Báo Công An Đà Nẵng

“Con hổ” lớn nhất sa lưới

Thứ hai, 08/12/2014 12:23

(Cadn.com.vn) - Vụ bắt giữ ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc được đánh giá là mẻ lưới lớn nhất trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch  Tập Cận Bình.

Cuối cùng, chính quyền Bắc Kinh quyết định bắt giữ và khai trừ khỏi đảng Cộng sản (CPC) đối với ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị kiêm Bí thư Ban Chính pháp Trung ương (CPLC)

Theo Tân Hoa Xã, quyết định quan trọng này được đưa ra tại cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương CPC vào cuối ngày 5-12 và được công bố ngay sau đó vài giờ, tức vào rạng sáng 6-12.

Quyết định khá bất ngờ này chính thức mở đường cho việc điều tra, khởi tố quan chức cấp cao nhất Trung Quốc kể từ sau vụ “bè lũ 4 tên” năm 1980. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, một Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị không được “kim bài miễn tử”.

Thăng, trầm mang tên Chu Vĩnh Khang

Ở đỉnh cao quyền lực, ông Chu Vĩnh Khang kiểm soát lực lượng công an, các cơ quan gián điệp, hệ thống tòa án, nhà tù và các văn phòng công tố ở khắp Trung Quốc.

Là thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị CPC, ông Chu là một trong 9 nhân vật quyền lực nhất đất nước có hơn 1,3 tỷ người. Mặc dù vậy, xa ánh đèn chính trị, ông Chu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giúp đỡ người thân, tình nhân, bạn bè và làm lợi rất lớn cho các doanh nghiệp đang hoạt động dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản nhà nước. Nhân vật quyền lực một thời này cũng bị cáo buộc “làm lộ bí mật của đảng và Nhà nước” và “nhận lượng lớn tài sản một cách trực tiếp và nhận thông qua gia đình”.

Vấn đề trọng tâm nằm ở chiếc ghế Bí thư CPLC, cơ quan vốn chịu trách nhiệm cho tất cả các vấn đề an ninh nội bộ của Trung Quốc. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2013, ngân sách chính thức của CPLC vượt quá ngân sách quốc phòng trong năm thứ 4 liên tiếp, với con số đáng kinh ngạc 769 tỷ NDT (so với 124 tỷ NDT hiện nay), trong đó chi cho an ninh nội địa 760 tỷ NDT (so với 123 tỷ NDT hiện nay).

Việc ông Chu bị cáo buộc ngoại tình với một số phụ nữ và trắng trợn sử dụng quyền lực để đổi tình – tiền, như tiết lộ của truyền thông nhà nước Trung Quốc, có lẽ là cú sốc cuối cùng của nhân vật quyền lực này kể từ cuối tháng 7 – thời điểm CPC thông báo về cuộc điều tra chính thức nhằm vào ông này vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Ông Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ và khai trừ khỏi đảng. Ảnh: AP

Khi “con hổ lớn” sa lưới

Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình gây tiếng vang với chiến dịch chống tham nhũng mang tên “đả hổ, diệt ruồi”. Lần lượt từng “con hổ lớn” đến những “con ruồi nhỏ” đều bị sa lưới, như Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu... Nhưng chỉ đến khi cái tên Chu Vĩnh Khang lọt vào danh sách đen này, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập xem ra mới thật sự thành công. Bởi trong lịch sử Trung Quốc, những nhân vật thuộc Ban Thường vụ Bộ Chính trị chưa bao giờ bị buộc tội. Điều quan trọng ở đây là ông Tập đã chứng minh bản thân đủ mạnh mẽ để phá vỡ điều cấm kỵ này.

Không giống như Tập - con trai của một phó Thủ tướng - ông Chu sinh ra trong gia đình nghèo ở miền đông Trung Quốc. Cha ông là nông dân mù chữ nhưng cố gắng xoay sở mượn tiền khắp nơi cho con đi học. Thông minh và chăm chỉ, ông Chu không khiến cha thất vọng khi là một trong số ít các học sinh địa phương được nhận vào trường đại học ưu tú ở Bắc Kinh.

Ngôi trường này, giờ gọi là Đại học Dầu khí, là cái nôi cho gã khổng lồ ngành công nghiệp dầu mỏ của Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, ông Chu đến làm việc tại mỏ dầu ở vùng đông bắc. Từ cuối những năm 1960-1980, ông liên tiếp thăng chức. Kỹ năng chính trị tỏa sáng khi ở ông được chuyển đến Bắc Kinh làm ở Bộ Dầu khí, mà sau này trở thành Cty dầu khí quốc doanh khổng lồ và là một trong các căn cứ quyền lực của ông Chu.

Nhưng quyền lực, danh vọng và tiền tài khiến ông Chu mờ mắt và liên tiếp dấn thân vào những việc làm sai trái. Ông nghỉ hưu vào năm 2012 trong cuộc chuyển giao quyền lực sau 1 thập kỷ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vị chính trị gia cấp cao này vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong chính quyền của ông Tập cho đến khi bất ngờ bị sờ gáy. Vị trí, tiếng tăm và vai trò lừng lẫy biến ông Chu trở thành con hổ lớn nhất từng bị sập bẫy chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Khả Anh