Báo Công An Đà Nẵng

Còn nhiều bất cập trong tiêu chí xác định hộ nghèo

Thứ sáu, 10/02/2017 10:31

(Cadn.com.vn) - Việc giảm hộ nghèo, xóa cận nghèo... là một điều kiện cơ bản đang được các địa phương phấn đấu thực hiện để Nhà nước công nhận danh hiệu nông thôn mới. Việc xác định một hộ dân thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo dựa trên tiêu chí do Bộ LĐ-TB&XH quy định. Tuy nhiên, qua thực hiện tại nhiều địa phương thì những tiêu chí trên đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế tại nhiều địa phương.

Quyết định số 59, ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về "Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020", quy định: Tiêu chí về thu nhập: chuẩn nghèo: thu nhập 700.000 đồng/người/tháng tại khu vực nông thôn; 1 triệu đồng/người/tháng tại khu vực thành thị... Để thực hiện Quyết định số 59 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-6-2016, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 17/2016 hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó, quy trình rà soát được cán bộ xã, trưởng thôn xác định, lập danh sách trên cơ sở mẫu phiếu được in sẵn, tiêu chí xác định không được tính bằng tổng thu nhập từng người hằng tháng như Quyết định 59, thay vào đó được tính bằng thang điểm. Cụ thể, với từng gia đình có số lượng nhân khẩu, từng loại tài sản... sẽ được ấn định một mức điểm nhất định. Tiêu chí để xác định hộ nghèo ở nông thôn có mức điểm từ 120 trở xuống và hộ nghèo ở thành thị có mức điểm từ 140 trở xuống... Tại phiếu B có nội dung rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo (phụ lục số 3b), quy định thang điểm cho từng mục đã thể hiện những bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, hộ có người làm công chức, viên chức được tính 25 điểm; người có việc làm phi nông nghiệp: 20 điểm; người hưởng lương hưu: 25 điểm; ô-tô: 50 điểm; xe máy, xe có động cơ: 20 điểm; tivi màu: 5 điểm; hố xí tự hoại hoặc bán tự hoại: 15 điểm...

Chiếc xe có giá hơn 1 triệu đồng nhưng có mức điểm bằng 40% chiếc ô-tô.

Với cách tính điểm như vậy đã làm cho nhiều gia đình có cuộc sống dưới mức khó khăn vẫn không có trong danh sách hộ nghèo. Đơn cử như trường hợp của chị Lê Thị Thúy Hằng (1978, trú xã Bình Trị, H. Thăng Bình, Quảng Nam) được "thoát nghèo" một cách bất đắc dĩ. Chị Hằng trình bày: chồng chị qua đời vì bệnh nặng, bản thân chị bị đau yếu đang nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn học, tài sản chỉ có 1 chiếc xe máy, ngôi nhà xây nhưng không có tiền để tô tường... nên xếp là hộ cận nghèo. Vì vậy, chị Hằng đã làm đơn đề nghị các cơ quan xem xét, giải quyết cho gia đình chị được hưởng chế độ hộ nghèo. Trao đổi cùng chúng tôi về trường hợp gia đình chị Hằng, bà Thủy Thị Ngọc Thảo-Phó phòng LĐ-TB&XH Thăng Bình, cho biết: Dẫu biết cuộc sống của gia đình vô cùng khó khăn song theo cách tính điểm, gia đình chị Hằng đạt 140 điểm nên xếp diện hộ cận nghèo. Cũng theo bà Thảo, cách tính điểm để xác định hộ nghèo này bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, một chiếc xe máy hiệu TQ với giá thị trường chưa đến 1 triệu đồng nhưng có đến... 20 điểm. Trong khi đó 1 chiếc ô-tô có giá ít nhất là hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ có 50 điểm. Hoặc nhà vệ sinh, nước, điện  sinh hoạt, dụng cụ nghe nhìn là nhu cầu thiết yếu của người dân vẫn được xem là một tiêu chí tính điểm là chưa phù hợp.

Đơn xin được hộ nghèo của chị Hằng.

Còn theo ông Đỗ Thanh Cảng-Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp (H. Đại Lộc, Quảng Nam), việc xác định hộ nghèo bằng thang điểm có nhiều bất cập, không thể hiện đúng về thu nhập của hộ gia đình trong từng thời điểm. Việc quy định: 1 xe máy có số điểm bằng 40% số điểm của ô-tô là chưa đúng. Trên thực tế, ở nông thôn có nhiều gia đình đang sở hữu chiếc xe máy trị giá chưa đến 1 triệu đồng...  Và, theo ý kiến của nhiều người thì việc đánh giá, xếp loại hộ nghèo theo thang điểm như quy định tại Thông tư số 17/2016 của Bộ LĐ-TB&XH là chưa sát với thực tế và còn nhiều bất cập...

Theo chúng tôi, để có thể đánh giá đúng tình hình kinh tế của từng gia đình, từ đó chính quyền địa phương, các Hội, đoàn thể có những biện pháp giúp đỡ thiết thực để họ thoát nghèo một cách bền vững là không nên đánh giá theo thang điểm. Thay vào đó là biện pháp đánh giá mức thu nhập bình quân từng người trong mỗi hộ như quy định tại Quyết định số 59 của Thủ tướng Chính phủ.

M.T