"Cõng" sách lên núi
Chứng kiến cảnh những đứa trẻ miền núi thiếu thốn, không có điều kiện để tiếp cận với văn hóa đọc, cô thủ thư Nguyễn Thị Lệ Thu, cán bộ thư viện Trường Tiểu học A Bung (H. Đakrông, Quảng Trị) đã ky cóp những đồng lương ít ỏi của mình, vận động Mạnh Thường Quân để mua sách, làm đầy thêm tủ sách ở bản làng vùng cao, cho các em học sinh có cơ hội tiếp cận văn hóa đọc, mở mang tri thức.
Cô Thu cùng trẻ bên tủ sách do mình vận động được. |
Chị Nguyễn Thị Tim, ở bản Cu Tài 2, xã A Bung vừa nhanh tay xếp lại những cuốn sách lên kệ ngay ngắn, phấn khởi nói: "Từ ngày có tủ sách đặt ở nhà tui, các cháu trong bản sau giờ học không còn lang thang lêu lổng nữa, chúng tập trung về đây đọc sách, rồi kể cho nhau nghe những câu chuyện hay trong sách đó. Người lớn như chúng tôi cũng đọc ké các cháu". Chị Tim nhắc đến tên cô Thu - người "cõng" sách lên núi bằng chất giọng trầm ấm đầy trìu mến. Chị dành hẳn phần không gian sáng nhất ngôi nhà để kê hai giá sách với hơn 300 đầu sách đủ các thể loại.
Câu chuyện của chị Tim thôi thúc chúng tôi tìm gặp cô Nguyễn Thị Lệ Thu. Sinh ra và lớn lên ở xã Triệu Tài, H. Triệu Phong, Quảng Trị, thời cắp sách đến trường, Thu được bạn bè quý mến, nể phục bởi thành tích học tập giỏi và tính tình vui vẻ, hòa đồng. Thu kể, nghề thủ thư đến với cô như cơ duyên mà trước đó, ngày còn ngồi trên ghế nhà trường cô chưa hề nghĩ đến. Nhắc đến Thu, nhiều bạn bè đồng trang lứa và cả người dân trong vùng ngày đó đều nhớ đến một cô bé thân hình nhỏ thó, có cuộc sống khó nghèo. Lên lớp 9, ba Thu ngã bệnh và qua đời ít lâu sau đó; một mình mẹ cô với gánh nặng 5 miệng ăn. Thương mẹ, nhiều lần Thu năn nỉ mẹ cho nghỉ học để ở nhà đỡ đần công việc đồng áng, nhưng mẹ nhất quyết không chịu cho con nghỉ học. Nghe lời mẹ, Thu vừa gắng học, vừa tranh thủ giúp mẹ việc nhà. Tốt nghiệp THPT, Thu nghĩ làm sao để có thể ra trường một cách nhanh nhất, có công ăn việc làm đỡ đần mẹ. Thu nhớ lại: "Đó là năm đầu tiên trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị tổ chức thi tuyển sinh viên Khoa Cao đẳng Thư viện. Ngành học này thời điểm ấy còn ít bạn học sinh thi vào, trong khi nghề thủ thư vẫn là nhu cầu lớn đối với các thư viện trong tỉnh. Đắn đo mãi, Thu quyết định chọn thi vào đỗ ngành thủ thư". Khoảng vài tháng sau ngày tốt nghiệp cao đẳng, Thu nộp đơn thi tuyển vào trường Tiểu học A Bung và được nhận. Ước mơ thành sự thật!
Nhận quyết định, cơm đùm gạo bới lên vùng cao, nhưng cô gái trẻ ấy chưa hình dung được hết những khó khăn mà mình phải đối mặt. "Hồi mới lên đây, em chưa quen được nên buồn lắm. Ngày nào em cũng chỉ có một mình vào ra hoặc ngồi ru rú trong căn phòng nhỏ hẹp dành cho thư viện với chỉ vài chục đầu sách. Các em học sinh ở đây lại chẳng mấy khi tìm đến mượn sách đọc. Đêm thì rừng núi hoang vắng, chỉ tiếng thạch sùng là rõ nhất", Thu kể lại. Nhiều lần Thu nghĩ đến chuyện về xuôi, kiếm việc khác nhưng nghĩ đến mẹ, Thu lại chùng lòng. "Nếu không thể về xuôi thì phải thay đổi chính công việc nơi mình đang làm!", Thu nghĩ. Hôm sau, cô vui vẻ bước ra sân trường, tiếp cận từng đứa học trò để trò chuyện. Sau khi tạo được không khí vui vẻ, cô bắt đầu nói cho trò nghe về các chủ đề sách, kể các câu chuyện đầy hấp dẫn. Chính điều đó đã tạo ra sự thay đổi ở học trò. Nhiều hôm sau, trò đến trường sớm hơn và mong nhanh đến giờ ra chơi để nghe cô đọc sách, kể chuyện sách… Dần dà Thu kéo được trò vào thư viện mượn sách.
Một vấn đề khác nảy sinh sau khi tạo được không khí đọc, đó là những đầu sách ít ỏi trong thư viện đã được đọc hết. Cô và trò lại đọc thêm lần nữa và… nhiều lần nữa. Thu đem chuyện thiếu sách tâm sự với chồng. May mắn thay, người chồng của cô rất tâm lý, gợi ý cho cô nên trích một chút tiền lương để mua thêm sách, còn anh đỡ đần thêm việc trang trải cuộc sống. Được sự ủng hộ từ chồng, Thu trích nửa tháng lương, chọn mua những đầu sách hay. Rồi cô nghĩ thêm cách vận động các Mạnh Thường Quân giúp đỡ. Có sách rồi nhưng thiếu chỗ đựng, Thu lại về quê nhờ bác thợ mộc trong xóm đóng hộ cho những cái kệ sách rồi buộc chúng lên xe, chở ngược lên rừng. Khi có nhiều sách, Thu mang vào các bản trong xã tặng cho các cháu học sinh và bà con.
Không để các "thư viện" của mình nằm yên thiếu sách, Thu vừa vận động mua sách vừa luân chuyển các đầu sách ở các tủ sách trong bản để làm mới chúng, tạo hứng thú cho người đọc. Mới đây, Thu còn xây dựng một tủ sách ở nhà ba mẹ chồng ở xã Cam Nghĩa, H. Cam Lộ, Quảng Trị, với trên 500 đầu sách. Một tủ sách khác cũng có trên 500 đầu sách được đặt tại nhà mẹ đẻ của cô ở xã Triệu Tài…
Kết thúc buổi làm ở trường, bắt đầu hành trình đến kiểm tra các tủ sách cộng đồng ở các nhà dân, Thu bảo: "Hạnh phúc nhất của một người thủ thư là nhìn các em đam mê đọc sách. Sách không chỉ là nguồn tri thức mà còn là nguồn lực tinh thần để cải thiện xã hội trở nên ngày một tốt hơn, xoa dịu, làm lành những vết thương, hướng con người ta đi đến những cái đích tốt đẹp của cuộc đời". Cứ thế, mỗi ngày, cô thủ thư vùng cao ấy lại âm thầm nhen nhóm ước mơ đưa văn hóa đọc về vùng cao, vùng sâu.
UYÊN NGỌC