Công bố kết quả Kiểm toán năm 2013: Hàng nghìn tỷ đồng “có vấn đề”
(Cadn.com.vn) - Ngày 25-7, Kiểm toán Nhà nước đã họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2013 và kết quả thực hiện Kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2012. Những khoản tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng có thể “có vấn đề”.
Vượt chi ngân sách 8,3%
Tại cuộc họp báo, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kiến nghị Chính phủ xử lý 22.821,3 tỷ đồng ngân sách “có vấn đề” trong năm 2012. Cụ thể, kiểm toán kiến nghị xử lý đối với 4.047 tỷ đồng tăng thu, 5.099,4 tỷ đồng giảm chi, 2.623,4 tỷ đồng nợ đọng phát hiện tăng thêm, 9.985,8 tỷ đồng được nộp, hoàn trả hoặc quản lý qua ngân sách và 1.065,7 tỷ đồng xử lý khác.
Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, trong khi tổng thu ngân sách vượt 1,9% dự toán thì chi ngân sách Nhà nước năm 2012 vượt 8,3% dự toán (2.072 tỷ đồng). Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, trong quản lý điều hành ngân sách, việc sử dụng các khoản thu, dư dự toán và dự phòng ngân sách cơ bản phù hợp với quy định. Việc sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước tại các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đi vào nề nếp hơn, phù hợp với tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước, góp phần kiềm chế lạm phát.
Kiểm toán Nhà nước xác định số liệu nợ công đến ngày 31-12-2012 giảm 1.632,2 tỷ đồng so với số báo cáo tại Báo cáo các chỉ tiêu giám sát nợ do Bộ Tài chính tổng hợp thừa, thiếu một số khoản vay, khoản nợ. Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác quản lý nợ công của Bộ Tài chính chưa được tập trung vào một đầu mối là Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nên việc tổng hợp số liệu nợ công theo một đầu mối còn khó khăn, dẫn đến số liệu tổng hợp còn sai sót.
Bên cạnh đó cũng chưa có báo cáo tổng hợp, phân tích đánh giá rủi ro đối với các khoản cho vay lại để xác định tình hình nợ xấu và nghĩa vụ dự phòng nợ của Chính phủ. Việc ghi thu, ghi chi chậm nên tình trạng của các chủ dự án nhận nợ chậm, thu hồi gốc, lãi về Quỹ tích lũy không kịp thời.
Qua kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) và 3 ngân hàng thương mại là Vietcombank, Vietinbank và Agribank, kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đều có lãi, lợi nhuận trước thuế năm 2012 của Vietinbank, Vietcombank, Agribank lần lượt là 8.121 tỷ đồng, 5.764 tỷ đồng và 2.876 tỷ đồng.
Trong số các ngân hàng thương mại được kiểm toán, chỉ duy nhất Agribank không đảm bảo tỷ lệ an toàn trong hoạt động. Đáng chú ý, ông Đào Văn Dũng – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước) cho biết, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng khá cao. Tỷ lệ nợ xấu bình quân đến ngày 31-12-2012 theo báo cáo của 125 tổ chức tín dụng là 4,08% (đến 30-6-2013 là 4,46%).
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, qua kiểm toán, đã phát hiện nhiều trường đại học thu học phí trái quy định hoặc đưa ra nhưng khoản phí, lệ phí “khó hiểu” với khoản tiền nhiều tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Tân, Kiểm toán trưởng chuyên ngành 3 – Kiểm toán Nhà nước, cho biết tình trạng thu vượt, thu ngoài quy định diễn ra khá phổ biến ở các cơ sở đào tạo và diễn ra trong nhiều năm nay.
Cũng theo ông Tân, phương án trả lại tiền các khoản thu sai cho người nộp, rất khó thực hiện vì số tiền từng người không nhiều, mặt khác nhiều người đã ra trường, để đi trả thì chi phí để mang đi trả cao hơn rất nhiều so với khoản đã thu sai. Kiểm toán đã kiến nghị toàn bộ phần thu vượt sau khi đã bù đắp khoản chi phí hợp pháp sẽ được bổ sung vào quỹ phát triển sự nghiệp.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước công bố các báo cáo kiểm toán tại cuộc họp báo ngày 25-7. |
“Điểm mặt” hàng loạt dự án đội vốn
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, một số công trình giao thông đang có tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư khá lớn. Đáng chú ý, dự án tín dụng ngành giao thông để cải tạo mạng lưới đường quốc gia giai đoạn 1 đã phải điều chỉnh tăng 3 lần tổng mức đầu tư, từ 2.293 tỷ đồng lên 6.961 tỷ đồng. Cùng tình trạng trên, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Pác Bó-Cao Bằng và đoạn Chơn Thành-Đức Hòa cũng đã phải điều chỉnh tăng vốn hơn 302,9 tỷ đồng.
Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Bờ Đậu-Cửa khẩu Tà Lùng đội từ 544,69 tỷ đồng lên tới hơn 1.291 tỷ đồng. Riêng với thành phố Hà Nội, thống kê của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, dự án đường tỉnh 420 đã phải điều chỉnh vốn hơn 69,69 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 180%. Thậm chí, dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hạ ngầm đường dây, cáp trên phố Trần Hưng Đạo cũng phải điều chỉnh bổ sung ngay sau khi phê duyệt tổng số vốn.
Tình trạng đội vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng này theo ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 4 là do chất lượng khảo sát, thiết kế dự án trong thời gian qua chưa tốt dẫn tới khi thực hiện phải điều chỉnh quy mô. Ngoài ra, theo ông Quý, thời gian thi công thường kéo dài do nhiều địa phương gặp khi giải phóng mặt bằng đã dẫn tới chi phí cho nhiều dự án, công trình tăng vọt.
Điều này khiến nhiều địa phương thiếu chủ động bố trí vốn cũng như quản lý Nhà nước. Ở phương diện khác, đánh giá của Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh việc nhiều dự án đầu tư được phê duyệt khi chưa xác định rõ nguồn vốn, không phê duyệt kế hoạch đấu thầu, lựa chọn nhà thầu không đảm bảo năng lực.
Từ thực trạng trên, đại diện Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát lại toàn bộ dự án để đánh giá rõ nguyên nhân tăng vốn đầu tư và nợ đọng vốn với từng công trình. Ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 4 cho rằng cơ quan chức năng cần tăng cường trách nhiệm trong việc tư vấn, khảo sát dự án, tránh việc triển khai rồi lại phải thay đổi, điều chỉnh.
Bài, ảnh: Thu Thủy