Báo Công An Đà Nẵng

Công nhân và nỗi... "sợ" Tết

Thứ ba, 31/12/2019 20:00

Trong những ngày cận kề Tết, khi mà các loại mặt hàng tăng cao thì với đồng lương ít ỏi, vốn chẳng dư dả nhiều khiến cho đời sống người lao động (NLĐ) tại các Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất (KCX) tại Đà Nẵng càng trở nên khó khăn. Họ phải xoay xở nhiều cách, chi tiêu tằn tiện, kham khổ để lo cho cuộc sống không chỉ của bản thân mà còn cả con cái, gia đình ở quê.

Bữa cơm tối đơn sơ nhưng ấm áp của vợ chồng công nhân Lê Phước Nam và chị Trần Thị Hồng.

Dạo quanh một số KCN, KCX tại TP Đà Nẵng, không khó bắt gặp những phòng trọ nhỏ bé, xập xệ được nhiều NLĐ lựa chọn để làm nơi trú ngụ, tá túc sau mỗi ngày làm việc vất vả, mệt nhọc. Theo nhiều công nhân, với đồng lương ít ỏi, eo hẹp cộng với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao thì những phòng trọ nhỏ với giá thuê thấp chính là lựa chọn hàng đầu của họ. Mặc dù trong những năm qua, nhằm giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho NLĐ, Đà Nẵng đã triển khai xây dựng, mở bán nhiều căn hộ chung cư xã hội giá ưu đãi. Nhưng thực tế, với 126.729 đoàn viên công nhân, với mức lương trung bình 5,79 triệu đồng/tháng (theo số liệu từ LĐLĐ TP Đà Nẵng), cùng với giá cả và những quy định riêng đối với từng đối tượng được thuê, mua nhà chung cư thì việc NLĐ sở hữu một nơi để "an cư" thật sự rất khó khăn.

Trong căn trọ nhỏ, chật chội chưa đầy 15m2 tại P. Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) của vợ chồng anh Lê Phước Nam (32 tuổi - công nhân Công ty thép Việt Mỹ - KCN Hòa Khánh) và chị Trần Thị Hồng (31 tuổi - công nhân Công ty Matrix - KCN Hòa Khánh) đầy ắp đồ gia dụng, áo quần... Vợ chồng anh Nam rời vùng quê nghèo ở H. Đại Lộc (Quảng Nam) ra làm việc trong KCN Hòa Khánh gần 2 năm nay. Hàng tháng, tổng thu nhập của anh chị gần 12 triệu đồng. Với chi phí ăn ở ngày càng tăng cao, cộng việc nuôi 2 cháu nhỏ đang ở tuổi ăn học, hai vợ chồng chỉ để dành được khoảng 2 triệu đồng/tháng. Anh Nam cho biết: "Hàng ngày, tôi phải làm những công việc nặng, phải đối diện với mùi khó chịu, độc hại của sắt, thép. Biết là có hại cho sức khỏe, nhưng nếu không nỗ lực làm việc thì lấy đâu ra tiền để lo cho vợ, cho con". Với vợ chồng anh Nam, mơ ước có một ngôi nhà nhỏ chính là niềm mong mỏi bấy lâu nay, nhưng thực tế, với mức lương "chỉ đủ sống" như hiện tại thì rất khó cho họ thực hiện được mong muốn đó.

Căn trọ nằm sâu trong kiệt số 129, đường Phạm Như Xương (Đà Nẵng), nơi vợ chồng chị Võ Thị Tường Ngọc (29 tuổi - làm việc tại Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng - KCN Hòa Khánh) và anh Lê Công Tính (34 tuổi, làm nghề thợ sơn tự do) đang ở, vật dụng có giá trị nhất của gia đình chỉ là chiếc tủ lạnh cũ. Sau hơn 8 năm làm công nhân tại Đà Nẵng, hiện tại, với tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng, nhưng phải trang trải cho tất cả chi phí ăn, ở, sinh hoạt và gửi về nuôi con 6 tuổi ở quê, thì số tiền dành dụm được của hai vợ chồng trong ngần ấy năm không đáng là bao nhiêu. Trung bình hàng tháng, chị Ngọc thu nhập gần 8 triệu đồng, nhưng khoảng 40% số tiền lương chính nhờ vào tăng ca, làm thêm. "Còn trẻ, còn khỏe thì còn "cày" thêm vài năm nữa để tích vốn về quê làm ăn, chứ như tình hình đất đai, chi phí ăn ở ngày càng đắt đỏ, thì vợ chồng chúng tôi không đủ cơ sở mua đất, lập nhà tại Đà Nẵng", chị Ngọc cho biết.

Đời sống bấp bênh, khó khăn của NLĐ là thực tế. Tuy nhiên, còn đó không ít những công ty, doanh nghiệp vẫn xảy ra tình trạng tăng ca, làm thêm giờ, nợ lương, nợ tiền bảo hiểm... Mới đây nhất, vào cuối tháng 11 vừa qua, TAND Q. Liên Chiểu đã tuyên thắng kiện cho 196 NLĐ bị Công ty TNHH MTV TBO Vina (Công ty TBO) nợ lương, nợ tiền bảo hiểm. Theo cáo trạng, vào tháng 7-2018, ông chủ Kim Sang Bong (người Hàn Quốc) của Công ty TBO về nước đã để lại khoản nợ lương, BHXH gần 14 tỷ đồng, khiến gần 500 NLĐ điêu đứng. Theo đó, Công ty TBO nợ 55% tiền lương tháng 6 và 100% tiền lương tháng 7-2018. Từ tháng 11-2016 đến 7-2018, công ty này không đóng tiền BHXH cho gần 500 NLĐ, trong khi hàng tháng vẫn trừ tiền bảo hiểm của NLĐ với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng. Trong quá trình xét xử, đại diện bị đơn là Công ty TBO vắng mặt. Tuy nhiên, với những chứng cứ không thể chối cãi, TAND Q. Liên Chiểu đã buộc công ty này phải trả tiền lương cộng với các khoản phụ cấp còn nợ cho NLĐ. Đồng thời, Tòa án yêu cầu phải chuyển trả tiền nợ BHXH của NLĐ vào quỹ BHXH, để NLĐ có thể cập nhật quá trình tham gia BHXH trong thời gian làm việc tại công ty.

Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc. Đây cũng là thời điểm mà tiền lương, thưởng, tiền vé xe, vé tàu và sự biến động của thị trường hàng tiêu dùng là những vấn đề mà NLĐ quan tâm nhất. Theo thông tin từ LĐLĐ TP Đà Nẵng, phải đến đầu tháng 1, các Công đoàn cơ sở mới có báo cáo chính thức về tiền lương, thưởng cho NLĐ. Hiện tại, LĐLĐ TP cũng bắt đầu triển khai công tác tổ chức các hoạt động như "Chuyến xe Công đoàn"; tổ chức "Ngày hội Công nhân - phiên chợ tình nghĩa"; trao quà cho công nhân lao động nghèo... Bên cạnh đó, với tình hình thị trường hàng hóa, thực phẩm trong thời gian qua ngày càng tăng cao, Sở Công Thương TP Đà Nẵng đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa nhằm phục vụ dịp Tết sắp tới; đồng thời, sẽ mở thêm những điểm bán hàng thực phẩm và thịt heo bình ổn giá phục vụ NLĐ... Với sự vào cuộc của chính quyền Đà Nẵng, hy vọng, NLĐ sẽ yên tâm, đón Tết Canh Tý 2020 no đủ, hạnh phúc.

NGỌC QUỐC