Báo Công An Đà Nẵng

“Còn sống tôi còn đi tìm đồng đội”

Chủ nhật, 12/07/2020 07:00

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ tại KP 2 (TT Hà Lam, H. Thăng Bình, Quảng Nam), bà Phan Thị Oanh (1943), nguyên nữ y tá của Sư đoàn 2, Quân khu 5 năm nào vẫn nở nụ cười đôn hậu, đậm chất lính. Trên bàn, những bộ hồ sơ liệt sĩ, danh sách đồng đội, đồng chí đã hy sinh là hành trang theo bà trong suốt những chuyến đi…

Cựu chiến binh Phan Thị Oanh.

Đau đáu vì đồng đội

Lần giở ký ức, bà Oanh kể: sinh ra trong gia đình mà tất cả các thành viên đều tham gia cách mạng tại Chợ Được, Bình Triều nên vừa mười chín, đôi mươi bà đã thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Năm 1965, bà Oanh được điều về làm y tá Đội Điều trị C33, Phòng Hậu cần Sư đoàn 2. Theo chân những người lính, ban quân y của bà phải liên tục di chuyển theo từng trận đánh của sư đoàn. Lần lượt những địa điểm đóng quân, như: Nước Y, Sơn Tân, Hiệp Thuận, Sa Huỳnh... đã để lại những ký ức khó phai trong tâm trí của bà. Mỗi trận đánh đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm đồng đội của mình ngã xuống tại từng mảnh đất ấy.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Oanh nên duyên cùng anh bộ đội Cụ Hồ Lê Hữu Lại (1932), người cùng quê. Cả hai vợ chồng đều là lính, trải qua những giờ phút cận kề cái chết nên bà luôn đau đáu không biết những đồng đội đã ngã xuống bây giờ đã có mồ yên mả đẹp hay chưa? Hay các anh, các chị vẫn còn nằm lại với núi rừng lạnh lẽo. Được sự động viên từ người chồng, năm 1990 bà Oanh tự nguyện cùng những đồng chí cũ tham gia đi tìm đồng đội. Trong thời gian này, ông Lại vẫn còn khỏe nên tình nguyện làm đôi chân của vợ. Với chiếc xe máy cà tàng mua được bằng đồng lương hưu ít ỏi, ông Lại chở vợ rong ruổi khắp các nơi từ Quế Sơn, Hiệp Đức, Phước Sơn... là nơi đóng quân của Đội Điều trị C33 Sư đoàn 2 ngày xưa. Hiện nay, khi gánh nặng của tuổi tác, ông Lại vẫn dành thời gian lo việc bếp núc để vợ yên tâm lo việc đi tìm đồng đội.

Lần theo trí nhớ của mình và các đồng đội cũ, ban ngày bà Oanh hết vào từng nhà người dân địa phương để nắm thông tin lại đến các nghĩa trang lần tìm từng phần mộ để thông tin cho người thân các anh. Khi đêm về, bà tổng kết những thông tin vừa tìm được đưa lên mạng xã hội, thông báo cho thân nhân các liệt sĩ có quê ở các tỉnh phía Bắc được biết. Ngày lại ngày, công việc cứ đều đặn như vậy: tìm kiếm - kết nối - chia sẻ. Cũng chẳng biết từ bao giờ ngôi nhà cấp 4 nằm trong hẻm sâu của KP 2, TT Hà Lam trở thành điểm dừng chân của nhiều thân nhân liệt sĩ. Cảm thông cho những khó khăn mà họ đang gặp phải nơi đất khách, vợ chồng bà Oanh dành hẳn 1 chiếc xe máy cho mọi người sử dụng trong suốt quá trình đi lại, tìm kiếm liệt sĩ tại Quảng Nam.

CCB Phan Thị Oanh trong một lần đi tìm mộ liệt sĩ.

Những kỷ niệm không phai

Không thể nhớ trong 30 năm qua, cựu chiến binh Phan Thị Oanh và đồng đội đã tìm được bao nhiêu phần mộ các liệt sĩ nhưng chỉ biết danh sách ấy cứ ngày một dày thêm và để lại nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Trong đó, theo bà Oanh kỷ niệm khó quên nhất là hành trình đi tìm phần mộ 11 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào căn cứ Đồng Dương, được đồng đội chôn cất tại địa bàn xã Bình Định Nam, Thăng Bình. Bắt đầu tìm kiếm, mọi người mừng rỡ khi hay tin 11 hài cốt đã được ngành LĐ-TB&XH quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương. Thế nhưng, đối chiếu với danh sách do Ban Chính sách Sư đoàn 2 cung cấp thì có kết quả ngược lại là có người bị sai họ, người không đúng với tên hoặc chữ lót. Thế là, cựu chiến binh Phan Thị Oanh lại cùng thân nhân các liệt sĩ thực hiện hành trình “trả lại tên” cho các anh. Gần 3 tháng “gõ cửa” khắp nơi, 11 liệt sĩ đã có tên, tuổi, quê quán một cách đầy đủ, được người thân đón về yên nghỉ tại quê nhà.

CCB Phan Thị Oanh nhận bằng khen của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.

Trường hợp liệt sĩ Bùi Xuân Tít, quê quán Bắc Giang là trinh sát thuộc C21, E1, Sư đoàn 2 hy sinh tại Bình Lâm, Hiệp Đức được đồng đội là cựu chiến binh Nguyễn Công Hùng, trú ngõ 7, phố Thạch Hà, TP Hà Nội chôn cất. Sau nhiều lần tìm kiếm song gia đình vẫn không thể đưa anh về quê vì trên bia mộ ghi địa chỉ là tỉnh Hà Bắc. Thế là, bà Oanh cùng ông Hùng gửi đơn đến Ban Chính sách Bộ Quốc phòng xin xác nhận: địa danh tỉnh Hà Bắc trước đây được chia làm 2 đơn vị hành chính là Bắc Ninh và Bắc Giang. Liệt sĩ Bùi Xuân Tít hy sinh tại Bình Lâm, Hiệp Đức có quê tỉnh Hà Bắc (trước đây) và tỉnh Bắc Giang (hiện nay) là một người... Ngoài ra, hành trình đi tìm mộ liệt sĩ Võ Mạnh, quê Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi hy sinh tại địa bàn xã Phước Chánh, H. Phước Sơn, Quảng Nam là vô cùng gian nan vì hiện trường đã bị người dân địa phương khai phá để sản xuất. Qua nhiều lần đi tìm, cuối cùng chỉ tìm được một phần nhỏ xương cốt cùng di vật là chiếc dép cao su của anh để lại dưới gốc cây đã mục. Hiện tại, thân nhân nhiều liệt sĩ ở các tỉnh phía Bắc vẫn giữ liên lạc, thường xuyên gọi điện vào cảm ơn cựu chiến binh Phan Thị Oanh.

“Hơn ai hết, những cựu chiến binh chúng tôi tự nhận thấy phải có trách nhiệm đi tìm đồng đội. Vì, cùng sống, chiến đấu mới thấu hiểu được giá trị của sự hy sinh xương máu mà các anh đã đổ xuống vì Tổ quốc, vì đồng bào, trong đó có chúng tôi. Việc tham gia tìm hài cốt các anh em là trách nhiệm của những người còn sống, cho đến khi nào không còn sức khỏe nữa tôi mới thôi”, bà Phan Thị Oanh tâm sự. 

MINH TRÍ