“Cơn địa chấn” mang tên Donald Trump
Các nước đã có những phản ứng trái chiều về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Trong khi hầu hết các nước đều chỉ trích Mỹ hành động “đáng tiếc và gây lo ngại”, Israel, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hoan nghênh quyết định của Washington.
Các nghị sĩ Quốc hội Iran phản ứng giận dữ trước quyết định của ông Trump. Ảnh: EPA |
Vậy là cuối cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn quyết định “ra đi”, bất chấp những lời kêu gọi “ở lại” từ các đồng minh thân cận, bất chấp những hậu quả khó lường đã được cảnh báo một khi JCPOA bị hủy bỏ.
Trong bài phát biểu chiều 8-5 (sáng 9-5, giờ Việt Nam), Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi JCPOA, được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015. Trong bài phát biểu, ông chủ Nhà Trắng ủng hộ những lập luận gần đây của Israel về Iran khi đưa ra quyết định trên và viện dẫn lý do rằng, thỏa thuận này cũng không thể ngăn chặn Iran chế tạo bom hạt nhân. Nhà lãnh đạo này còn cho biết sẽ bắt đầu triển khai “mức cao nhất” của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran.
Những phản ứng trái chiều
Các nước đã có những phản ứng trái chiều trước quyết định này của ông Trump. Hầu hết đều chỉ trích nhà lãnh đạo Mỹ hành động “đáng tiếc và gây lo ngại”. Chỉ có một số ít quốc gia như Israel, Saudi Arabia và UAE đứng cùng chiến tuyến với ông Trump.
Trong tuyên bố đưa ra ngay sau quyết định từ Mỹ, các đồng minh Châu Âu gồm Pháp, Đức và Anh đã chỉ trích gay gắt và bày tỏ “rất đáng tiếc”. Các nước Nga, Nhật cũng bày tỏ “vô cùng thất vọng” trước quyết định của Tổng thống Trump, trong khi Trung Quốc chỉ trích ông chủ Nhà Trắng kịch liệt. Từ Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Tayyip Erdogan cho rằng, Mỹ sẽ là bên thua cuộc khi rút khỏi JCPOA. Syria cũng “mạnh mẽ lên án” quyết định của Tổng thống Trump, cho rằng, việc này sẽ làm gia tăng căng thẳng trên thế giới.
Ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng bùng lên những tranh cãi. Cựu Tổng thống Barack Obama – người được xem là “cha đẻ” của thỏa thuận này, cho rằng, quyết định của ông Trump là “hoàn toàn sai lầm”, làm tổn hại uy tín của Mỹ trên trường quốc tế. Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ cũng tuyên bố rất thất vọng về quyết định của nhà lãnh đạo đất nước. Theo họ, Mỹ thật sự sai lầm khi rút ra khỏi thỏa thuận mà không đưa ra được bằng chứng về việc Iran vi phạm thỏa thuận. Nhiều nghị sĩ chỉ trích rằng, Nhà Trắng thậm chí không có một kế hoạch cho một bản thay thế tốt hơn.
Nhưng vấn đề khiến thế giới quan tâm nhất hiện nay là phản ứng của Iran. Nhiều tờ báo ở quốc gia Hồi giáo đã lên án quyết định trên của Tổng thống Mỹ. Các tờ báo có tư tưởng bảo thủ cho rằng ông Trump đã phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran và “đã đến lúc Tehran phải hủy bỏ văn kiện này”. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Iran hiện nay cho biết họ sẽ vẫn ở lại thỏa thuận nếu các lợi ích quốc gia không bị ảnh hưởng nhưng nhấn mạnh, họ không có nghĩa vụ phải tôn trọng các cam kết của mình trong tình hình hiện tại.
“Hộp Pandora đã mở”
Quyết định của Tổng thống Trump chắc chắn tác động lan rộng trên toàn cầu, đúng như cảnh báo của Tổng thống Pháp rằng, “chiếc hộp Pandora” nguy hiểm đã được mở.
Hiện tại, quan hệ ngoại giao vốn đã căng thẳng giữa Mỹ với một số đồng minh quan trọng, trong đó có các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) ở Đức, Pháp và Anh - những nước đã tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2015, đang trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận lịch sử này cũng có thể có những ảnh hưởng lớn trên thị trường dầu mỏ do Iran là nước sản xuất lớn thứ 3 trong OPEC. Sự ra đi của Mỹ, có thể đẩy tương lai của chương trình hạt nhân Iran vào tình trạng lấp lửng và đẩy Mỹ vào hố sâu nghi ngờ. Bằng cách từ chối hủy bỏ các biện pháp trừng phạt mà không cần chứng minh Iran đang vi phạm thỏa thuận này, nó sẽ là một trở ngại lớn đối với chỉ số tín nhiệm đàm phán của Mỹ và sẽ làm phức tạp những nỗ lực để đạt được thỏa thuận với Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân.
Sự sụp đổ của thỏa thuận cũng có thể đẩy Syria trở thành một chiến trường ủy nhiệm giữa Israel và lực lượng dân quân Iran. Các dấu hiệu đang hiện hữu. Hôm 7-5, Bộ trưởng Năng lượng Israel Yuval Steinitz cảnh báo, chính quyền Tel Aviv có khả năng sẽ lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad để đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào từ Iran. Tuyên bố này mang hàm ý nhà lãnh đạo Syria có thể sẽ trở thành mục tiêu của một vụ ám sát.Và hôm 8-5, quân đội Israel được đặt trong tình trạng “cảnh giác cao độ” sau khi phát hiện một số động thái quân sự bất thường của Iran tại Syria, trong khi đó các hầm tránh bom tại khu vực Cao nguyên Golan mà Tel Aviv chiếm đóng của Syria cũng ở trong tình trạng sẵn sàng trước nguy cơ tấn công của Tehran.
Vì sao không thể ngăn chặn?
Rõ ràng, các đồng minh của Mỹ đã thấy, đã biết trước kết cục này. Trong một thời gian ngắn, các nhà lãnh đạo Pháp, Anh, Đức đánh cược ván cờ ngoại giao JCPOA với Tổng thống Trump. Nhưng bất chấp nỗ lực không ngừng nghỉ, họ vẫn ra về tay trắng. Vì sao như vậy?
Giới quan sát cho rằng, thứ nhất là Tổng thống Trump muốn hiện thực hóa cam kết từ khi tranh cử của mình: đó là hủy bỏ thỏa thuận này sau khi lên nắm quyền. Với quyết định này, ông Trump đã đánh dấu một chữ ký quan trọng tại thời điểm bước ngoặt – trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nó mang lại cho ông cơ hội để củng cố triết lý “Nước Mỹ trên hết” của mình và lấy lòng cử tri. Thứ hai, đây là di sản để đời của Tổng thống Trump. Và đó mới là vấn đề lớn nhất đối với thỏa thuận này. Theo đó, Tổng thống Trump muốn xóa bỏ những gì mà người tiền nhiệm của ông đã đạt được, và đó là lý do tại sao một số nhà quan sát tin rằng, quyết định về thỏa thuận Iran hoàn toàn mang tính chính trị.
KHẢ ANH