Công an tỉnh Quảng Nam kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xử lý theo thẩm quyền
Thế nhưng, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, Công ty Lý Tuấn tự ý vận chuyển 167.399,5m3 đá từ Quảng Ngãi đến tập kết tại Cảng quân sự Kỳ Hà (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) với mục đích để bán cho khách hàng là trái quy định của pháp luật.
Đó là nội dung trong báo cáo mà Công an tỉnh Quảng Nam vừa gửi cho UBND tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến việc tàng trữ khoáng sản (đá) không đúng quy định tại Cảng quân sự Kỳ Hà của Công ty Lý Tuấn. Theo Công an tỉnh Quảng Nam, hiện nay, Công ty Lý Tuấn tập kết khoảng 189.900m3 đá sau nổ mìn tại kho bãi của Cảng quân sự Kỳ Hà. Trong đó, 22.500,5m3 đá được Công ty Lý Tuấn mua của Nhà máy đá Thượng Hòa - thuộc Công ty Cổ phần xây dựng đô thị và khu công nghiệp Quảng Ngãi (địa chỉ xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). 167.399,5m3 còn lại đá không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc.
Qua làm việc, Công ty Lý Tuấn trình bày: Khối lượng 167.399,5m3 đá không có hóa đơn, chứng từ là đá dư thừa trong quá trình Công ty Cổ phần D.Q thi công dự án khu liên hợp sản xuất gang thép tại Khu kinh tế Dung Quất. Trước đó, ngày 1-11-2021, Công ty Cổ phần D.Q ký kết hợp đồng với Công ty Lý Tuấn về việc vận chuyển vật liệu xây dựng dư thừa (đá) trong khu liên hợp sản xuất gang thép ra ngoài dự án; hai bên thống nhất tập kết tại Khu du lịch Thiên Đàng. Thế nhưng từ đây, Công ty Lý Tuấn lại tiếp tục vận chuyển 167.399,5m3 ra tập kết tại Cảng quân sự Kỳ Hà.
Trước sự việc trên, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Quảng Nam đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi; Công ty Cổ phần D.Q, kết quả cho thấy, Công ty Cổ phần D.Q được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp 3 giấy phép khai thác đá trong quá trình thi công thực hiện dự án khu liên hợp sản xuất gang thép. Quá trình thi công dự án, Công ty Cổ phần D.Q. hợp đồng với Công ty Lý Tuấn và các đơn vị vận chuyển khoảng 363.177m3 đá về tập kết tại Khu Du lịch Thiên Đàng. Đến nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa cho phép tổ chức, cá nhân nào được phép vận chuyển, kinh doanh, mua bán, sử dụng. Khối lượng khoáng sản này là tài sản thuộc quyền quản lý của Nhà nước và Công ty Cổ phần D.Q chịu trách nhiệm giám sát; các tổ chức, cá nhân chỉ được vận chuyển, kinh doanh, mua bán, sử dụng sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định. Thế nhưng, từ tháng 3-2023 đến nay, Công ty Lý Tuấn vận chuyển 167.399,5m3 đá từ Khu du lịch Thiên Đàng đến tập kết tại Cảng quân sự Kỳ Hà, mục đích để bán lại cho khách hàng tại Đà Nẵng.
"Mặc dù chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, nhưng Công ty Lý Tuấn tự ý vận chuyển 167.399,5m3 đá đến tập kết tại Cảng quân sự Kỳ Hà với mục đích để bán cho khách hàng tại Đà Nẵng là trái quy định của pháp luật. Do nguồn gốc khoáng sản (đá) được khai thác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; Công ty Cổ phần D.Q. và Công ty Lý Tuấn là 2 đơn vị đăng ký và hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nên công tác quản lý, xử lý khối lượng khoáng sản dư thừa của dự án xây dựng khu liên hợp sản xuất gang thép thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Do đó, Công an tỉnh Quảng Nam kính kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận hồ sơ vụ việc để tiếp tục có biện pháp xử lý theo thẩm quyền", Công an tỉnh Quảng Nam đề nghị.
Điều đáng nói, vụ chìm tàu kéo và sà lan khiến 9 người chết, mất tích xảy ra tại khu vực thuộc huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mới đây cũng liên quan đến Công ty Lý Tuấn. Trước đó ngày 28-2-2024, Công ty Lý Tuấn ký hợp đồng thuê của Công ty TNHH MTV Minh Linh (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883 để vận chuyển vật tư từ cảng Kỳ Hà đi thi công các công trình ở đảo Lý Sơn và một số nơi khác. Đến khoảng 4 giờ ngày 24-4, tàu kéo LA-06695 kéo sà lan LA-06883 vận chuyển đá thi công kè chắn sóng cảng Bến Đình, huyện Lý Sơn. Khi tàu, sà lan cách đảo Lý Sơn khoảng 3 hải lý thì bất ngờ bị chìm, khiến 9 người chết, mất tích.
BÃO BÌNH