Báo Công An Đà Nẵng

Còn một mùa Xuân để nhớ

Thứ bảy, 21/01/2023 23:18
Nhiều sinh viên “xếp bút nghiên ra trận” đã xung phong về Khu V, chiến trường ác liệt nhất lúc bấy giờ.

Đầu tháng Chạp năm này, hình như cơ quan, đơn vị nào trong tỉnh cũng có cái gì đó âm ỉ, gấp gáp, tất bật. Các ngả đường Trà My xuống Phương Đông, Dương Yên; từ đèo Ba Hương xuống ngã ba Phước Hiệp; rồi ngã ba An Lâu xuống Kỳ Quế; phía dốc Én ngược vô kênh Ba Kỳ; ngả Sơn - Cẩm - Hà xuôi đèo Vòng Xay xuống Cẩm Khê... là những địa danh quen thuộc của cán bộ, chiến sĩ, kẻ lên người xuống đông hơn, với những gùi hàng nặng trịch quàng kín vải dù hoa, áo đi mưa. Chúng tôi mừng và đoán là Tết năm nay vùng giải phóng chúng ta sẽ ăn Tết to hơn, vui hơn. Cũng có “điềm lạ”, là vào thời điểm này các hoạt động của địch thấy im ắng. Các cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm, dội bom của chúng cũng ở mức độ ít đi. Qua các bản tin hằng ngày của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng, một số trận đánh lớn của ta ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ven Sài Gòn vẫn giòn giã, hậu phương lớn miền Bắc dường như cũng khẩn trương hơn mọi ngày. Những ca khúc Đường Trường Sơn xe anh qua, Chiếc gậy Trường Sơn, Xuân chiến khu, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Liên Khu Năm yêu dấu... và những phóng sự, tùy bút như giục giã, thắm thiết, được phát đi phát lại suốt ngày đêm.

Anh Nguyễn Minh Mẫn, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban từ bên Thường vụ vừa về, hôm sau là họp. Lần đầu tiên cơ quan Tuyên - Văn - Giáo có cuộc gặp mặt đông vui không thiếu một cá nhân, bộ phận nào. Tuyên truyền, văn nghệ, báo chí có các anh chị Phan Hiền, Minh Tân, Việt Tiến, Hoàng Hương Việt, Dương Chí Lai, Khôi Nguyên (Nguyễn Đình Khôi)... Các đội vũ trang tuyên truyền vùng sâu, đô thị có Lê Hoàng Linh, Văn Đức Hiếu, Hoàng Kim, Hữu Lượng, Đỗ Xuân Ân, Lâm Hùng. Đội chiếu bóng có Lê Văn Lược, Văn Minh, Nguyễn Bích. Huấn học, trường Đảng, giáo dục, văn công, tuồng, sản xuất, giao liên, y tá, chị nuôi... đều đông đủ.

Hôm đó đã là 25 tháng Chạp. Nhụ Sơn gần như một thung lũng hoang vắng, ba bên bốn bề núi cao bao bọc, có hôm rét lạnh xuống dưới 15°C, mây giăng phủ kín cả ngày lẫn đêm. Vốn được mệnh danh là “một cây lý luận” nói nhiều và nói rất hay trong nhiều vấn đề, nhưng bữa ấy anh Mẫn hết sức kiệm lời, và cũng tỏ ra không có gì là quan trọng: “Haỉ miền Nam, Bắc trên đà thắng lợi. Tình hình có nhiều chuyển biến tốt. Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã bước sang giai đoạn mới quyết liệt. Chưa bao giờ có thời cơ và thuận lợi như bây giờ. Cả nước phải chuẩn bị, sẵn sàng, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân cũng vậy. Ban đã bàn kỹ, mỗi bộ phận về lo ngay công việc cụ thể của mình. Năm nay chúng ta ăn Tết sớm... Gạo, mắm, muối phải lo ngay từ bây giờ. Thuốc men, đến báo chí, bản tin, ngay cả quần áo cũng phải đầy đủ, đàng hoàng. Văn nghệ phải có tiết mục mới, văn phòng gọn nhẹ...

Ra mắt sách “Ban Tuyên huấn Khu V anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước”

Tôi xin nhắc lại, chuẩn bị sẵn sàng, trên có lệnh điều ai, bộ phận nào, là đi ngay. Anh em có ý kiến gì không?”.

Rất nhiều câu hỏi, trao đổi sôi nổi. Nhưng có một câu hỏi mà thủ trưởng Mẫn không trả lời, không hé lộ: “Có phải đánh lớn không anh?”. Anh cười: “Đánh lớn, đánh nhỏ cũng đánh. Biết đâu không đánh cũng có”.

Quen với việc đi, ở và những đợt chuẩn bị phục vụ các chiến dịch lớn, tuy lần này có khang khác, ngờ ngợ, nhưng chúng tôi ra về với sự hồ hởi, tin tưởng và xáp vô đống công việc cuối năm đã phân công cho nhau từ mấy tháng trước.

Tờ Giải Phóng Xuân 1968, thật sự là số đặc biệt tốn nhiều công sức của cả Ban, nhà in. Yêu cầu phải đạt cả nội dung lẫn hình thức, số lượng gấp nhiều lần mọi năm. Ở vùng giải phóng, thường chỉ có ba loại hình sinh hoạt, giải trí tinh thần là đọc báo, nghe đài và xem văn công, ngoài ra không có gì khác. Vì thế báo Giải Phóng ra không đều kỳ, phát hành chậm, in lito không đẹp, vẫn luôn là tiếng nói bề nổi trực quan chủ lực, cầu nối thông tin giữa tỉnh, cả nước đến với các cơ quan, các cấp và một phần bà con chuyền nhau đọc.

Đã 50 năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ từng trang viết, từng co chữ tít, đến cả mùi mực dầu rái, khói đèn, nước chua lá bứa hăng hắc trên tờ Giải Phóng. Với 8 trang khổ lớn 30 x 40cm, bằng giấy manh trắng, in xong dán hai tờ lại thành một trang. Bài xã luận “đinh”, lời chắc nịch, thúc giục, kêu gọi cán bộ, chiến sĩ đồng bào Quảng Nam là của Trưởng ban Nguyễn Minh Mẫn viết, đưa cho anh em chúng tôi đọc tham gia. Mở đầu bằng những dòng đầy khí thế: “Mùa Xuân đã về. Tết Mậu Thân đã đến. Chúng ta đón Xuân này như trong hào khí Quang Trung tiến quân xông trận năm nào...”. Anh Phan Hiền, Phó trưởng ban, lại là Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Nam, có Bức thư lời lẽ mềm mại gửi các tầng lớp đồng bào, thân hào, nhân sĩ, công thương gia, các tôn giáo, học sinh sinh viên yêu nước trong tỉnh... “Hãy hướng về Mặt trận. Hơn lúc nào hết, chúng ta hãy bày tỏ lòng yêu nước thiết tha của mình dưới mọi hình thức...”. Nguyễn Việt Tiến, có bài tổng hợp về thành tích và những tấm gương đấu tranh chính trị, binh vận kiên cường, sáng tạo của đồng bào vùng ven, đô thị. Khôi Nguyên viết về phong trào học sinh, sinh viên yêu nước thị xã. Hoàng Hương Việt có tùy bút “Trên mảnh đất này” ngợi ca vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, và nay chiến công nối tiếp chiến công, làm nên một “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”... Nhà thơ Chí Cao với bài thơ dài “Chào Xuân 68”, dào dạt, thiết tha. Báo còn đăng ca khúc mới “Nhớ về quê em anh nhé”của Hồng Lợi...

Tôi nhớ rõ trang nhất là bức tranh cổ động ba màu, do họa sỹ Trần Việt Sơn thể hiện: Bà mẹ, anh Giải phóng quân, cô du kích người dân tộc thiểu số cầm hoa, em học sinh cầm cờ Mặt trận, anh trí thức thành thị cầm cành mai nở, anh công nhân vẫy tay, phía sau là những tầng nhà phố thị ngập cờ hoa, lưng trời chim én liệng. Riêng cành mai, anh em bên nhà in phải tô màu vàng bằng củ nghệ từng bông một, vì không có mực vàng in lito. Chỉ năm ngày sau là tờ báo hoàn thành. Tuy thức “vàng mắt”, bụng đói cồn cào, đêm nào cũng bồi dưỡng sắn củ là chính, anh em “tòa soạn” nhà in, nhìn sản phẩm tinh tươm, được lãnh đạo Ban khen, ai cũng hả lòng hả dạ.

Cùng với tờ báo Xuân, còn có tập “Tiếng thơ đất Quảng” tuyển chọn của mười một tác giả tiêu biểu. Tôi vẫn còn lưu giữ tập thơ như một kỷ vật thiêng, luôn làm tôi xót xa, thương nhớ đến các anh mỗi khi lấy tập thơ ra đọc: Triều Phương, Xuân Giao, Nhị Văn, Nguyễn Anh Dũng, Huỳnh Phan Lê, Chí Cao, Duy Nguyễn đã hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 68 hoặc qua đời sau này. Mỗi dòng thơ là tinh huyết, tình cảm là ước mơ, khát vọng về cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc, về ngày hòa bình độc lập, sum họp một nhà. Thơ còn lại mà các anh thì mãi mãi không về.

2 . Lệnh của thủ trưởng cơ quan vừa thông báo, 15 phút sau chúng tôi chỉ kịp mang theo gùi báo chí, bản tin, tranh ảnh, túi xách, súng AR15, súng ngắn, máy ảnh, có mặt ngay ở vạt rừng, cách nhà dân, chỗ đóng quân của cơ quan chừng 200 mét.

Quá bất ngờ và hồi hộp. Nhưng cái gì đến rồi cũng đến. Chúng tôi nhìn nhau chờ đợi. Một không khí tràn ngập căng thẳng, khẩn trương. Trước mặt chúng tôi là bàn thờ Tổ quốc, chân dung Bác Hồ, cờ Đảng, cờ Tổ quốc rực rỡ và trên tấm phông trắng mới tinh rực lên hàng chữ đỏ thắm: “Lễ Tuyên thệ xuất quân”, đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ.

Lễ chào cờ và mặc niệm trang nghiêm. Trưởng ban Nguyễn Minh Mẫn bước lên đọc lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch khu ủy V - Rồi ông tiếp: “Giờ phút lịch sử đã điểm. Cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa đã bắt đầu. Toàn miền Nam xuống đường đập tan chế độ ngụy quân, ngụy quyền, tay sai của đế quốc Mỹ, giành chính quyền về tay nhân dân. Đây là thời cơ ngàn năm có một...”.

Hình ảnh những năm tháng gian lao mà anh dũng lại ùa về.

“Giờ G đêm nay sẽ có hiệu lệnh chung cho tất cả các quân binh chủng và lực lượng quân chủng nhân dân cả ba vùng, thần tốc xông lên, tiến về thị xã, thị trấn, tỉnh đường, quận lỵ, chi khu, đồn bốt địch, quét sạch kẻ thù, giải phóng Quảng Nam...”.

Các đồng chí! “Chúng ta thề chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trước giờ phút thiêng liêng này, chúng ta xin thề!” Xin thề! Xin thề!

Chúng tôi đồng thanh đưa tay hô to. Tiếng hô như nổ tung, vang lên xé tan sự yên tĩnh thâm u của đại ngàn, như tiếng nấc sung sướng chất chứa bấy lâu nay mới có dịp vỡ òa.

Thủ trưởng Mẫn nói lời cuối cùng: “Lệnh xuất quân đã phát. Các đồng chí tuyệt đối giữ bí mật đến cùng. Giờ thì theo giao liên đưa các đồng chí đến các vị trí công tác”.

Lúc ấy là 17 giờ chiều, ngày 30 tháng Chạp, năm 1967. Còn 6 tiếng nữa là đến giao thừa năm Mậu Thân, 1968.

Mới đó mà hơn 50 năm trôi qua. Xuân này lại nhớ Xuân xưa. Làm sao nhớ hết, kể hết bao nhiêu ký ức xa xăm. Trong chúng tôi kẻ còn, người mất, nhưng nhất định sẽ vĩnh hằng một thời đánh Mỹ bằng cả dòng máu, trái tim, và cây bút đẹp mãi ngọn lửa thanh xuân không nguội tắt bao giờ.

HOÀNG HƯƠNG VIỆT