Báo Công An Đà Nẵng

Công nghiệp Quảng Ngãi: Động lực mới cho sự phát triển

Thứ sáu, 24/07/2015 09:50

(Cadn.com.vn) - Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhìn nhận, phát triển công nghiệp ở Quảng Ngãi ngày càng khởi sắc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

NHÌN TỪ KKT DUNG QUẤT

Trong 6 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ 2014 và đạt 53% kế hoạch năm. Nhiều sản phẩm công nghiệp tăng trưởng khá, như: thủy sản chế biến, may mặc, gạch xây, dăm gỗ nguyên liệu giấy, sữa các loại, tinh bột mì và sản phẩm lọc hóa dầu...

Hiện, dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất, dự án đưa khí vào bờ tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, Khu công nghiệp (KCN), đô thị và dịch vụ VSIP - Quảng Ngãi đang được khẩn trương triển khai mở ra tiềm năng và triển vọng mới cho phát triển công nghiệp của tỉnh. Tại Khu kinh tế Dung Quất và các KCN khác của Quảng Ngãi, nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhiều DN xin đất để mở rộng quy mô sản xuất, người lao động có việc làm ổn định, thu nhập khá tình trạng DN nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của công nhân đã giảm rõ rệt.

Ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng Thường trực KKT Dung Quất cho biết, hiện nay, KKT Dung Quất thu hút 122 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 10,4 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 4,85 tỷ USD. Đã có 113 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 74 DN hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 14 nghìn lao động.

Giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu chiếm hơn 80% của cả tỉnh. Trong đó, nhiều nhà máy có vốn đầu tư lớn và là điểm nhấn của KKT Dung Quất như: Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, nhà máy chế tạo thiết bị nặng Doosan Vina, nhà máy Polypropylene, nhà máy đóng tàu Dung Quất, nhà máy nhiên liệu sinh học, các nhà máy công nghiệp cơ khí...

Ông Dũng nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2020, KKT Dung Quất vẫn giữ vững vai trò là hạt nhân tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi trên các lĩnh vực: Tốc độ, sản lượng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của tỉnh; tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2020, Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bên cạnh KKT Dung Quất thì 3 KCN khác tại Quảng Ngãi (KCN Tịnh Phong, KCN Quảng Phú, KCN Phổ Phong) cũng đang có tín hiệu khởi sắc cả về thu hút đầu tư, đóng góp cho ngành công nghiệp của tỉnh. Theo ông Nguyễn Đức On, Trưởng ban Quản lý các KCN Quảng Ngãi, đến nay, các KCN Quảng Ngãi thu hút được 91 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 6.531 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, có 7 dự án mới và 3 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký đầu tư là gần 514 tỷ đồng, vượt 256% kế hoạch năm...

Vận chuyển thiết bị lò hơi của Cty Doosan Vina lên tàu để xuất khẩu.

NHỜ ĐÂU KHỞI SẮC?

Chia sẻ về những thành quả công nghiệp Quảng Ngãi mang lại, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, xuất phát từ việc ưu tiên đầu tư cho ngành công nghiệp là cấp thiết, Quảng Ngãi đã ban hành một số chính sách ưu đãi để khuyến khích các DN đầu tư phát triển sản xuất, nhất là lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như lọc hóa dầu, cơ khí, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển... như: đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, trong đó, ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; tổ chức đối thoại trực tiếp với nhiều DN, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt những khó khăn, đề xuất của DN; chủ động triển khai các biện pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm; thực hiện khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho DN...

Ông Chữ nhấn mạnh, một tín hiệu đáng mừng là trong 6 tháng đầu năm có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư vào tỉnh, như dự án Khu đô thị cao cấp Ngọc Việt, Khu lâm viên đô thị Thiên Bút của Công ty Thiên Tân; các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh, dự án Nhà máy thép của Tập đoàn Tôn Hoa Sen, thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi; đồng thời, Chính phủ cũng đã chấp thuận việc đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm. Đây là các dự án có quy mô lớn, hứa hẹn là động lực thúc đẩy sự phát triển công nghiệp của tỉnh trong 5 năm đến.

Thực tế cho thấy các KCN Quảng Ngãi đang là sự lựa chọn và điểm đến an toàn cho các DN để đầu tư phát triển. Ông Ryu Hang, Tổng Giám đốc Cty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina (vốn đầu tư 300 triệu USD) cho biết: Khi chúng tôi sang Việt Nam khảo sát rất nhiều KCN để đầu tư nhưng cuối cùng chọn KKT Dung Quất vì những ưu đãi đầu tư và các thuận lợi khác chẳng hạn như thời gian thuê đất dài; các ưu đãi về giá thuê đất, thuế Thu nhập cá nhân và thu nhập DN cùng với các thuận lợi về cơ sở hạ tầng cảng biển nước sâu tại khu vực miền Trung.

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã và đang đến Quảng Ngãi để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Điển hình như mới đây tập đoàn Sembcorb Singapore dự định đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Dung Quất vốn đầu tư 2 tỷ USD; dự án thuộc Khu Công nghiệp - Đô thị và dịch vụ VSIP- Quảng Ngãi vốn đầu tư 140 triệu USD; tập đoàn Exxon Mobil Mỹ dự kiến đầu tư dự án điện khí hàng tỷ USD...

Với những chính sách đồng bộ về thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, Quảng Ngãi đã và đang trở thành điểm hẹn của các nhà đầu tư, là trung tâm kinh tế công nghiệp phát triển mạnh tại khu vực miền Trung.

Xuân Đương