Báo Công An Đà Nẵng

Còn đó những hoài nghi

Thứ tư, 20/04/2016 08:37

(Cadn.com.vn) - Trong tuần này, Tổng thống Barack Obama sẽ bắt đầu đến Trung Đông - mở màn "chương trình công du chia tay" - một truyền thống lâu đời dành cho tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm.

Người ta chắc chắn sẽ chờ đợi những điều tốt đẹp nhất mà nhà lãnh đạo Mỹ mang đến các quốc gia trong chương trình này khi ông chỉ còn chưa đến 1 năm trên cương vị ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, ngay trước thềm chuyến công du của ông Obama đến khu vực vốn luôn nóng bỏng này, nhiều người vẫn tỏ ra còn rất hoài nghi về một kết quả như mong đợi.

Khi Tổng thống Obama đặt chân đến thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào hôm 20-4 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Vùng Vịnh Persian, ông sẽ gặp gỡ giới lãnh đạo vốn chỉ trích chính sách toàn cầu của Mỹ và bày tỏ sự nghi ngờ sâu sắc về các thỏa thuận của Washington với Iran cũng như cuộc chiến của Lầu Năm Góc ở Syria.

Có thể thấy, chuyến đi này của Tổng thống Obama là để trấn an các đồng minh Arab rằng, Mỹ sẽ không bỏ rơi các nước trong các cuộc chiến lâu dài. Khi Tổng thống Obama đến Saudi Arabia, Nhà Trắng có thể sẽ hỗ trợ thỏa thuận ngừng bắn và tiến trình chính trị tại Yemen - nơi liên quân Arab do Riyadh đứng đầu đang thực hiện chiến dịch không kích chống phiến quân Houthi.

Trong 1 năm Saudi Arabia tham chiến ở Yemen, Mỹ đã giúp quốc gia đồng minh bằng cách cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần. Tuy nhiên, Washington cũng luôn kêu gọi Riyadh nhanh chóng kết thúc chiến tranh tại quốc gia Trung Đông này. Nhà Trắng và Điện Kremlin đã đứng trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn bước ngoặt cho Yemen - vốn được thực thi từ hôm 10-4 và cho đến nay hầu như vẫn được thực thi. Quan điểm "không ủng hộ nhiệt tình" của Washington cùng với mối quan hệ ấm dần lên giữa Mỹ và Iran khiến Saudi Arabia không hài lòng.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Tổng thống Obama càng khiến Riyadh khó chịu khi cho rằng, Saudi Arabia và Iran "cần tìm ra cách hiệu quả để thiết lập hòa bình trong khu vực". Lời kêu gọi này được cho là "một sự xúc phạm" đến Saudi Arabia - quốc gia vốn luôn khẳng định, Iran chính là nhân tố gây bất ổn khu vực.

Saudi Arabia là đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông. Vương quốc này vừa tiếp nhận số lượng lớn các tù nhân bị Mỹ giam giữ tại nhà tù Guantanamo. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn mang đến Hội nghị Thượng đỉnh lần này một số yêu cầu quan trọng. Tổng thống Obama được cho sẽ thúc đẩy các quốc gia Vùng Vịnh đóng góp viện trợ kinh tế cho nỗ lực tái thiết các khu vực bị tàn phá của Iraq trong cuộc chiến chống IS. Đó là mục tiêu quan trọng của ông chủ Nhà Trắng - nhà lãnh đạo gần đây đã thừa nhận, sai lầm lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông là không tập trung vào tái thiết Libya sau khi Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ.

Đây có thể cũng chính là thông điệp mà ông Obama mang đến Châu Âu, nơi ông chắc chắn sẽ được tiếp đón nồng nhiệt hơn. Và trước khi đến Anh và Đức, ông chủ Nhà Trắng được giao nhiệm vụ tìm kiếm một số biện pháp bảo đảm rằng, Mỹ luôn coi trọng một liên minh quân sự chống khủng bố, thậm chí đối với cả người kế nhiệm ông Obama.

Thanh Văn