Báo Công An Đà Nẵng

Công an TP Đà Nẵng: Dốc toàn lực giúp dân chống “siêu bão” Noru

Thứ tư, 28/09/2022 08:44
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP và Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam kiểm tra công tác phòng chống bão.

Đảm bảo an toàn cho những điểm xung yếu

Trước diễn biến phức tạp của bão, ngày 27-9, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP và Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam đã trực tiếp đến kiểm tra thực tế tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang nhằm chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó với bão Noru tại khu vực này. Sau khi nghe các đơn vị, địa phương liên quan báo cáo phương án, kế hoạch ứng phó, phòng chống bão, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên yêu cầu lực lượng Công an, nhất là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP bố trí nhân lực, phương tiện thường trực 24/24h để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra; yêu cầu Công an cơ sở cắt cử lực lượng, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia tuần tra kiểm soát, bảo đảm ANTT, tránh các đối tượng tội phạm lợi dụng tình hình để thực hiện các hành vi trộm cắp tài sản khi ngư dân lên bờ tránh trú bão.

Đặc biệt, nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng nhân dân tại khu vực xung yếu này, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên yêu cầu lực lượng chức năng khẩn trương tuyên truyền, vận động ngư dân còn ở trên các tàu nhanh chóng di chuyển lên các điểm tránh trú trên bờ, không để bất cứ trường hợp nào ở trên tàu. “Đây là cơn bão rất lớn tính trong vòng hàng chục năm qua nên rất nguy hiểm khi vào đất liền. Nếu trường hợp nào không chấp hành, yêu cầu lực lượng Công an và các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực này cưỡng chế theo quy định”, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên nói.

Đại tá Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Công an TP kiểm tra công tác phòng chống bão trong lực lượng.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Bí thư Quận ủy Sơn Trà Trần Thắng Lợi cho hay: Hiện tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang có hơn 4.000 phương tiện tàu, thuyền của Đà Nẵng và các địa phương trong khu vực đang neo đậu, tránh trú bão. Đến nay, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, vận động hầu hết ngư dân di chuyển lên bờ, số còn lại sẽ phải lên bờ tránh trú bão trước 14 giờ ngày 27-9. Như chỉ đạo của lãnh đạo TP, bất cứ trường hợp nào không chấp hành, địa phương sẽ thực hiện cưỡng chế để đảm bảo an toàn.

Tại buổi kiểm tra cùng ngày 27-9 tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP, Đại tá Phan Văn Dũng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đề nghị lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ (CBCS) trong lực lượng phải hết sức chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, kế hoạch phòng chống bão tại trụ sở đơn vị; đồng thời ứng trực 100% quân số, bố trí đầy đủ phương tiện, thiết bị để cùng với các lực lượng của Công an TP triển khai công tác khi có yêu cầu, nhất là công tác cứu hộ và đảm bảo an toàn cho các điểm xung yếu và cuộc sống của nhân dân. Trong ngày 27-9, các Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo Công an các quận huyện tập trung tối đa lực lượng, phương tiện giúp nhân dân tại vùng nguy hiểm, nhất quyết đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền cũng như khắc phục những sự cố khi bão tan.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên đặc biệt lưu ý Công an các đơn vị, địa phương phải nghiêm chỉnh thực hiện mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Công an, đó là: Tập trung toàn lực cho công tác phòng chống bão Noru - cơn bão lớn nhất trong hàng chục năm qua đang đe dọa cuộc sống của bà con ven biển các địa phương miền Trung. Đây là nhiệm vụ cấp bách, vì vậy, Công an các địa phương phải hạn chế tối đa hội họp, tập trung toàn lực lượng chỉ đạo quyết liệt cho công tác phòng chống bão lụt, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Lực lượng Công an TP Đà Nẵng dốc toàn lực giúp dân phòng chống bão.

Tất cả vì nhân dân phục vụ

Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, lực lượng Công an toàn TP Đà Nẵng gần như đã huy động tổng lực để giúp dân với mục đích hướng đến: Khi bão qua, không có những thiệt hại nặng về người và tài sản. Với tinh thần tất cả vì nhân dân phục vụ, mỗi CBCS Công an xác định nhiệm vụ chính trị vì nhân dân quên mình, sẵn sàng phục vụ người dân bất cứ lúc nào. Theo ghi nhận của phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ở khu vực ven sông, ven biển, những hộ nuôi trồng thủy hải sản, lực lượng Cảnh sát Giao thông, trật tự Công an quận Liên Chiểu đã về địa bàn, trực tiếp tuyên truyền nhắc nhở và vận động các hộ dân khu vực dọc triền sông Cu Đê khẩn trương lên bờ tránh bão, không để các hộ dân ở lại trên thuyền bè, lều tạm nguy hiểm đến tính mạng khi bão đổ bộ vào đất liền. Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Q. Liên Chiểu yêu cầu các hộ dân khu vực dọc tuyến Nguyễn Tất Thành, khu vực ven sông, ven biển có nhà ở không kiên cố hoặc đang ở tại các lều quán tạm, lập tức di dời ra khỏi vùng nguy hiểm và đến nơi tránh trú an toàn; với những trường hợp cố tình không chấp hành thì lực lượng chức năng sẽ cưỡng chế sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Trong ngày 27-9, khi có những hộ dân là người neo đơn gọi điện tới nương nhờ, CBCS CAP Hòa Minh, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Nam CAQ Liên Chiểu lập tức có mặt, giúp bà con chằng chống mái tôn, dọn dẹp nhà cửa.

Trước giờ bão “cập bờ”, hàng chục CBCS Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP luôn trong tư thế chạy đua với thời gian, cùng với các lực lượng khác khẩn trương giúp nhân dân chằng, chống lại nhà cửa; tuyên truyền, vận động người dân đến nơi an toàn, chủ động sẵn sàng ứng phó với bão. Tại ổ 43 P. Hòa Thọ Đông hiện có 34 hộ dân, đa phần người dân nghèo, lao động phổ thông, nhà cửa lụp xụp, sẽ ảnh hưởng nặng nề khi bão đổ bộ vào đất liền. Ngay trong sáng 27-9, CBCS Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã nhanh chóng vận động, di dời những hộ dân sống trong căn nhà cấp 4 có nguy cơ bị gió bão đánh sập đồng thời hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài của người dân. Nhà bà Đinh Thị Hạnh, tổ 47 phường Hòa Thọ Đông thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mẹ một con, chị mất sức lao động từ nhiều năm nay. Thấu hiểu với hoàn cảnh của chị, CBCS phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã mua dây thép, bao tải giúp chị chắng chống lại ngôi nhà đang xuống cấp.

Ở hàng chục phường các quận khác của Đà Nẵng, CBCS Công an phường, xã cũng hỗ trợ chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh đối với hàng trăm hộ gia đình neo đơn, các hộ sống trong khu vực có nguy cơ mất an toàn khi bão đổ bộ. Đội Thanh niên xung kích thường trực của Công an TP Đà Nẵng xuất quân chi viện nhân lực cho CAQ Sơn Trà, đã tham gia công tác hỗ trợ phòng chống bão giúp nhân dân. Xác định Sơn Trà là địa phương ven biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão nên công tác chằng chống hỗ trợ nhân dân cần rất nhiều nhân lực. Sau khi bão đổ bộ, lực lượng Thanh niên xung kích sẽ tiếp tục cùng địa phương tham gia khắc phục hậu quả. “Đội Thanh niên xung kích thường trực có 42 đồng chí sẽ tổ chức trực 24/24 giờ và sẵn sàng nhận lệnh của Giám đốc CATP bất cứ thời điểm nào, sẵn sàng xông pha vào những điểm nguy hiểm để giúp đỡ nhân dân. Ngoài chi viện cho Sơn Trà, các đồng chí còn lại đã tham gia chằng chống trụ sở, cơ quan của CATP. "Tinh thần là phát huy hết sức trẻ, nhiệt huyết của thanh niên CATP, không ngại khó khăn, gian khổ. Mỗi CBCS đều xác định tinh thần, tất cả vì nhân dân phục vụ", Thiếu tá Hồ Đình Trí- Bí thư Đoàn Thanh niên Công an TP Đà Nẵng nói.

Tại Trạm CSGT Hòa Hiệp chiều 27-9, CBCS cũng chuẩn bị rất nhiều lương thực, thực phẩm, nước uống... bố trí chỗ ăn uống, nghỉ ngơi để đón người dân sống ở ven biển thuộc P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu). Đây hầu hết là những hộ đang ở nhà tôn, nhà cấp 4 có nguy cơ bị sập đổ do bão số 4 gây ra nên được chính quyền cho di dời đến trú bão tại trạm. Trong khi đó, để bảo đảm an toàn cho người dân trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, P. Hòa Hiệp Bắc cũng thực hiện sơ tán dân đến các công trình kiên cố như trường học, trụ sở cơ quan, công ty, nhà sinh hoạt cộng đồng... dưới sự hỗ trợ hết mình của lực lượng Công an. Tính đến chiều 27-9, toàn phường có gần 300 hộ (gần 1.000 khẩu) được sơ tán tập trung; trên 1.100 hộ dân (trên 3.800 khẩu) được vận động sơ tán đến nhà dân kiên cố hơn. Tổng số lượng sơ tán trên địa bàn là trên 1.400 hộ dân (gần 5.200 khẩu), trong đó có trên 500 sinh viên, công nhân tạm trú. Để bảo đảm cho công tác sơ tán dân, lực lượng Công an cùng với các cấp ngành đã tham gia hỗ trợ bà con, nhất là những hộ có người già, đi lại khó khăn đến nơi trú bão.

Trao đổi với chúng tôi chiều 27-9, Trung tá Lê Văn Tư - Trưởng Công an xã Hòa Bắc (H. Hòa Vang) cho biết, hiện công tác chuẩn bị để ứng phó với bão số 4 trên địa bàn xã đã cơ bản hoàn tất. Trong những ngày qua, ngoài triển khai chằng chống, gia cố trụ sở, chuẩn bị các điều kiện thiết yếu cho CBCS Công an xã yên tâm công tác, phòng chống bão; thì lực lượng Công an xã còn về địa bàn, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân gia cố, chằng chống nhà cửa, di dời các hộ dân tại các điểm xung yếu, nguy hiểm đến nơi an toàn…. Ngoài ra, Công an xã còn cắt cử CBCS vào sâu trong rừng tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc Hrê (tỉnh Quảng Ngãi) đang là lao động tự do, khai thác keo trên địa bàn ra khỏi rừng tránh bão, bố trí vào tránh trú bão tại các nhà dân, trường học kiên cố trên địa bàn; đồng thời, yêu cầu các chủ rừng hỗ trợ lương thực thực phẩm, nước uống để bà con yên tâm tránh trú bão. “Công an xã cũng sẽ có biện pháp hỗ trợ thêm cho bà con ổn định phòng chống bão trong thời gian tới”, Trung tá Tư nói.

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lực lượng Công an TP Đà Nẵng cũng đã và đang quên mình, vì cuộc sống bình yên của nhân dân phục vụ, với mong muốn lớn nhất: Không có những thiệt hại nặng nề cho bà con khi “siêu bão” qua đi.

Công Hạnh – Mai Vinh – Hồng Thanh