Báo Công An Đà Nẵng

Công an TP Đà Nẵng kiên quyết xử lý hành vi vi phạm giao thông: Thói quen, văn hóa mới khi tham gia giao thông

Thứ sáu, 28/04/2023 07:00
Công an TP Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ban đêm.

Vì bình an của mọi nhà

Anh Trần Huy Đức (35 tuổi, trú Q. Cẩm Lệ) thường xuyên phải tham gia các buổi tiệc tùng với đối tác nên sau khi uống rượu, bia anh thường đặt xe ôm công nghệ để về nhà. Phần vì bảo đảm an toàn cho bản thân nhưng không để cuộc vui chỉ đến nửa chừng. Anh Đức cho biết, qua các kênh thông tin thì được biết, Công an TP Đà Nẵng đang tăng cường ra quân xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. So với trước đây, nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý nghiêm và người nhà “làm to” cũng không thể can thiệp, tác động vào quá trình xử lý khiến những người như anh có ý thức tuân thủ hơn. Dần dần anh và bạn bè có thói quen không lái xe sau khi đã uống rượu, bia.

Cũng giống như anh Đức, ông Nguyễn Hải Hiếu (46 tuổi, trú Q. Hải Châu) cho hay, mỗi khi tham gia các buổi tiệc đám giỗ, chạp mã, sinh nhật… ông cũng không sử dụng rượu bia và nhiều người khác cũng làm thế. Tuy nhiên mâm cỗ cũng không vì vậy mà thiếu tiếng cười, niềm vui. Ai cũng nhận thấy việc chấp hành luật giao thông là tự bảo vệ cho chính bản thân mình và người thân. Đối với người lái ô-tô như ông còn chấp hành nghiêm chỉnh hơn vì hình thức xử phạt có tính răn đe cao nên không ai dám “liều”.

Lực lượng CSGT đường thủy kiểm tra nồng độ cồn lái tàu du lịch trên sông Hàn.

Dần dần, không cần vợ con, bạn bè phải nhắc nhở, những người như anh Đức, ông Hiếu đã xem câu khẩu hiệu “đã uống rượu bia thì không lái xe” là thói quen, văn hóa khi tham gia giao thông. Hơn nữa, mức phạt cao đến vài chục triệu đồng, tước bằng lái mức kịch khung, tạm giữ phương tiện, phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng đã được áp dụng, thể hiện sự nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với vi phạm.

Theo thống kê của Công an TP Đà Nẵng, tai nạn giao thông (TNGT) thời gian qua giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể giảm 25 vụ, giảm 19 người chết và 15 người bị thương. Đây là những con số thống kê không chỉ trên giấy tờ mà là thực tế thời gian qua tại các bệnh viện khi các ca cấp cứu do TNGT giảm sâu. Có được kết quả trên, Công an TP Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công an về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT, trật tự đô thị.

Kiểm soát nồng độ cồn kể cả ban ngày, ban đêm

Trong quá trình giải quyết vụ việc, phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật là chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Công TP Đà Nẵng thời gian gần đây đối với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ.

Thời gian đến, TP Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp kích cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xuyên suốt năm 2023 tập trung phát triển du lịch, tổ chức hàng loạt sự kiện, lễ hội, mục tiêu thu hút khoảng 1-1,5 triệu lượt khách nội địa, quốc tế đến tham quan du lịch, đặc biệt vào dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), các hoạt động kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Ngày Quốc tế lao động (1-5) và các hoạt động du lịch hè... Do đó, Công an TP đang triển khai nhiều biện pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, TTĐT, kiềm chế TNGT, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại an toàn.

Theo chỉ đạo của Đại tá Trần Phòng - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, lực lượng Công an các đơn vị địa phương sẽ tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp, thực hiện thực sự hiệu quả 2 chuyên đề về xử lý vi phạm nồng độ cồn và chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật giao thông. Theo đó, Công an TP sẽ tăng cường các tổ công tác tuần tra kiểm soát nồng độ cồn kể cả ban ngày, ban đêm và kiên quyết không để xảy ra các vụ TNGT nguyên nhân do vi phạm nồng độ cồn trong các ngày nghỉ lễ.

Với phương châm: “Mọi hành vi vi phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định, quyết tâm không để xảy ra TNGT liên quan đến ô-tô khách”, Công an TP Đà Nẵng cũng tập trung lực lượng, trang thiết bị, phương tiện kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp lái ô-tô khách vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ quy định, chở quá khách, các vi phạm về kinh doanh vận tải, sử dụng giấy tờ, chứng nhận kiểm định, tem kiểm định giả... nhất là thời điểm trước, trong và sau lễ và các hoạt động du lịch hè.

Trạm CSGT Cửa ô Hòa Hiệp xử lý tình trạng thanh thiếu niên tụ tập trên đèo Hải Vân.

Tại những điểm, tuyến giao thông phức tạp có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, Công an TP bố trí lực lượng cắm chốt, phương tiện cẩu, kéo, nhất là thời điểm các ngày đầu, cuối của kỳ nghỉ lễ, các khung giờ cao điểm hàng ngày; kịp thời xử lý các tình huống, sự cố phát sinh không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương án phòng chống đua xe trái phép, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, lạng lách, đánh võng, đi xe bằng một bánh... gây rối trật tự công cộng, nhất là tại các khu vực đèo Hải Vân, khu vực bán đảo Sơn Trà, các tuyến trung tâm TP, tuyến đường giáp ranh Quảng Nam, tuyến Thăng Long- Túy Loan, các dự án khu đô thị, khu dân cư đã hoàn thành xây dựng hạ tầng giao thông.

Ngoài những biện pháp kể trên, Đại tá Trần Phòng cũng chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường thủy, đường sắt và xử lý vi phạm khác trên lĩnh vực giao thông, góp phần giảm thiểu TNGT, bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân trong dịp nghỉ lễ.

MAI VINH