Báo Công An Đà Nẵng

Công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Thứ năm, 16/08/2018 12:02

Ngày 15-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề: Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng dự Phiên toàn thể có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tham dự phiên họp.

ĐA DẠNG HÓA XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Giai đoạn 2016 – 2018, ngành ngoại giao đã làm tốt việc bồi đắp khuôn khổ quan hệ chính trị mật thiết với các đối tác chủ chốt để tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư song phương, đặc biệt chú trọng thúc đẩy các dự án hải đăng. Chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến mới mẻ và đa dạng như Tuần, Ngày Việt Nam ở nước ngoài, kết hợp triển khai các hoạt động xúc tiến bên lề các hoạt động đối ngoại, sản xuất nhiều ấn phẩm quảng bá cơ hội thương mại, đầu tư. Khai thác ưu thế và phạm vi bao phủ của mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để triển khai hàng trăm hoạt động xúc tiến, quảng bá đa dạng về quy mô, hình thức, chủ đề và đối tượng tiếp cận. Ngành ngoại giao cũng đã bước đầu đổi mới cách làm, tập trung xúc tiến có lựa chọn một số mặt hàng, đặc biệt là hàng nông sản.

Tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đến thị trường - yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng sản xuất hàng hóa trong nước, nhất là các mặt hàng nông sản. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị ngành ngoại giao, các đại sứ, trưởng đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị chức năng của Bộ, thường xuyên trao đổi thông tin, qua đó nâng cao hiệu quả việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Cho rằng những thành tựu hợp tác kinh tế, đầu tư sẽ tăng cường kết nối giữa các Chính phủ, ông Lê Đăng Dũng, phụ trách Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực, quan trọng của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài. Lãnh đạo Viettel cũng đề nghị ngành ngoại giao tập trung nguồn lực vào các địa bàn trọng điểm, làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối, kết nối doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư ở nước ngoài.

PHÁT HUY VỊ THẾ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM

Phân tích tình hình khu vực và thế giới, Thủ tướng cho rằng, thế giới chuyển động nhanh và thách thức phát triển của Việt Nam. Nhấn mạnh đến yêu cầu hàng đầu của công tác đối ngoại phải góp phần gìn giữ cho một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển, Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao cần làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ bất biến-Ứng vạn biến”. Thủ tướng cho rằng: Những nhà ngoại giao tài năng nhất chính là những người biết truyền cảm hứng sâu sắc, những người kể chuyện xuất sắc nhất cho bạn bè quốc tế về lịch sử dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao ưu tiên nhiệm vụ phát huy vị thế chiến lược của Việt Nam, tạo lập và củng cố vị thế này. Bộ Ngoại giao cần phối hợp liên ngành để tìm ra những phương thức sáng tạo, linh hoạt, nâng cao vị thế quốc gia, khai thác những điểm thuận, khắc phục những điểm bất đồng và điều quan trọng là tạo ra các cơ hội gìn giữ hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển. Công tác đối ngoại phải đóng góp tích cực cho phát huy nội lực, cho những cân đối vững chắc của nguồn lực quốc gia.

Hoan nghênh chủ đề của hội nghị đã xác định phương châm chủ động, sáng tạo, hiệu quả, chủ động trong đối ngoại, Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao không chỉ kịp thời tận dụng cơ hội thuận lợi, kịp thời ứng phó biến động mà cần hướng tới tính làm tốt công tác dự báo chiến lược, công tác tham mưu cho Chính phủ và cả các bộ ngành.

Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế hợp tác đa phương, nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, thúc đẩy đồng bộ các lĩnh vực với hợp tác kinh tế là trọng tâm. “Công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới. Đây là một quan điểm, tinh thần chỉ đạo mới cần quán triệt”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng gợi ý Bộ Ngoại giao cần xây dựng tiêu chí về sự hài lòng của doanh nghiệp để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

“Hoạt động của sứ quán không chỉ phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn phục vụ các địa phương, các doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước để phát triển kinh tế bởi đây là nhiệm vụ trọng tâm”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị ngành ngoại giao cần làm tốt nhiệm vụ ngoại giao chính trị một cách nhuần nhuyễn, từ đó làm tốt ngoại giao kinh tế.

THU THỦY – TTXVN