Báo Công An Đà Nẵng

Cộng đồng doanh nghiệp là động lực cho tăng trưởng

Thứ năm, 27/06/2019 12:26

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 (VBF 2019), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ ghi nhận và đề cao vai trò của doanh nghiệp để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn.

VBF 2019 có chủ đề: “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững”, quy tụ khoảng 500 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cơ quan quản lý, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và 13 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Cần doanh nghiệp tham gia hoạch định chính sách

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến không thuận lợi, Việt Nam cần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông các nguồn lực phát triển, thực hiện các đột phá chiến lược, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và tận dụng hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ; hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo để thu hút nhân tài. Cùng với đó, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện nghiêm việc đổi mới, sắp xếp, tinh giản biên chế, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để khơi thông ách tắc của doanh nghiệp, song sự nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ, cần sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư kinh doanh. Những đề xuất của doanh nghiệp tại Diễn đàn sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc, sớm đưa Việt Nam vào nhóm các nước đứng đầu ASEAN, hướng đến tiêu chuẩn phát triển của các nước OECD và nâng cao hơn nữa xếp hạng, vị thế của Việt Nam...

Đại diện Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), ông Kyle F. Kelhofer - Giám đốc quốc gia cấp cao Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng, Việt Nam là một câu chuyện thành công về giảm nghèo mạnh mẽ và tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, đòi hỏi sự chung tay của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Trong thế giới bất ổn hiện nay, Việt Nam cần đảm bảo cạnh tranh thương mại và tiếp cận bền vững để có thể cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Hiện Việt Nam tập trung nhiều vào đoạn giữa của chuỗi giá trị sản xuất là lắp ráp, do đó cần hướng tới giai đoạn trước khi hoàn tất, bao gồm: thiết kế, nghiên cứu phát triển, marketing, kỹ thuật số và dịch vụ. Khi mở rộng sự tham gia vào chuỗi giá trị này, Việt Nam sẽ mang lại những cơ hội phát triển bền vững hơn, đảm bảo công việc cho người lao động”, ông Kyle F. Kelhofer nói.

Tỷ lệ doanh nghiệp/người dân còn thấp

Đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, là một trong những điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và thế giới, song Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, xuất phát chủ yếu từ những yếu kém nội tại. Năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ  vẫn còn thấp. Trình độ quản trị, hiệu quả kinh doanh, năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ cũng như sự liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế.

Bên cạnh đó, quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng... còn khó khăn; chi phí về vốn, logistics, thủ tục hành chính còn cao. Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp. So sánh với một số nước, Việt Nam mới đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100 người dân/doanh nghiệp, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) là 10-12 người dân/ doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

“Trước hết phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, bảo vệ môi trường. Tăng trưởng kinh tế phải góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xa hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định: “Việt Nam phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu, đồng thời phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”.

Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp chính là động lực cho tăng trưởng, là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ. “Thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, đảm bảo bình đẳng giới, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng... doanh nghiệp đang thực hiện trách nhiệm xã hội của mình vì lợi ích chung cho doanh nghiệp cũng như sự phát triển của xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

T.THỦY – Q.NHƯ

TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trên 3 khía cạnh: kinh tế, pháp lý và đạo đức.

“Về khía cạnh kinh tế, doanh nghiệp cần cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận với đối xử thỏa đáng với người lao động, tạo cơ hội để người lao động phát triển nghề và chuyên môn, thụ hưởng môi trường lao động an toàn, vệ sinh và đảm bảo quyền riêng tư, cá nhân ở nơi làm việc”, Phó Thủ tướng nêu rõ. Doanh nghiệp cũng cần tận dụng tiến bộ khoa học để phát hiện những nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, phát triển sản phẩm; liên kết mạnh mẽ với khu vực trong nước để cung cấp hàng hóa và dịch vụ đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm và cạnh tranh lành mạnh.

Về khía cạnh pháp lý, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý đối với các bên liên quan thông qua việc tuân thủ những quy định về cạnh tranh, bảo vệ khách hàng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự công bằng và an toàn, cung cấp những sáng kiến chống lại những hành vi sai trái. Doanh nghiệp không thể tồn tại lâu dài nếu không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm pháp lý của mình.

Về khía cạnh đạo đức, Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù đây không phải là những ràng buộc pháp lý, nhưng khía cạnh đạo đức của doanh nghiệp lại vô cùng quan trọng với cộng đồng.

“Đây là những hành vi và hoạt động mà xã hội mong đợi ở doanh nghiệp nhưng không được quy định trong hệ thống luật pháp. Do đó, những gì doanh nghiệp quyết định đúng, cùng chia sẻ lợi ích sẽ được xã hội công nhận, tôn vinh và ngược lại”, Phó Thủ tướng nói.