Báo Công An Đà Nẵng

Công nhân ngụp lặn giữa cơn "bão giá"

Thứ sáu, 15/04/2022 15:30
Bữa cơm đạm bạc của những công nhân nghèo.

Sau giờ tan ca, chị Phượng - công nhân KCN Điện Nam - Điện Ngọc (TX Điện Bàn, Quảng Nam) tranh thủ ghé sạp rau ven đường mua mớ cá, bó rau về lo bữa cơm chiều. Nữ công nhân này, cho biết: Với giá cả như trước đây thì mức lương công nhân từ 5-7 triệu đồng/tháng chi tiêu cũng khá thoải mái và mỗi tháng có thể tiết kiệm vài ba triệu gửi về phụ giúp gia đình. Thế nhưng, với giá cả mỗi ngày một tăng, cộng thêm các khoản phải chi khác như mua kit test COVID, giá xăng tăng cao… nên bây giờ phải ăn uống tiết kiệm, chỉ dám mua những loại cá nhỏ và các loại rau giá rẻ.

Thật vậy, không riêng gì chị Phượng mà hàng ngàn công nhân khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Một ngày đầu tháng 4-2022, theo chân Thượng úy Nguyễn Văn Hạ- Cảnh sát khu vực Viêm Trung, P. Điện Ngọc, TX Điện Bàn đến thăm những công nhân đang thuê trọ tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh 3-4 công nhân chen chúc trong căn phòng lợp tôn, thấp lè tè, rộng chưa đầy 10m2 được thuê với giá 450.000 đồng/phòng. Lý giải vì sao phải sống trong cảnh cảnh nóng nực, chật chội, anh Liên- quê Quảng Bình, cho biết: Là đồng hương nên thích cảnh sớm tối có nhau và hơn nữa là muốn tiết kiệm chi phí để gửi tiền về quê giúp cha mẹ. Tương tự, vợ chồng chị M., cùng là công nhân nên ngoài việc trang trải cuộc sống còn phải lo tiền học cho con nên cũng chẳng mấy dư dả.

Theo nhiều người đã từng một thời làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương thì mức lương công nhân ở Đà Nẵng, Quảng Nam có thấp hơn song các khoản chi phí như tiền thuê trọ, giá cả thực phẩm… đều thấp nên vẫn "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, hiện nay đời sống có phần khó khăn so với trước đây. Thượng úy Nguyễn Văn Hạ, cho biết: theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng khu phố Viêm Trung có hơn 2.000 công nhân đang thuê trọ, đa số là dân ngoại tỉnh, người dân tộc thiểu số ở các huyện Tây Giang, Phước Sơn.

Anh A Lăng M. (trú xã A Xan, Tây Giang) tâm sự: Dù không còn giãn cách xã hội nhưng phải lo các chi phí phát sinh như mua kit test COVID, thuốc uống bồi bổ sức khỏe cộng thêm khoản giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng… đều tăng đã đẩy cuộc sống người công nhân vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn. Chị Lê Thị Chức (trú xã Điện Minh, Điện Bàn), công nhân công ty giày Rieker tại KCN Điện Nam-Điện Ngọc, trao đổi: Với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng nhưng không phải chi tiền trọ nên mỗi tháng tôi dư ra 3-4 triệu đồng để lo chuyện học hành cho 2 đứa con. Thế nhưng, khi xăng dầu tăng giá kéo theo giá các mặt hàng đều tăng, lương cơ bản vùng chưa tăng do đó phải chọn giải pháp tăng ca và tiết kiệm chi tiêu mới mong đắp đổi cuộc sống gia đình.

Theo ông Trương Đắc Hưng- Chủ tịch Liên đoàn Lao động TX Điện Bàn, từ thực tế của địa phương cho thấy với mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng thì người công nhân vừa đủ trang trải cho bản thân. Do đó, những người đã có gia đình hoặc phụ giúp cha mẹ phải chấp nhận tăng ca… để có tiền trang trải.

Cuộc sống công nhân ở Quảng Nam đã vậy, cuộc sống của công nhân tại TP Đà Nẵng cũng không sáng sủa hơn, vì tiền lương không cao hơn bao nhiêu nhưng các khoản chi phí như tiền thuê trọ, giá thực phẩm, điện nước… đều cao hơn nhiều. Bà Phạm Thị Tài (1963)- chủ khu nhà trọ tại P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, trao đổi: Những công nhân thuê trọ tại đây đều đến từ các vùng quê nghèo ở các tỉnh miền Trung nên tất cả đều khó khăn. Khi dịch chưa xảy ra, giá cả chưa tăng, đời sống các công nhân còn có "đồng ra đồng vào" nhưng nay muốn gửi tiền về giúp gia đình phải tằn tiện mọi khoản chi tiêu.

Những gì đang xảy ra cho thấy đời sống của người công nhân tại các KCN còn quá nhiều những khó khăn và mãi ngụp lặn giữa cơn bão giá vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hy vọng, Nhà nước và các chủ doanh nghiệp sớm có "lời giải" để đời sống người lao động được cải thiện theo hướng tốt hơn.

M.T