Báo Công An Đà Nẵng

Con đường ngắn nhất!

Thứ hai, 21/08/2017 08:32

Cuộc chiến giữa Iran và Mỹ quanh sự sống còn của thỏa thuận hạt nhân lịch sử - còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vẫn chưa đi đến hồi kết. Vấn đề đặt ra lớn hơn là Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn xem đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán”. Và nhà lãnh đạo Mỹ đang nỗ lực từng ngày để xóa bỏ nó. Liệu ông có thành công?

Washington rõ ràng đang nỗ lực theo dấu các vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran để tìm cớ buộc tội quốc gia Hồi giáo. Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng, việc thử tên lửa đạn đạo của Iran là trái ngược với tinh thần của JCPOA. Tại sao chỉ là tinh thần? Bởi vì vấn đề này không được đề cập đến trong JCPOA. Rất có thể là các nước Châu Âu trong nhóm P5+1 sẽ theo Mỹ và bỏ qua thỏa thuận quốc tế này bằng cách dựa vào lập luận rằng, tinh thần của hiệp định đã bị vi phạm. Tuy nhiên, một điểm quan trọng cần lưu ý là ngay cả khi Iran vi phạm Nghị quyết 2231 – vốn cấm Tehran thử tên lửa đạn đạo – thì cũng không thể diễn giải là họ vi phạm JCPOA. Như vậy, con đường này dường như không khả thi cho ông Trump.

Mỹ có thể nộp đơn kiện Iran lên Ủy ban chung của JCPOA. Tuy nhiên, cho đến nay, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận, Iran vẫn tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Vì vậy, xem ra, con đường này cũng quá gập ghềnh vì không chắc rằng các nước Châu Âu và IAEA sẽ xác nhận Iran không tuân thủ JCPOA theo ý của Mỹ vì điều này chắc chắn sẽ gây ra cuộc khủng hoảng quốc tế khôn lường.

Nếu không được, Washington có thể gây áp lực lên Tehran với những cuộc thanh tra liên tục. Nhiều báo cáo cho rằng, chính quyền Washington đang cố buộc các thanh sát viên IAEA vào các khu vực quân sự, nơi thông tin tình báo của Mỹ chỉ ra rằng, Tehran có thể gian lận thỏa thuận. Theo lý thuyết, con đường này có thể cho Tổng thống Trump những gì ông muốn. Nhưng thực tế, vấn đề tiếp cận các địa điểm nghi ngờ của IAEA là quá trình rất phức tạp. Để bắt đầu, IAEA phải tìm ra bằng chứng để nhắc nhở Iran. Nói cách khác, mục đích của IAEA là xóa bỏ những nghi ngờ, chứ không phải là giết chết một thỏa thuận quốc tế mang tính bước ngoặt.

Khi đã hết cách, Tổng thống Trump rõ ràng có thể đặt Iran vào tình thế “tự ra quyết định” hủy bỏ thỏa thuận này. Tuy nhiên, Iran nhiều lần khẳng định sẽ không rơi vào bẫy của Mỹ. Hồi tuần trước, Tổng thống Iran Rouhani cảnh báo, Tehran có thể dễ dàng từ bỏ thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký với các cường quốc nếu Mỹ tiếp tục các chính sách “trừng phạt và ép buộc”. Nhưng trong tuyên bố đưa ra ngày 20-8, ông Rouhani nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại là bảo vệ thỏa thuận hạt nhân khỏi việc bị Mỹ xóa bỏ.

THANH VĂN