"Cơn lốc" tôm thẻ chân trắng
(Cadn.com.vn) - Thực hiện Công điện của UBND tỉnh Quảng Nam về “Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong nuôi tôm lót bạt trên vùng cát ven biển tỉnh Quảng Nam”, các ngành chức năng đã ra quân kiểm tra, xử lý và phát hiện hàng chục héc-ta rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng...
Phá rừng phòng hộ nuôi tôm
Ngày 12-12, đi dọc theo con đường ven biển mang tên Thanh Niên, chúng tôi chứng kiến hàng trăm ao hồ nuôi tôm trải dài hàng chục ki-lô-mét từ Bình Hải, Bình Nam (H. Thăng Bình) đến Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Hải (H. Núi Thành). Hầu hết những ao hồ này đều nằm sát ven biển, từng mảng rừng dương, bạch đàn rừng phòng hộ ven biển bị người dân chặt phá không thương tiếc để ủi, múc ao.
Nhiều người dân cho biết, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng đang phát triển rầm rộ, hiện tại chưa thể xác định chính xác bao nhiêu hộ dân tham gia phong trào nuôi tôm, nhưng chắc chắn đã có cả trăm héc-ta rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá để hình thành nên hàng nghìn ao, hồ nuôi tôm ở các địa phương này. Tại xã Tam Hải, một điểm “nóng” về tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép, ông Phan Như Tường, Phó Chủ tịch UBND xã xác nhận, phong trào nuôi tôm manh nha từ những năm 2009, đến năm 2012 thì phát triển rầm rộ vì do “siêu lợi nhuận” của nó. Hiện tại, 1kg tôm thẻ chân trắng có giá từ 120-140 nghìn đồng, thậm chí còn đang tiếp tục tăng.
Trong khi đó, trung bình trên diện tích 1 sào (500m2), người nuôi tôm thu được trên 700 kg tôm/ vụ/ 4 tháng. Do vốn bỏ ra ít, lại thu tiền tỷ nên phong trào nuôi tôm đang trở thành một “cơn sốt”. Từ đầu năm 2013 đến nay, phong trào nuôi tôm đã thực sự trở thành một “cơn lốc”. Toàn xã Tam Hải có hơn 120 ha rừng phòng hộ ven biển, tại khu vực bãi Bắc và bãi Nờm, từ năm 2009 đến nay đã bị người dân chặt phá gần “sạch sẽ”. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, tại khu vực bãi Nờm đã hơn 20 ha rừng phòng hộ bị xóa sổ. Thay vào đó là những ao hồ nuôi tôm, mà đằng sau lợi nhuận của nó là những hậu quả vô cùng lớn, rừng phòng hộ bị chặt phá, đất đai bị chiếm dụng trái phép, ô nhiễm môi trường, sử dụng điện bừa bãi, trái phép, mất an toàn, đã có dấu hiệu sự tranh chấp về đất đai gây mất ANTT...
Người dân ở Tam Hải, Tam Tiến... vẫn vô tư tiếp tục san ủi, đào ao nuôi tôm trái phép. Ảnh: H.T |
Cần phải ngăn chặn quyết liệt, xử lý nghiêm tình hình...
Công điện của UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ: “...tại các xã Tam Tiến, Tam Hải, Tam Hòa (Núi Thành); Bình Hải, Bình Nam (Thăng Bình) tình trạng người dân chặt phá rừng ven biển, phá vườn... dùng xe cơ giới để đào múc, san ủi, lót bạt, xây dựng các ao nuôi tôm một cách bừa bãi, gây hậu quả nghiêm trọng... cần phải được ngăn chặn, xử lý ngay. Địa phương nào không kiên quyết xử lý ngăn chặn thì Chủ tịch UBND cấp huyện, xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”. Vậy nhưng, ngay trong ngày 12-12, mặc dù đang có một đoàn công tác liên ngành gồm Cảnh sát môi trường CA tỉnh, CAH Núi Thành, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, Công ty Điện lực Quảng Nam... phối hợp các địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp nuôi tôm trái phép, nhưng tình trạng chặt phá rừng, san ủi, đào ao hồ nuôi tôm vẫn diễn ra.
Tại xã Tam Hải, khi chúng tôi đưa ra ý kiến: “Vì sao công tác kiểm tra, xử lý đang tiến hành mà người dân vẫn “vô tư” san ủi, đào ao nuôi tôm như vậy...?”, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hải Phan Như Tường phân trần: “Thực ra từ năm 2011, xã đã xử lý hành chính một số hộ dân, trong năm 2013 đã thành lập một tổ công tác kiểm tra, xử lý tình trạng này, nhưng không giải quyết được !”. Anh Đỗ Kim Hùng, cán bộ phụ trách địa chính của xã này cho biết, theo quy định của ngành lâm nghiệp, phải trên 300 ha rừng mới có cán bộ chuyên trách bảo vệ, quản lý, xã có hơn 120 ha rừng, thuộc diện rừng phòng hộ đã tuổi đời trên 50 năm, nhưng lại không thuộc diện quản lý nào cả.
Chính vì vậy, người dân ồ ạt, mạnh ai người nấy chiếm dụng rồi chặt phá đào ao nuôi tôm, khi bị kiểm tra, người dân trả lời, đất này là do đời ông, đời cha họ để lại, không chấp hành lệnh cấm chặt phá, san ủi. Thậm chí, vì những lý lẽ đó của người dân, nhiều cán bộ xã có trách nhiệm trong công tác xử lý, ngăn chặn không dám thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, họ sợ phải đụng chạm. Rõ ràng qua đây cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý về đất đai đã và đang diễn ra nghiêm trọng ở các địa phương ven biển này.
Ngày 4-12, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Thông báo số 440/TB-UBND gửi các Sở Ban ngành liên quan và các địa phương Thăng Bình, Núi Thành yêu cầu thực hiện nghiêm túc Công điện của UBND tỉnh. Thông báo nêu rõ các nội dung cần thực hiện như: Đối với các hộ nuôi tôm dở dang trong vườn nhà, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng phòng hộ ven biển... thì được tiếp tục nuôi đến hết vụ, nhưng phải cam kết không tiếp tục nuôi các vụ sau, tự tháo dỡ, trả lại hiện trường như ban đầu.
Trường hợp không chấp hành thì cưỡng chế, xử phạt vi phạm hành chính, cắt hợp đồng tiêu thụ điện, và buộc phải dừng ngay. Đối với các hộ đang san ủi công trình, chặt phá cây rừng để xây dựng ao nuôi tôm phải đình chỉ, xử lý các xe cơ giới tham gia san ủi, tuyệt đối không để phát sinh ao hồ mới... Về lâu dài, chỉ được cho phép nuôi tôm ở những nơi được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch... Rà soát lại hiện trạng nuôi tôm thẻ lót bạt, đề xuất UBND tỉnh cho phép được quy hoạch vùng nuôi tôm tạm thời đối với những nơi có điều kiện phát triển và quản lý tốt việc xử lý môi trường một cách bền vững.
Chúng tôi cũng cho rằng, trong tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp hiện nay, tình trạng các địa phương ven biển Quảng Nam để người dân chặt phá hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ ven biển, lấn chiếm, sử dụng đất đai, ồ ạt nuôi tôm tự phát, trái phép, sẽ để lại hậu quả khôn lường về vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái, buông lỏng, vi phạm pháp luật trong công tác quản lý sử dụng đất đai, ảnh hưởng đến ANTTXH. Đề nghị chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cần triển khai ngăn chặn quyết liệt, xử lý nghiêm minh hơn nữa để ổn định tình hình.
Hồng Thanh