Còn mãi "Một thời để nhớ"
(Cadn.com.vn) - Là người con Hòa Phong (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), năm 1965, tham gia bộ đội khi mới 17 tuổi, Trần Chiến Chinh, cựu binh C2 Hòa Vang đã ghi lại từng sự kiện, từng cái tên của đồng đội hy sinh trong những trận càn của Mỹ, những địa danh nơi anh đã đi qua, nơi những đồng đội vĩnh viễn không bao giờ quay về.
Ông Trần Chiến Chinh tại buổi ra mắt phim "Một thời để nhớ". |
...Ra đi em nhớ trở về !
"Sông Hương" còn đó lời thề còn Đây
Vui sao một sớm Khe Dâu
Trước giờ xung trận sáng ngời niềm tin
Đi qua Hầm Xẻ, Cấm Đình
Tứ bề địch phục Dũng nằm lại đây...
...Con Đường14 hôm nay
Còn ghi chiến tích những ngày tháng năm
Nhớ sao hang đá Ông Tương
Đêm nằm mơ thấy con đường Bụi Tre
Sao quên trận đánh Gò Mè
Phú Sơn mẹ đứng bên hè đợi trông
Nhớ hôm địch phục Hòn Vòng
Chín ngày nhịn đói giữa rừng Cánh Tây
Trung Mang, Tống Cói, Ô Rây
Chia nhau củ sắn lòng đầy yêu thương...
Những mạch văn xuyên suốt tình đồng đội, nghĩa đồng bào, địa danh những trận đánh, ẩn hiện từ những trang nhật ký và hình ảnh đã phai mờ ố vàng theo năm tháng. 299 câu lục bát gói ghém chuyển tải một giai đoạn đấu tranh ác liệt. Những cái tên của đồng đội và địa danh được in đậm như dấu ấn hoài niệm trong tâm khảm của người lính:
... Ai từng Sốt rét ở rừng
Mới thương ngọn lửa bập bùng đêm đông
Nhớ ngày làm lính đặc công
Thái, Thoàn, Xí, Tấn quây quần bên ta
Nhớ chiều Sáu đến Sơn Gà
Em làm Liên Lạc cho ta công đồn
Bao đêm Mẹ Mẹo Mẹ Tờn
Chong đèn ngồi đợi chúng con trở về
... Nhớ từng củ sắn củ khoai
Nhớ từng lon gạo Mẹ Tờn đem ra
Nhớ hồi về với khu 3
Vượt ranh Xuyên Hiệp ở nhà chờ tin
Gặp nhau mà chẳng dám nhìn
Sợ ngày mai hai đứa mình xa nhau...
Nhớ làm sao những nơi anh đã đi qua Ngũ Hành Sơn Non Nước, Miếu Bông, Trung Lương, cồn Dầu, Thạch Bồ, Cẩm Toại, Hòn Đá Đà Nẵng... Những địa danh đều mang theo một chiến tích oai hùng. Những vần thơ thương tiếc đồng đội đến nao lòng:
... Phiếm, Quang, Thọ , Thuận giữa làn đạn rơi
Sao quên trận đánh Bảy Tư
Vượt qua Trảng Chổi bao người hy sinh
Gặp nhau chưa kịp biết tên
Các anh nằm lại ở trên quê mình
Ai ơi nhè nhẹ bước chân
Trong lòng đất, bạn tôi nằm đâu đây !
Thành Tâm xin được Nguyện Cầu
Tổ Quốc hai tiếng Rạng ngời tên anh.
Ngày kỷ niệm bốn mươi năm đất nước thống nhất cận kề. Các chị các anh lại lặng lẽ trở về lại các làng quê, vượt con suối, dòng sông để gặp lại các Mẹ, các Chị và những đồng đội năm xưa. Buổi gặp nhau dâng tràn nước mắt. Giờ đây, có Mẹ, có Chị đã không còn, lòng lại bồi hồi xúc cảm trào dâng. Đến dâng hương ở các nghĩa trang, nghe tiếng gió như lời thì thầm của các chị các anh văng vẳng vọng về... Tình đồng đội sắt son chẳng chút mờ phai trong ký ức người lính.
Ấn phẩm "Một thời để nhớ" được đồng chí Trần Thanh Bình, nguyên Huyện đội trưởng H. Hòa Vang tư vấn về lịch sử, đạo diễn Nguyễn Lê Tâm cùng ê-kíp Raibow Media Company cùng thực hiện đã được Sở Thông tin Truyền thông cấp giấy phép phát hành ngày 19-12-2014. Trong buổi chiếu ra mắt phim vào ngày 28-12-2014 tại hội trường UBND H. Hòa Vang, những người lính cũ của C2 năm xưa lại tìm về bên nhau, cùng thưởng thức, tưởng nhớ những cảnh thật của các căn cứ địa năm xưa. Mỗi khuôn mặt trên đoạn phim sao bi hùng và hồn nhiên đến vậy. Những chiếc nón tai bèo, chiếc ba lô, và người mẹ năm xưa-Mẹ Tờn (vừa mất sau khi phim hoàn thành) bưng cho những đứa con rổ khoai lang còn bốc khói... Những hình ảnh ấy khiến những đồng chí có mặt tại hội trường tuôn trào nước mắt. Nhìn lại những đồng đội im lìm, hàng dọc hàng ngang trong các nghĩa trang mà sụt sùi rơi lệ.
Ông Lê Phước Tháo, nguyên Chính trị viên C2 năm xưa đã không ngăn nổi cảm xúc nghẹn ngào, khi nhìn lại những địa danh và tên của những đồng đội trong bộ phim. Ông Lê Văn Toàn Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho rằng: "Bộ phim có giá trị hơn cả những bài giảng chính trị cho các cháu thanh niên hiện nay. Hình ảnh và lời ca đã khắc họa thành một áng văn, nhắc nhở tinh thần chiến đấu và sự hy sinh cao cả của các bậc tiền bối chiến đấu vì độc lập tự do. Phim phải khẩn trương phát hành rộng rãi, trình chiếu trong các kỳ đại hội...".
Bằng những làn điệu dân ca Bài Chòi Khu 5 do NSUT Ngọc Thủy đoàn Dân Ca Kịch Quảng Nam và nghệ sỹ Thanh Châu, Hội viên Hội VHNT TP Đà Nẵng thể hiện đã thổi hồn vào bài thơ, lột tả sống động và đưa những người con còn hiện diện như được trở về quá khứ hào hùng của quê hương. Bộ phim như một gam màu đẹp, tô đậm bản hùng ca đậm chất nhân văn trong bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến đấu hy sinh kiên cường của CBCS nhân dân Quảng Nam Đà Nẵng anh hùng.
Lê Quang Minh
* Những chữ in đậm là tên của đồng đội có mặt trong các trận đánh
và các địa danh lịch sử trong 299 câu thơ lục bát của ông Trần Chiến Chinh.