnh hưởng Brexit
Một số người cho rằng, các chính sách thân thiện với kinh doanh của ông Macron - chẳng hạn như giảm thuế doanh nghiệp từ 33% xuống 25% và giúp các Cty dễ sa thải nhân viên hơn - khiến Pháp trông hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp đang lục lọi Châu Âu để tạo cơ sở tiềm năng ở EU. Chẳng hạn, hầu hết các ngân hàng đều đặt Pháp gần cuối danh sách khi xem xét bất kỳ động thái tiềm năng. Nhưng nếu ông Macron lên làm tổng thống, điều đó có thể thay đổi.
Nhưng vẫn có hai lý do chính cho thấy việc ông Macron giành chiến thắng có thể vẫn tốt cho nước Anh trong các cuộc đàm phán Brexit. Thứ nhất, dù vị chính trị gia trẻ tuổi này có thể muốn cắt giảm thuế và giảm quyền của người lao động - nhưng ông phải thành lập một chính phủ để làm điều đó, và có thể cần sự ủng hộ của các nhân vật thuộc đảng Xã hội Pháp, nơi ứng viên đại diện Benoit Hamon nói về thu nhập cơ bản phổ quát và 32 giờ trong 1 tuần làm việc.
Thứ hai là dự án an ninh của Châu Âu. Lo ngại việc Anh bỏ phiếu rời EU sẽ gây ra tình cảm chống EU bùng nổ trên đất Châu Âu dường như đang mờ dần. Đảng cánh hữu xa xỉ của ông Geert Wilders ở Hà Lan đã thất bại, trong khi ở Đức, đảng AfD chống nhập cư đang trong tình trạng hỗn loạn. Sự chống đối của Anh đối với EU, cho đến nay, khó có thể bắt gặp ở nơi nào khác. Với ý nghĩ đó, có ít lý do để EU “trừng phạt” London trong các cuộc đàm phán sắp tới như là một nỗ lực ngăn chặn các nước khác có thể rời đi như một hiện tượng domino.
Pháp sẽ đi về đâu?
Dù không có được một bệ đỡ vững chắc là một đảng chính trị lớn mạnh, nhưng ứng viên Macron đã giành được số phiếu ủng hộ nhiều nhất trong vòng 1. Với hình ảnh năng động, nhiệt huyết cùng lập trường sẵn sàng vượt qua ranh giới các đảng truyền thống nhằm huy động sức mạnh của hai phe cánh tả-hữu, ông đang được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi lớn trên bàn cờ chính trị nước Pháp.
Đối thủ của ông, bà Marine Le Pen cũng thu hút lá phiếu cử tri nhờ đánh vào tâm lý người lao động với quan điểm phản đối người nhập cư và khôi phục chủ quyền quốc gia. Bà cũng có những hành động làm mềm hóa hình ảnh của đảng Mặt trận Quốc gia, thu hút được sự ủng hộ của lớp trẻ, nhất là số thanh niên thất nghiệp bằng lời hứa sẽ đưa công ăn việc làm trở lại, chống lại chính sách “toàn cầu hóa tràn lan”.
Hai ứng viên này sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào ngày 3-5 tới trước khi diễn ra vòng 2 bầu cử vào ngày 7-5. Hôm 25-4, bà Le Pen tuyên bố từ bỏ chức vụ lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia để tập trung hoàn toàn vào vòng 2. Dù chưa thể nói trước được điều gì nhưng theo giới phân tích, ông Macron sẽ giành chiến thắng để trở thành vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp, nhất là trong bối cảnh nhiều cựu ứng viên kêu gọi cử tri dồn phiếu cho ông Macron vì lo ngại đường lối dân tộc cực đoan của bà Le Pen.
Khả Anh