“Cơn lốc” bình thường hóa quan hệ giữa UAE và Israel
“Mối quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang “nở rộ”, một quan chức cấp cao đi cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với các phóng viên vào tháng trước.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid Al Zayani và Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah Bin Zayed vẫy tay chào từ ban công Nhà Trắng sau lễ ký Hiệp định Abraham ngày 15-9. Ảnh: CNN |
“Kỳ trăng mật” thần tốc
“Nở rộ” có lẽ chỉ là một cách nói ngắn gọn. Kể từ Hiệp định Trại David năm 1978, Israel đã “bình thường hóa” quan hệ với Ai Cập, Jordan (1994), Mauritania (1999), và gần đây nhất là UAE và Bahrain. Tháng trước, Israel và Sudan cũng đã ký một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ.
Tuy nhiên, chưa bao giờ quá trình bình thường hóa lại nhanh chóng và được theo đuổi với sự nhiệt tình như vậy giữa Israel và UAE. Và nó vượt xa hơn thế. Về mặt thực tế, UAE dường như đã từ bỏ mọi phản đối đối với việc Israel chiếm đóng các vùng đất Arab.
Tháng trước, Emirates đã tiếp đón một nhóm lãnh đạo người Israel định cư từ Bờ Tây, vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng kể từ cuộc chiến năm 1967 với Jordan, Syria và Ai Cập. Hồi tháng 10, nước này cũng cho phép nhập khẩu rượu vang do các Cty Israel sản xuất ở Cao nguyên Golan, nơi cũng bị Israel chiếm đóng từ năm 1967. UAE cũng sẽ tài trợ cho Mỹ và Israel một dự án “hiện đại hóa” các trạm kiểm soát của Israel ở Bờ Tây được sử dụng để kiểm soát và giám sát việc di chuyển của người Palestine.
Trong tháng này, hãng hàng không Israel, El Al và hãng hàng không của Emirati, Etihad, đã ký một biên bản ghi nhớ và sẽ bắt đầu các chuyến bay thẳng giữa Tel Aviv và Abu Dhabi vào đầu năm tới. Hãng hàng không giá rẻ Flydubai đã bắt đầu dịch vụ vận chuyển đến sân bay Ben Gurion của Israel.
Hôm 22-11, nội các Israel đã phê chuẩn việc miễn thị thực chung với UAE – động thái đầu tiên kiểu thế này của Tel Aviv với bất kỳ quốc gia Arab nào mà nước này có quan hệ.
Tốc độ này hoàn toàn khác so với hai quốc gia đầu tiên mà Israel bình thường hóa quan hệ là Ai Cập và Jordan. Người Ai Cập và người Jordan vẫn còn nhớ rất rõ về nhiều cuộc chiến tranh với Israel nên đã thận trọng tiếp cận việc bình thường hóa. Ai Cập và Israel đã ký Hiệp định Hòa bình Trại David 42 năm trước. Người Jordan, phần lớn trong số họ có nguồn gốc từ Palestine lịch sử, cũng đã do dự trong việc đón nhận Israel.
Đại sứ Palestine tại Áo Salah Abdel Shafi gọi tốc độ bình thường hóa giữa quốc gia giàu dầu mỏ và Israel là “gây sốc”. “Nếu tôi so sánh mức độ bình thường hóa giữa Israel với Ai Cập và Jordan và với UAE, trong một thời gian kỷ lục đã có các chuyến thăm lẫn nhau, các thỏa thuận trong thương mại, về cơ bản là tất cả các khía cạnh… thì thật là sốc”, ông Abdel Shafi nói.
Những lợi ích rõ ràng
Kỳ trăng mật giữa Israel và UAE đã trở thành một cơn lốc, nhưng mối quan hệ giữa họ đã bắt đầu từ giữa những năm 1990. Ngoài những lợi ích rõ ràng từ mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa hai quốc gia giàu có thì Israel và UAE cùng có chung mối quan ngại về ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Ảnh hưởng của Iran tại Vùng Vịnh ngày càng tăng, đặc biệt là kể từ khi liên minh do Mỹ dẫn đầu lật đổ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein vào năm 2003. Tehran ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen và các đảng Shia hùng mạnh và dân quân ở Iraq.
Sự thống nhất và đoàn kết của các quốc gia Arab hiện đã khô héo và tàn lụi từ nhiều năm trước. Chính nghĩa của người Palestine, từng là bất khả xâm phạm, đã trở thành mối phiền toái, đặc biệt là đối với các quốc gia Vùng Vịnh. Israel, từng là kẻ thù không đội trời chung của các quốc gia Arab, đã bị thay thế bởi một quốc gia khác là Iran. “Cả Mỹ và Israel đều muốn các nước Arab nghĩ rằng kẻ thù chính của họ là Iran”, nhà hoạt động và nhà lập pháp kỳ cựu người Palestine Mustafa Barghouti nhận xét về việc bình thường hóa của UAE với Israel.
Tuy nhiên, UAE khẳng định thỏa thuận bình thường hóa với Israel sẽ mang lại lợi ích cho người Palestine. Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah Bin Zayed cho biết, thỏa thuận này “sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục đứng về phía người dân Palestine và hiện thực hóa hy vọng của họ về một nhà nước độc lập trong một khu vực ổn định và thịnh vượng”.
Các chế độ quân chủ Vùng Vịnh luôn cảnh giác với người Palestine. Họ cần những người Palestine có tay nghề cao để xây dựng đất nước và giáo dục con cái của họ trong những năm đầu của thời kỳ bùng nổ dầu mỏ, nhưng họ không bao giờ cảm thấy thoải mái với những tư tưởng cách mạng mà nhiều người Palestine mang theo.
Cách đây không lâu, các nước Arab đều đề cao tính ưu việt của chính nghĩa Palestine. Liên đoàn Arab tán thành sáng kiến hòa bình Arab năm 2002 của cố Quốc vương Saudi Arabia Abdullah đề nghị bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Israel để đổi lấy việc Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967. Tuy nhiên, sáng kiến này đã chết. Với việc người Palestine bị chia rẽ giữa một Hamas bị cô lập cai trị Gaza và một Chính quyền Palestine già cỗi, phụ thuộc vào viện trợ với sự ảnh hưởng hạn chế ở các khu vực của Bờ Tây, Palestine dường như đang đuối sức trước một Israel nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Washington, đặc biệt là trong 4 năm qua. Hiện nay, sự ủng hộ dành cho người Palestine dường như là một sự lãng phí đối với nhiều nước Arab. UAE đang theo bước Tổng thống Donald Trump, người trong lễ nhậm chức đã nói rõ rằng ông đặt lợi ích của đất nước mình lên hàng đầu. Những lợi ích trước mắt đã đánh gục liên minh giữa các nước Arab với Palestine.
AN BÌNH