Công trình chậm tiến độ vì cán bộ máy móc
Trong cuộc họp gỡ vướng tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn Đà Nẵng ngày 21-4, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ phê bình gay gắt một số cán bộ làm việc máy móc, thiếu sáng tạo, chỉ lo an toàn cho mình.
Ông Thơ nói, cán bộ chỉ nghĩ đừng sai, an toàn cho mình thôi còn kệ nó muốn chạy đâu thì chạy, thử hỏi sao công trình không chậm được.
Nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ so với kế hoạch. |
Nhìn quanh đều chậm
Đến 20-4, trong 50 công trình trọng điểm dùng ngân sách TP mới chỉ có 1 công trình hoàn thành là bãi đỗ xe 255 Phan Châu Trinh, 13 công trình đang thi công vướng mặt bằng, 10 công trình đã hoàn thành chủ trương đầu tư nhưng chậm thủ tục khởi công, 8 công trình chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, cần hoàn thành sớm trình kỳ họp giữa năm của HĐND TP. Điều đáng nói, phần lớn các dự án chậm trễ không phải do cơ chế, chính sách mà do công tác phối hợp, sự chủ động, quyết tâm của các đơn vị chưa cao. Đơn cử như dự án khơi thông sông Cổ Cò (nạo vét lòng sông, kè gia cố dọc sông, cải tạo cảnh quan các tuyến đường ven sông, nâng cấp cầu Biện) hiện chậm tiến độ so với Quyết định 5999 của TP. Theo kế hoạch, năm nay bố trí hơn 178 tỷ đồng cho dự án này, nhưng việc chậm trình tự thủ tục sẽ chậm khởi công, ảnh hưởng tới giải ngân vốn, đặc biệt phần vốn TW hơn 146 tỷ đồng có thể bị thu hồi nếu giải ngân chậm. Lãnh đạo BQL dự án này cho biết trong tuần này sẽ phê duyệt chọn nhà thầu. Tương tự với dự án mở rộng, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ cũng chậm tiến độ so với kế hoạch, dự kiến 30-6 mới khởi công.
Một số dự án hiện chậm thủ tục để trình HĐND TP phê duyệt, một phần do cách làm máy móc, chưa sáng tạo. Chẳng hạn dự án đầu tư mới các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, kết hợp công năng phân loại và xử lý trung gian các loại chất thải rắn hiện đang lập quy hoạch chi 1/500 để lấy ý kiến đóng góp của người dân, dự kiến tháng 7 tới mới xong thủ tục để trình HĐND TP. Ông Thơ nói, các dự án này chủ yếu là quyết định công nghệ xử lý, còn về qui hoạch 1/500 không nhất thiết phải máy móc theo qui trình, chỉ cần Sở Xây dựng xác nhận phù hợp với qui hoạch. Vì vậy ông Thơ yêu cầu đẩy nhanh thủ tục để trình HĐND TP ngay kỳ họp ngày 5-5 tới.
Với dự án Xây dựng hạ tầng khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao hiện cũng chậm tiến độ so với kế hoạch. Ông Thơ nói, nếu cách làm cũ vướng thì chủ động nghĩ phương pháp mới. Thay vì chủ động đầu tư các hạng mục công trình trong khu đất này vừa tốn ngân sách vừa không phù hợp với yêu cầu sử dụng của NĐT sau này thì nên xây dựng cơ chế chính sách hấp dẫn, công khai rộng rãi để thu hút các NĐT. Nếu không có NTĐ nào hưởng ứng thì sẽ lựa chọn NĐT theo yêu cầu của TP. Ông Thơ giao huyện Hòa Vang cuối tháng 5-2020 phải hoàn thành và công bố chính sách thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng khu, vùng nông nghiệp CNC.
Hiện 13 dự án trọng điểm đang vướng về mặt bằng, chậm tiến độ. Trong đó, vướng chủ yếu liên quan tới đất TĐC, TP phải nợ đất TĐC còn người dân thì muốn TĐC tại chỗ. Đơn cử tuyến đường Tuyên Sơn- Túy Loan người dân Hòa Nhơn chủ yếu muốn TĐC tại chỗ, song việc qui hoạch, xây khu TĐC gần 20ha tại đây lại đang khó khăn. Ông Thơ chỉ đạo sớm tìm đất, qui hoạch tại Hòa Vang 4-5 khu đô thị mỗi khu rộng trên 100 ha đầy đủ hạ tầng hiện đại, kết nối đồng bộ trong bán kính 10 km để khi có dự án đưa người dân về TĐC thay vì làm manh mún, nợ đất TĐC như hiện nay. Phó chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cũng cho rằng, việc nợ đất TĐC hiện các quận huyện mới rà soát số lượng nhưng qua kiểm tra hồ sơ TĐC rất phức tạp, tính pháp lý chưa đầy đủ. Vì thế không tháo gỡ vướng về pháp lý các hồ sơ này sẽ không giải quyết được đất TĐC cho người dân. Các quận huyện phải xử lý ngay. Những thủ tục khác có thể chậm trễ nhưng nợ đất TĐC chậm trễ 1 ngày rất nguy hiểm.
Thủ tục trình HĐND TP cho chủ trương đầu tư các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC hiện đang chậm trễ. |
Phải xáp vào việc
Ông Thơ nói rằng 2 cái vướng nhất là đền bù giải tỏa và thủ tục. Những thủ tục nhỏ, dích dắc nhưng không ngồi lại xử lý, đẩy qua đẩy lại. Ông giám đốc sở này phải rút điện thoại gọi ông giám đốc sở khác, trao đổi vấn đề này xử lý thế nào để tháo gỡ vướng mắc cho dự án. Đằng này phóng một cái công văn, tham mưu trình lên ký rẹt thế là xong. Nên nó đi mãi, có về hay không không cần biết. Theo ông Thơ, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hiện Đà Nẵng đã phục hồi một số hoạt động, trong đó có giải quyết thủ tục hành chính, như thế mới thúc đẩy xây dựng cơ bản được. Lúc giãn cách xã hội việc đền bù giải tỏa không làm được, hồ sơ đền bù, tiếp dân không thực hiện được nên đình trệ. Hiện trở lại làm việc bình thường cần đẩy nhanh tiến độ công việc để khắc phục thời gian vừa rồi do dịch chậm trễ nhiều.
Hiện đầu tư xã hội đã đứng, trông chờ vào đầu tư công để bù đắp sự giảm sút của tăng trưởng kinh tế. Ông Thơ nói: Phải chủ động, có giải pháp,đừng nghĩ việc này của ban này Sở kia, phải xáp vô để thấy việc này chậm, trở ngại, phải đưa ra sáng kiến để giải quyết, như thế mới gọi là làm. Bởi vì con người làm công chức, làm lãnh đạo, chứ không phải sắm một cái máy để làm lãnh đạo. Con người làm việc phải biết nó trục trặc, vướng mắc chỗ nào cần tháo gỡ. Đừng có kiểu vứt một cái văn bản thế là xong để mà đợi họ đi năn nỉ mới giải quyết được. Cán bộ mà làm thế không vừa lòng tí nào. Cán bộ mà chỉ nghĩ đừng sai, an toàn cho mình thôi còn kệ nó muốn chạy đâu thì chạy, làm thế sao không chậm được.
HẢI QUỲNH