Công an nhân dân phải phục vụ nhân dân
* Thảo luận về việc phong hàm cấp tướng trong quân đội
(Cadn.com.vn) - Chiều 6-11, trong chương trình Kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Trước đó, vào buổi sáng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nên có quân hàm “Chuẩn tướng”
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, khi quy định trần quân hàm là chưa thống nhất, chưa thuyết phục, có thể khiến cán bộ tâm tư, sẽ có tình trạng Cục trưởng hàm Trung tướng, mà Tổng Cục phó chỉ Thiếu tướng. Gợi ý giải pháp bổ sung cấp bậc “Chuẩn tướng”, Đại biểu Phúc giải thích, theo dự luật Công an nhân dân (sửa đổi) thì giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ Hà Nội, TPHCM) mang quân hàm Đại tá, nhưng tại TPHCM và Hà Nội thì Trưởng công an quận cũng là Đại tá, như vậy là không thuận. “Đề nghị Trưởng công an quận ở TPHCM và Hà Nội chỉ là Thượng tá thôi, hoặc Giám đốc CA tỉnh, thành phố khác nên là Chuẩn tướng”, Đại biểu Nguyễn Văn Phúc đề xuất. |
Thể chế hóa Hiến pháp
Dự án đã tiếp thu ý kiến các đại biểu tại Kỳ họp trước và qua nhiều lần xin ý kiến tại các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu lần này là các chế định về sĩ quan, hạ sĩ quan, hệ thống cấp bậc hàm; chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an xã và đối tượng, quy trình, thủ tục xét tuyển nghĩa vụ Công an nhân dân... đảm bảo tính thống nhất với Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (sửa đổi) và các luật liên quan.
Qua thảo luận, về cơ bản, các ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết và quan điểm xây dựng dự án Luật nhằm đảm bảo hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, thể chế hóa các quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện các nội dung sửa đổi quan trọng của dự thảo. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu phạm vi sửa đổi của dự luật cần quán triệt, phù hợp với các nội dung Hiến pháp mới, các kết luận chỉ đạo liên quan đến thẩm quyền, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, phong, thăng, giáng chức quân hàm trong lực lượng Công an nhân dân hiện nay. Có ý kiến đề nghị quy định rõ trong dự thảo nội dung Công an nhân dân phải tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân bởi đây là vấn đề mang tính cốt lõi, chi phối toàn bộ hoạt động của Công an nhân dân.
Các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị, bên cạnh việc quy định phong, thăng quân hàm, chức vụ Công an nhân dân thì cũng cần đưa vào dự thảo quy định về quy trình, thủ tục giáng chức, sĩ quan, chiến sĩ nếu vi phạm kỷ luật.
Lực lượng CA giúp dân qua sông. |
Nâng cao vai trò của Công an xã
Các ý kiến tập trung thảo luận tính hợp lý về quân hàm tướng, trần cấp tướng; quy định hàm cấp giữa cấp phó và thủ trưởng đơn vị... Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phong thăng bậc hàm cấp tướng trong Công an nhân dân cần bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát. Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo quy định chặt chẽ việc xác định vị trí có nhu cầu cấp hàm tướng Công an nhân dân; thống nhất cấp bậc hàm tương đương giữa Công an, Quân đội tại 7 tỉnh, thành phố đặc thù trực thuộc Trung ương.
Đối với đề xuất trong dự thảo về trần quân hàm Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội và TPHCM là Thiếu tướng, trong khi nhiều Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố chỉ là Đại tá, có đại biểu cho rằng, quy định như vậy là không hợp lý. Bởi Cảnh sát phòng cháy chữa cháy là công việc chuyên môn còn Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm đảm bảo toàn bộ trật tự, an ninh trên địa bàn.
Về tổ chức của Công an nhân dân, buổi thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị nâng cao vai trò, địa vị pháp lý và cơ cấu tổ chức của lực lượng Công an xã bởi kết quả hoạt động tích cực của lực lượng này trong việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội thời gian qua. Theo đó, các ý kiến tán thành việc quy định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách ở cấp cơ sở, chịu sự chỉ đạo của Công an cấp trên; bổ sung Công an xã thuộc tổ chức của Công an nhân dân.
Về vấn đề hoạt động nghĩa vụ Công an nhân dân, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo làm rõ địa vị pháp lý công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân, phù hợp với Luật Nghĩa vụ Quân sự. Việc tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân, cần thông qua Hội đồng tuyển chọn của địa phương.
Liên quan đến đề xuất thành lập các đồn, trạm Công an tại các địa bàn biên giới đường bộ, đường biển, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, tại những khu vực này hiện nay đều do lực lượng Bộ đội Biên phòng quản lý cả về an ninh, quốc phòng, xuất nhập cảnh, an ninh trật tự và đạt kết quả tốt thời gian qua. Trường hợp thành lập mới các đồn, trạm Công an như vậy sẽ gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách, đồng thời dễ dẫn đến việc chồng chéo giữa hoạt động của lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng.
Tại buổi thảo luận chiều 6-11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nâng cao vai trò, địa vị pháp lý và cơ cấu tổ chức của lực lượng Công an xã. Trong ảnh: CAX Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc kiểm tra hành chính một trường hợp tham gia giao thông trên đường liên thôn. |
Thảo luận sôi nổi về việc phong hàm cấp tướng trong quân đội
Thảo luận về quy định số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp Tướng tại dự thảo Luật; ý kiến khác đề nghị cân nhắc không quy định cụ thể mà để văn bản pháp luật khác quy định.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc quy định số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp Tướng không mâu thuẫn với thẩm quyền quy định biên chế của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật. Cùng với việc quy định các chức vụ có trần quân hàm cấp Tướng thì cần quy định số lượng có trần quân hàm cấp Tướng là cấp phó để bảo đảm ổn định số lượng cấp Tướng trong quân đội là cần thiết. Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với phương án 1 của dự thảo luật quy định cụ thể số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp Tướng ngay trong Luật. Theo đại biểu, việc quy định ngay trong Luật chứ không quy định giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định vấn đề này như phương án 2 sẽ góp phần giảm tải công việc cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giảm thủ tục hành chính và cơ chế xin- cho.
Về quy định trần quân hàm Trung tướng đối với hệ thống các nhà trường của quân đội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ việc quy định trần quân hàm của Giám đốc, Hiệu trưởng, Chính ủy học viện, trường sĩ quan cần căn cứ vào vị trí, vai trò, quy mô, trình độ, đối tượng đào tạo và tương quan với Học viện Quốc phòng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ trần quân hàm Trung tướng đối với Giám đốc, Chính ủy: Học viện Lục quân, Học viện Chính trị, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Hậu cần, Học viện Quân y; Hiệu trưởng, Chính ủy các trường: Sĩ quan Lục quân I, Sĩ quan Lục quân II, Sĩ quan Chính trị, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho quân đội nhân dân Việt Nam.
Vấn đề này đại biểu Ngô Ngọc Bình đồng tình với quy định trần quân hàm Trung tướng đối với Giám đốc, Chính ủy: Học viện Lục quân và Học viện Chính trị là hai đơn vị đào tạo cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp trung đoàn, sư đoàn trở lên, là cơ sở nghiên cứu khoa học quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự quan trọng của Bộ Quốc phòng. Đại biểu đề nghị các Học viện, trường sĩ quan còn lại cần phải cân nhắc thêm. Theo đại biểu trần quân hàm Thiếu tướng là phù hợp vì đối tượng đào tạo, trình độ đào tạo thấp hơn so với Học viện Lục quân và Học viện Chính trị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội là Trung tướng và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM có trần quân hàm cao nhất là Trung tướng; Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác là Đại tá để thống nhất với quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an TPHCM và Công an cấp tỉnh.
Sáng nay (7-11), các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Thu Thủy – TTXVN