Công nghiệp Đà Nẵng đang tụt hậu
(Cadn.com.vn) - Trong cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng, công nghiệp đang bị đẩy xuống (còn khoảng 42%) trong khi giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng kém hơn các tỉnh trong khu vực. Đấy là chưa kể tới việc công nghiệp Đà Nẵng phát triển khá lộn xộn, chưa định hình được đâu là mũi nhọn và sự thiếu bền vững bộc lộ ngày càng rõ.
Thiếu bền vững
Nhìn một cách tổng thể, công nghiệp Đà Nẵng không định hướng được rõ ràng điểm mạnh yếu, nếu không nói là khá lộn xộn. Lý giải việc này, Giám đốc Sở Công Thương Phan Văn Kha cho biết, do sự phân cấp tổ chức thiếu thống nhất.
Sở Công Thương đứng ra quy hoạch, Ban Quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất (BQL KCN&CX) thì quyết định DN vào đầu tư, Sở KH&ĐT lại cấp phép cho các DN bên ngoài KCN. Thời bao cấp, nếu muốn đưa ngành cơ khí thành mũi nhọn chủ lực thì Nhà nước tập trung vật lực vào đó, còn giờ, suy cho cùng quyết định cuối cùng có đầu tư hay không vẫn là DN.
Các KCN như một bức tường bao, họ muốn đầu tư cái gì thì tùy họ, vì thế công nghiệp nó phát triển nhiều mũi, nhiều hướng, lộn xộn. Đấy là chưa nói chuyện đã mở KCN ra thì phải bằng mọi cách kêu gọi DN đầu tư vào, thành thử đôi lúc phải nhún nhường nhiều để có được nhà đầu tư.
Ông Kha cho rằng, nếu muốn định hình ngành nào phát triển mạnh thì phải có cơ chế đặc thù để thu hút ngành đó. Chẳng hạn ở Dung Quất muốn phát triển công nghiệp dầu khí, Chính phủ cho cơ chế riêng thu hút nguồn lực vào đó. Ngoài ra còn các KCN khác, cứ phải theo quy định, địa phương nào mà có “xé rào” một tí là bị chấn chỉnh ngay.
Do đặc thù phát triển KCN từ khá sớm, gần 20 năm nay nên Đà Nẵng với 6 KCN hiện có về cơ bản đã lấp đầy gần 80%. Với các DN làm ăn thua lỗ hoặc giữ đất để đó thì TP đang tiến hành rà soát để thu hồi. Tuy vậy, nhìn vào thực trạng bức tranh trong các KCN ở Đà Nẵng đang hiện rõ những bất ổn.
Khoan nói về các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trước tiên nhìn các DN nội địa, phần đa vẫn chỉ là gia công xuất khẩu, giá trị không cao, đóng góp hạn chế. Có những DN như sản xuất đồ chơi, theo phân tích của ông Kha, TP đâu được gì nhiều, mà lại tốn diện tích, nhưng vẫn cho đầu tư.
Trong khi có những DN như lắp ráp máy tính của Singapore muốn xây dựng nhà máy đầu tiên ở Việt Nam hàng chục năm trước nhưng năm lần bảy lượt xin giấy phép không cấp. Thật khó có thể phát triển công nghiệp bền vững dựa trên nền tảng của phần lớn các DN gia công, lấy lao động giá rẻ làm lợi thế.
So sánh sẽ là khập khiễng, song quy mô và giá trị sản xuất công nghiệp của Đà Nẵng đang tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực. Chưa cần nói tới Quảng Ngãi, Quảng Nam với Dung Quất, Chu Lai đã quá nổi bật, mà ngay cả Khánh Hòa cũng đã vượt mặt Đà Nẵng về giá trị sản xuất công nghiệp.
Năm 2013, Khánh Hòa đạt trên 40 ngàn tỷ đồng, trong khi Đà Nẵng còn kém khoảng 10 ngàn tỷ đồng. Thậm chí ngay trong cơ cấu kinh tế của TP, giá trị các ngành thương mại dịch vụ cũng đã tăng lên gần 60%, đẩy giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng giảm. Điều này cho thấy chiến lược phát triển kinh tế của Đà Nẵng đã thay đổi, song cũng thừa nhận một điều công nghiệp không còn là lựa chọn ưu tiên và đang chuyển sang công nghệ cao, CNTT.
Ảnh: Rất ít DN nội có đủ sức tiếp cận công nghệ mới là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới công nghiệp Đà Nẵng ngày càng tụt hậu. |
DN FDI đóng góp gì?
Năm 2013 đóng góp thuế của Nhà máy bia hơn 760 tỷ đồng, của Nhà máy cao su trên 70 tỷ đồng, thép Dana ý hơn 100 tỷ đồng, Nissan trên 60 tỷ đồng... Phần đa các DN đóng thuế lớn cho TP đều lấy thị trường nội địa chủ lực. Trong khi các DN FDI xuất khẩu rất lớn song hầu như chưa phải đóng thuế.
Đơn cử Mabuchi Morto - DN FDI lớn của TP, một trong những DN có giá trị xuất khẩu hàng đầu song chủ yếu vẫn chỉ nộp tiền thuê đất, trả lương công nhân, còn thuế (lợi tức) vẫn trong giai đoạn ưu đãi. Một con số cho thấy, trong quý I-2014, riêng khối FDI tại Đà Nẵng, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đã lên trên 2.800 tỷ đồng.
Có một thực tế là DN FDI chưa đóng góp được gì nhiều song nền kinh tế lại đang bị phụ thuộc vào DN FDI, đây là sự bất ổn. Năm 2013, Đà Nẵng xuất khoảng 1,2 tỷ USD, nhưng nhập hơn 900 triệu USD. Mặc dù xuất vẫn nhiều hơn nhập, song đóng góp giá trị vào phần xuất đó lại chủ yếu là DN FDI. Điều đó chứng tỏ DN FDI đang chi phối, còn DN trong nước thì nhỏ, làm gia công.
Một trong nhiều mục đích khi thu hút FDI là nhắm tới việc chuyển giao công nghệ. Song mục tiêu này cũng đang thất bại. Ông Phan Văn Kha nói, công nghiệp phụ trợ yếu, vai trò của DN mình chưa đủ sức để tham gia vào các chuỗi trong sản phẩm, như vậy làm sao chuyển giao công nghệ được. Đơn cử 1 chiếc ô-tô, hàng chục năm nay mình cũng đì đẹt tham gia cùng lắm được 20%, chủ yếu là thùng xe, vỏ bọc ghế, những thứ làm thủ công.
Trong khi với thời gian đó, Trung Quốc tiếp cận 100% công nghệ, Thái Lan tiếp cận 60% công nghệ. Đà Nẵng được phía Hàn Quốc chuyển giao cho khoảng 30 dây chuyền công nghệ, vận động mãi cũng chỉ được 10 DN tham gia. Nhưng khi sang Hàn Quốc tập huấn, tiếp quản dây chuyền công nghệ chỉ có 3 DN đi. Nói chung là họ cho không công nghệ song DN mình không đủ lực tiếp cận...
Qua câu chuyện trên đây, nói ngắn gọn và chính xác: Công nghiệp của Đà Nẵng đang tụt hậu thấy rõ.
Hải Hậu