“Con gái” Tóc Tiên của tôi!
(Cadn.com.vn) - “Bố ơi! Bố ơi! Mau ra xem "con gái" của bố hát kìa”. Đó là tiếng reo của hai công chúa nhà tôi, mỗi khi nhìn thấy ca sĩ tuổi học trò Tóc Tiên xuất hiện trên truyền hình. Hai con gái tôi cách nhau chừng 4 tuổi. Tuổi của Tóc Tiên thì lớn hơn bọn chúng một chút nhưng tất cả đều trong độ tuổi học trò. Cứ hãy cho rằng ba bố con tôi là "fan" của cô ca sĩ tuổi học trò này, hai chữ "con gái" cũng có nguyên do của nó...
Chuyện là, năm 2004, tôi in tập thơ "Một thuở học trò"-những bài thơ trong tập này được viết từ thời còn là học sinh cấp III. Tức là khoảng thời gian hoàn thành tác phẩm cho đến khi lấy giấy phép để in cách chừng 25 năm. Có lẽ, tuổi học trò đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn sâu đậm quá, nên khi có điều kiện, tôi cho in tập thơ làm lưu niệm và tặng bạn bè thời cắp sách đến trường, để mỗi khi có một ai đó bất chợt nhớ lại trường xưa, thầy cô giáo cũ và những người bạn thân yêu năm nào thì có thể lần giở từng trang tìm kiếm chút dư âm và bóng dáng của một thời hoa mộng, thơ ngây, trong sáng.
Tôi cũng gửi cho hiệu sách một ít sách in để tìm kiếm bạn đọc, nhằm chia sẻ chút tơ lòng đồng điệu. Sau này, tôi mới biết, trong một lần đi công tác ghé qua Đà Nẵng, nhạc sĩ Quỳnh Hợp, Trưởng Ban Biên tập chương trình ca nhạc Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tình cờ bắt gặp ở hiệu sách tập thơ "Một thuở học trò", đọc và phổ hai bài thơ của tôi cho album nhạc "Xí... muội ơi!!!" do ca sĩ học trò Tóc Tiên hát. Đó là các bài "Trong nắng sân trường" và "Chia tay mùa hạ". Khi CD nhạc phát hành, các báo giới thiệu, vào một buổi chiều đẹp trời chuông điện thoại di động chợt réo vang. Đầu bên kia, nhà thơ Nguyễn Kim Huy thông báo mới tình cờ đọc thấy có các bài hát phổ thơ của tôi trên Báo Người Lao Động. Nguyễn Kim Huy còn nói thêm “biên tập thơ cho nhà xuất bản lâu rồi không thấy ai giống tên ông mà làm thơ đâu nhé! Tìm xem thử...”. Tút...tút... Thế là cúp máy. Lúc đó tôi ở Huế, đang "theo" một lớp cao học.
Tóc Tiên với "Trong nắng sân trường". |
Cố gắng lắm tôi cũng tìm ra được tờ báo để ngắm nghía và đọc đi đọc lại mấy dòng ngắn ngủi tên các bài thơ được phổ nhạc và tác giả. Từ đó tôi quan tâm đến cái tên cô ca sĩ học trò Tóc Tiên. Chừng mấy tháng sau, trong một lần ghé vào hiệu sách Phương Nam (Đà Nẵng), ở quầy băng đĩa nhạc tôi tình cờ nhìn thấy album nhạc "Xí... muội ơi!!!" trên kệ. Vậy là tôi vét túi mua ngay 2 đĩa CD gốc mang về nhà "khoe" với các con của tôi và với bạn bè văn nghệ. Có lẽ hầu hết những người làm thơ đều có chung một niềm vui chia sẻ như vậy. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần CD nhạc học trò này, cũng là lẽ tự nhiên, vì trong đó có 2 bài thơ của tôi lần đầu tiên được phổ nhạc. Các con của tôi thì đùa rằng: “Bố ngồi nghe cứ y như là nghe "con gái" của bố hát!” Từ đó cứ mỗi lần Tóc Tiên xuất hiện trên truyền hình thì chúng lại la toáng lên: “Bố ơi! Bố ơi! Mau ra xem "con gái" của bố hát kìa”. Chừng đó, đã là vui!
Lúc đó tôi chẳng biết người nhạc sĩ phổ thơ của tôi ở đâu, trẻ hay già, nam hay nữ. Độ một năm sau, qua nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng ở TPHCM, tôi mới biết nhạc sĩ Quỳnh Hợp và được nhạc sĩ gửi tặng cho mấy chục cái CD. Về sau, nhạc sĩ Quỳnh Hợp còn phổ khá nhiều thơ tôi. Trong số đó có những bài do ca sĩ Tóc Tiên hát như "Mẹ ơi!", "Lạc bước Thiên An", "Chiều Bạch Mã"...và một bài gây ấn tượng cho nhiều người, đó là bài "Ngã ba huyền thoại", viết về mười cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Bài hát "Ngã ba huyền thoại" được giới chuyên môn cho là bài "hiphop đỏ" đầu tiên của Việt Nam. Một ông Tây chuyên nghiên cứu nhạc Việt, sau khi nghe Tóc Tiên hát đã tìm gặp nhạc sĩ Quỳnh Hợp cũng vì bài hát này.
Tóc Tiên - ca sĩ tuổi học trò. |
Tóc Tiên đã "đến" với bố con tôi tình cờ và tự nhiên như thế. Tóc Tiên tên thật là Nguyễn Khoa Tóc Tiên, sinh năm 1989. Không những hát hay mà Tóc Tiên còn học rất giỏi, lớp trưởng của một lớp chuyên Sinh ở Trường chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM và từng là học sinh giỏi Anh văn cấp thành phố. Tôi lấy đó làm tấm gương vừa "chơi", tức đi hát hò, vừa học để khuyên bảo các con. Mỗi khi có thông tin gì về Tóc Tiên, bố con tôi lại chia sẻ với nhau. Khi biết Tóc Tiên thi đậu vào ngành y, tương lai sẽ trở thành bác sĩ, tự nhiên tôi thấy hơi buồn khi nghĩ rằng Tóc Tiên sẽ rời xa nghề ca hát. Rồi tôi lại nghe tin Tóc Tiên sang Mỹ thực hiện giấc mơ trở thành bác sĩ, bắt đầu bằng chuyên ngành sinh học (Biology) tại trường Pasadena City College ở Los Angeles, California, trước khi chuyển sang học đại học y khoa. Báo chí trong nước thỉnh thoảng đưa tin Tóc Tiên vẫn đi hát đâu đó trên đất Mỹ...
Trong một lần lang thang trên mạng, tôi tình cờ gặp trang blog của Tóc Tiên. Thật thú vị khi thấy Tóc Tiên post lên đó mấy tấm ảnh chụp với cầu Golden Gate nổi tiếng của thành phố San Francisco tại ngay vị trí tôi đứng chụp trong một lần đi công tác sang Mỹ và ghé thăm chiếc cầu có tuổi thọ vắt qua một thế kỷ này. Cứ hãy xem đó như là chút "duyên" với cô ca sĩ tuổi học trò mà ba bố con tôi yêu mến. Mới đây, trong đêm trực bệnh viện, căng thẳng nằm chờ cơn bão Nari đang quăng quật đổ bộ vào Đà Nẵng, tình cờ nghe chương trình âm nhạc trên VOA thấy có phần phỏng vấn ca sĩ trẻ Tóc Tiên. Giọng nói cô trong trẻo, ấm áp, hồn nhiên, tinh nghịch nhưng đầy khiêm tốn khi trả lời về sự nghiệp ca hát của mình. Tự dưng tôi mừng khi nghe Tóc Tiên nói là đã chuyển từ y khoa sang học Ngành truyền thông (Communications). Tôi nghĩ, ngành học mới này sẽ hợp với Tóc Tiên hơn...
Mai Hữu Phước