Cống hiến nhiệt huyết tuổi già
Cùng với đó, các phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” và các nội dung sinh hoạt của NCT như câu lạc bộ dưỡng sinh, thơ, kể chuyện truyền thống quê hương… được ví như mảnh đất màu mỡ bồi bổ tinh thần cho những “cây cao bóng cả”, kết nối tâm hồn giữa những NCT có cùng sở thích, giúp họ có thêm sức khỏe, nhiều niềm vui để cống hiến nhiệt huyết tuổi già cho xã hội. Thông qua các buổi sinh hoạt, NCT còn vận động con cháu, kẻ ở quê nhà cùng người ra đi có trách nhiệm xây dựng, phát triển quê hương. Và, những việc làm đó đã phần nào thúc đẩy cho phong trào NCT ở vùng nông thôn này ngày càng thăng hoa.
Với người dân Việt Nam, đình làng có ý nghĩa thiêng liêng. Thế nên, khi nhìn thấy ngôi đình ở thôn La Bông (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) bị chiến tranh tàn phá, không có nơi hương khói cho các bậc tiền nhân, NCT trong thôn trăn trở lắm. Các cụ đã cùng với các hội, đoàn thể nỗ lực vận động người dân hiến đất, xã hội hóa xây mới ngôi đình với nguồn kinh phí đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng. Cụ Nguyễn Đức Ngãi phấn khởi trải lòng: “Cũng như nhiều làng quê khác, ngôi đình là nơi để dân làng tìm thấy sự nương tựa về mặt tinh thần, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Ngôi đình không chỉ thiêng liêng trong tâm trí mà còn thân quen gần gũi, ở đó dân làng cảm nhận được sự che chở của cộng đồng “tối lửa, tắt đèn có nhau”. Bây giờ, con em dân làng ở địa phương hay xa quê đều có chung một cảm nhận “tình người - tình quê hương” thật vô cùng ấm áp”. Còn ở thôn Cẩm Toại Trung (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang), trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngoài việc tuyên truyền, vận động con cháu và bà con hàng xóm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhiều hội viên NCT ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng cảm thấy bản thân có đầy đủ sức khỏe như các ông: Lê Duyên, Lê Phú Lý, Phạm Nhơn, bà Lê Thị Hiền… vẫn tích cực tham gia Tổ COVID cộng đồng và nhiều người trong số đó còn tình nguyện túc trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch, hay “đi chợ” giúp dân khi TP thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đấy”. Dù có khó khăn, vất vả và nguy hiểm, nhưng họ đã không quản ngại, đều cố gắng giữ vững thành quả chống dịch tại cơ sở. Qua đó, góp phần cùng chính quyền địa phương giữ vững địa bàn an toàn. Khi chúng tôi băn khoăn hỏi làm vậy có ảnh hưởng sức khỏe của NCT, ông Nguyễn Văn Bảy - Chi hội phó NCT thôn Cẩm Toại Trung không ngần ngại bộc bạch: “Tuổi già nhưng chí không già. Bởi NCT chúng tôi luôn mong muốn được lao động, làm việc và cống hiến cho xã hội bằng những kinh nghiệm của mình. Có thể coi đó là sự nghỉ ngơi tích cực, vấn đề là làm việc, lao động sao cho phù hợp với khả năng sức khỏe của mỗi người”.
NCT ở vùng nông thôn Hòa Vang qua bao thế hệ vẫn sống rất lạc quan. Họ luôn đi đầu trong việc bảo vệ chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Với vị thế “cây cao bóng cả”, họ là trụ cột tinh thần, là người “cầm chịch” cho gia đình phát triển. Còn đối với làng xóm, quê hương, NCT am hiểu lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục, quá trình phát triển của địa phương. Việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, tổ chức lễ hội truyền thống rất cần những ý kiến đóng góp của họ… “NCT ở địa phương còn đi đầu nêu gương sáng trong xây dựng con người mới, xây dựng gia đình hiếu học, khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, vận động con cháu khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, giáo dục con cháu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có nhiều đóng góp cho cộng đồng; góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban MTTQVN các cấp phát động ngày thêm lan tỏa, sâu rộng trong đời sống nhân dân”, Chủ tịch Hội NCT xã Hòa Phong Lâm Quang Sơn chia sẻ.
Vy Hậu