Công nhân chắt chiu lo Tết
(Cadn.com.vn) - Dẫu đồng lương và thưởng Tết chẳng đáng bao nhiêu, nhưng những công nhân làm việc ở các khu công nghiệp ở Đà Nẵng vẫn góp nhặt từng đồng để lo Tết... Tranh thủ buổi tối hiếm hoi được nghỉ, chị Mai Thị Diệp (công nhân một xí nghiệp ở khu công nghiệp Hòa Cầm) lo đi sắm Tết cho gia đình. Dù đi đến rất nhiều cửa hàng, ngắm nghía từng bộ quần áo trẻ em, nhiều sản phẩm dường như rất ưng ý nhưng rồi chị lại lặng lẽ trả lại chỗ cũ. Cứ thế, sau gần 2 giờ đồng hồ chị vẫn chưa mua được phần quà nào cho con.
Với người công nhân, về quê ăn Tết hay ở lại thành phố để tiết kiệm tiền luôn là nỗi trăn trở. |
Hỏi, chị Diệp thật thà: “Tôi thích vài bộ quần áo nhưng giá đắt quá, mà tháng này chưa có lương, nên chỉ đi xem hàng thôi, lúc nào có tiền sẽ xuống mua”. Quê ở Buôn Ma Thuột, có chồng ở Quảng Nam nên mỗi lần đến Tết, chị Diệp bao việc phải lo, từ quần áo mới cho hai đứa con nhỏ đến quà Tết về cho gia đình nội, ngoại. Để có tiền lo Tết, từ nhiều tháng nay chị phải tăng ca liên tục, làm việc từ 10 giờ đêm đến sáng hôm sau, quần quật như thế nhưng tháng lương chỉ được gần 5 triệu đồng. “Lúc trước, vợ chồng tôi cũng mang con ra Đà Nẵng cho học, nhưng được một thời gian phải gởi về nội chăm giúp, chứ ở đây chi phí lớn quá, lương công nhân không đủ. Tết này tôi chỉ được công ty thưởng một thùng bia thôi, vì làm chưa đủ năm.
Nhưng dù thế nào cũng phải mua ít kẹo mứt, vài bộ đồ mới để bù đắp cho con”, chị Diệp tâm sự... Nhiều công nhân tôi gặp đều nói rằng, dù đồng lương chật vật nhưng vẫn góp nhặt để lo Tết. Vợ chồng anh Nguyễn Hùng (quê Yên Bái) mấy ngày qua đã chuẩn bị xong hành lý, chờ tuần sau là lên xe về quê. Trong số những hành lý ấy, không thể thiếu những món bánh kẹo là đặc sản của xứ Đà thành. Anh Hùng bảo, từ quê vào Đà Nẵng làm công nhân, đường xa cách trở nên chỉ có Tết là khoảng thời gian dài để về quê thăm gia đình. “Đi làm xa cả năm, Tết về chẳng lẽ không có quà cho gia đình nên vợ chồng tôi cũng gắng mua ít quà. Cả năm mới có cái Tết mà. Nhưng chỗ công ty cũng có người không về mà ở lại Đà Nẵng ăn Tết vì tiền tàu xe nhiều, nên họ dành dụm gởi về quê”-anh Hùng kể. Gia đình nào có người đến những thành phố lớn làm công nhân, mới hiểu sự mong ngóng của người thân mỗi dịp Tết đến.
Nhớ cách đây hơn chục năm, ở các vùng quê Quảng Nam, thanh niên cả làng rủ nhau vào vào TPHCM làm công nhân, nhà tôi có ba người chị cũng theo phong trào ấy. Mỗi khi gần đến Tết là cả làng trông ngóng, hỏi nhau con mình có về không. Có năm công ty hết việc nên lương ít, thưởng Tết cũng chẳng có nên các chị tôi gọi điện nói sẽ không về. Thế là không khí Tết dường như tan biến trên đôi mắt cha mẹ khi nghe tin ấy, nhưng rồi khi đến ngày 30 Tết, các chị lại bắt xe về quê. Mẹ hỏi thì các chị bảo: “Con vay tiền để về quê ăn Tết, chứ ở trong đó buồn chịu không được”.
Về quê ăn Tết hay ở lại thành phố là nỗi trăn trở của những người công nhân, bởi để được về quê sum vầy ngày Tết, họ phải đổi bằng những đêm trắng tăng ca. Ở Đà Nẵng, do công nhân phần lớn ở các tỉnh Quảng Nam hay Quảng Ngãi vì đường gần, chí phí tàu xe ít nên họ đều về quê ăn Tết, có ít trường hợp ở lại. Bạn Nguyễn Văn Triều (Bắc Trà My, Quảng Nam), công nhân một xí nghiệp ở khu công nghiệp Hòa Cầm chia sẻ, năm nay được thưởng Tết 2 triệu đồng nên chắc chắn sẽ về quê. Triều nói: “Như thế là mừng rồi anh, có nhiều công ty hết việc nên công nhân phải nghỉ Tết sớm, thưởng cũng không có. Khi nào nhận tiền lương và thưởng em sẽ đi mua quần áo cho cha mẹ và em. Tết mà, mình vất vả thêm xíu để mua sắm quà cho gia đình như thế là vui rồi”.
Hoàng Anh