Báo Công An Đà Nẵng

Cộng đồng doanh nghiệp sát cánh cùng thành phố

Thứ năm, 08/03/2018 11:10

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngày càng có những đóng góp thiết thực về ngân sách, về xây dựng cơ chế, chính sách thông qua việc tiếp xúc đa dạng và cởi mở với cơ quan chính quyền. Từ chỗ gặp để đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN thì đến hôm nay, ngoài việc đối thoại chính quyền thành phố còn hy vọng cộng đồng DN sẽ đồng hành cùng thành phố với những góp ý đã mang tính chất hiến kế tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian đến. Báo Công an TP Đà Nẵng ghi lại ý kiến của các doanh nhân trước buổi tọa đàm mùa Xuân được tổ chức vào ngày 8-3.

Ông Phan Hải                     ---            Ông Nguyễn Đình Giáp            ---         Ông Trương Văn Bình

Ông Phan Hải - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Giám đốc Cty BQ:

Năm 2017 khép lại với thắng lợi của nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện tăng trưởng. Đặc biệt, Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra thành công tốt đẹp vào tháng 11 tại Đà Nẵng vừa qua là một bước ngoặt lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Với những cơ hội lớn từ các nguồn đầu tư nước ngoài, mở rộng hợp tác quốc tế, Đà Nẵng nói chung và cộng đồng DN nói riêng đã có nhiều cơ hội đón đầu, thu hút đầu tư từ trong nước và quốc tế.

Thật kịp thời, năm 2018 thành phố Đà Nẵng chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút Đầu tư”. Phát huy lợi thế từ APEC mang lại, đo được chỉ số hài lòng từ các nhà đầu tư, thành phố đã lựa chọn chủ đề cho năm để các cấp các ngành cùng doanh nhân thành phố tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, phát huy sức mạnh DN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thành phố.

Với vai trò cầu nối giữa cộng đồng Doanh nhân trẻ và chính quyền thành phố, nhằm thúc đẩy sự phát triển chung, tiếp tục vai trò đầu tàu miền Trung, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cũng như cá nhân tôi xin có một vài ý kiến sát sườn với sự phát triển của cộng đồng DN cũng như sự phát triển của thành phố. Đó là: Thu hút đầu tư nhưng không “bỏ quên” DN trong nước (đóng góp của DN địa phương đối với sự phát triển của thành phố là khá lớn). Trong thời gian qua, chính quyền thành phố triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN nước ngoài, nhưng lại còn nhiều ràng buộc đối với DN địa phương; “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” của thành phố, được triển khai cụ thể đồng bộ, mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, tuy nhiên, sự phân công đối với các Hội, Hiệp hội DN còn rất hạn chế; chúng tôi mong rằng thành phố tin tưởng giao nhiều trọng trách cho cộng đồng DN trong năm nay. Hãy đặt niềm tin vào DN chúng tôi. Chính quyền thành phố cần mạnh dạn giao cho DN vì mọi kiến nghị, đề xuất đều xuất phát từ lợi ích của DN của thành phố; Thành phố cần tăng tần suất các buổi gặp gỡ, đối thoại với DN lên hàng quý, hàng tháng và nâng cao chất lượng các buổi gặp mặt. Hiện nay số lượng DN xuất hiện trong các buổi gặp mặt không còn nhiều như trước, nên chăng đánh giá kết quả sau mỗi buổi gặp. Và các Hội, Hiệp hội DN sẽ làm cuộc khảo sát đối với hội viên sau mỗi cuộc gặp. Từ đó, hiến kế để thành phố tổ chức theo nếu được cho phép; Đặc biệt, phát triển đồng bộ nhưng quan trọng nhất vẫn là nội tại của chúng ta, lòng tin của DN và sự yên tâm là yếu tố cần thiết để DN trụ vững và phát triển. Tin tưởng rằng, trong thời gian sớm nhất thành phố sẽ ổn định và tiếp tục tạo niềm tin cho nhân dân cũng như cộng đồng DN.

Trong thời gian qua, Đà Nẵng được các chuyên gia, cộng đồng DN đánh giá là có chính quyền kiến tạo, chuyên nghiệp, tiên phong, đột phá trong phát triển kinh tế thông qua các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính,... Vì vậy, Đà Nẵng cần tiếp tục phát huy “gen trội” này để cộng đồng DN yên tâm đối với hoạt động kinh doanh của mình.

“Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” và “Tọa đàm mùa Xuân với DN” hy vọng là bước khởi đầu gợi mở để tạo ra cảm hứng mới thúc đẩy cộng đồng DN, các cơ quan quản lý thành phố đồng hành hợp tác cùng phát triển bền vững trong tương lai.

Ông Nguyễn Đình Giáp - Tổng Giám đốc LandCorp:

Hiện nay, Đà Nẵng đang đón đầu “làn sóng” đầu tư từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, Singapore,... vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ và bất động sản. Vì vậy, thành phố sớm có chính sách phù hợp đón làn sóng này.

Đà Nẵng được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, nhưng trên thực tế, để đạt đến vị thế đó, Đà Nẵng cần phải đặc biệt phát triển tốt 2 lĩnh vực là giáo dục và y tế.

Song song với việc phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng, khu CNC, quy hoạch lại Cảng biển... thì theo tôi Đà Nẵng phải tính toán kỹ lượng cả về quỹ đất, thu hút đầu tư thực, chất lượng cao đối với 2 lĩnh vực trên. Cụ thể, thành phố dành quỹ đất ven sông còn lại để ưu tiên thu hút các nhà đầu tư trong nước kết hợp với các nhà đầu tư đến từ Nhật phát triển dự án bệnh viện Đông-Tây y kết hợp khu nghỉ dưỡng. Đối với lĩnh vực giáo dục, ưu tiên các quỹ đất công và cơ chế đặc thù thu hút các nhà đầu tư lớn, liên kết các trường Quốc tế ở những nước có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu như Mỹ, Anh, Australia, Nhật... có chọn lọc và ưu tiên các cấp học, tránh chồng lấn ở cấp này và thiếu hụt ở cấp kia.

Đối với lĩnh vực du lịch, Đà Nẵng hiện tại là điểm đến lý tưởng của khách trong và ngoài nước, tuy nhiên nhìn ở khía cạnh khác thì Đà Nẵng hiện không phải là điểm dừng chân dài ngày của du khách, bởi Đà Nẵng vẫn thiếu các khu vui chơi giải trí lớn khác, bên cạnh Bà Nà Hills và Công viên Châu Á, Suối nước nóng... Đồng thời, sớm tìm kiếm các đơn vị tư vấn quốc tế có kinh nghiệm phát triển các dự án lấn biển để có những đánh giá tác động môi trường ở mức tốt nhất qua đó nghiên cứu sớm triển khai Công viên Đại Dương.

Bên Cạnh đó, Đà Nẵng cần nghiên cứu xã hội hóa và xây dựng nhà hát của thành phố tại một vị trí đặc biệt, gắn với sông nước, biến nhà hát trở thành một công trình kiến trúc độc đáo, là điểm đến của du khách như nhà hát Opera (Sydney) hay nhà hát Esplanade (Singapore)...

Luật sư Trương Văn Bình - Giám đốc Cty Luật Bình Minh:

Theo tôi hiện nay rất nhiều DN có nhiều công trình trên địa bàn thành phố đang vướng là cùng một công trình phức hợp xây dựng trên khu đất được cấp quyền sử dụng đất lâu dài nhưng khi xây dựng căn hộ bán cho dân đi làm thủ tục chuyển thành đất thuê 50 năm. Việc thu hồi, chuyển đổi giấy tờ đất của cá nhân, DN từ lâu dài sang 50 năm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của cá nhân và DN. Nhiều DN xây khách sạn lên xin giấy tờ không được vì phải chuyển qua 50 năm. Làm thế nào chặn đứng những quyết định bất hợp lý, làm xáo trộn thị trường bất động sản Đà Nẵng. Nhiều chủ đầu tư xây dựng căn hộ trên đất hỗn hợp lâu dài, bán cho nhà đầu tư, người dân, bây giờ bắt thu hồi lại chỉ cấp sổ 50 năm, thậm chí có DN mua theo hình thức đấu giá đất lâu dài nhưng nay vẫn bắt thực hiện theo hình thức thuê 50 năm là hoàn toàn vô lý.

Rõ ràng, Đà Nẵng có chủ trương thành phố đổi đất lấy hạ tầng là hoàn toàn hợp lý, thành phố có được bộ mặt như ngày hôm nay là dấu ấn đường đi nước bước của các vị lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ. Trước đây nguồn thu ngân sách thành phố quá ít, không có tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, buộc phải đổi đất để lấy hạ tầng. Mà giá trị đất lúc đó cũng không cao nếu cứ căn cứ vào tình hình hiện tại áp cho DN thì khác nào đẩy DN đến bờ vực phá sản...

XUÂN ĐƯƠNG

Xây dựng một chính quyền minh bạch

Tại buổi làm việc với Ban Xúc tiến Hỗ trợ Đầu tư cuối tháng 2-2018, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, quy trình giải quyết các thủ tục đất đai cho DN hiện nay là chỉ một hai lãnh đạo, chứ không phải là một cách minh bạch từ các cơ quan. Đề xuất ấy phải là Sở KH & ĐT, Sở TN & MT, Sở Công Thương,... chứ không phải là Chủ tịch hay Bí thư thành phố. Lối làm việc chỉ một hai người quyết như vậy thì làm sao có được khách quan công bằng. Đơn cử, khi chúng ta đấu thầu những người cần chọn thì bị trượt, còn mấy cái ông vớ va, vớ vẩn đấu thầu xong bán lại thì lại trúng thầu. Đấy có phải là một chính quyền minh bạch không? Vì vậy, chúng ta phải xây dựng một bộ máy chính quyền minh bạch.