Công ty Điện lực Đà Nẵng tăng cường các giải pháp đảm bảo cấp diện mùa khô 2024
*-PV: Mùa khô sẽ là thời điểm sản lượng điện tiêu thụ tăng cao có khả năng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, ngành điện đã có sự chuẩn bị gì cho tình huống nói trên?
*-Ông Nguyễn Đình Tuân: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia thì năm 2024 này hiện tượng Elnino vẫn còn tiếp diễn, mùa khô đến sớm hơn so với mọi năm (tháng 4,5,6,7). Dự báo nhiệt độ một số khu vực Miền trung cao hơn mùa khô các năm 1-1,5 độ C. Thời tiết sẽ nắng nóng, nhu cầu phụ tải điện tăng cao. PC Đà Nẵng dự báo công suất phụ tải ngày cực đại năm 2024 đạt 664 MW (không bao gồm nguồn điện mặt trời mái nhà), tăng 8,0% so với năm 2023 và đạt 703 MW (bao gồm nguồn điện mặt trời mái nhà), tăng khoảng 7,5% so với năm 2023, công suất cực đại ghi nhận mùa khô tháng 6-2024. Và dự báo sản lượng điện nhận ngày cực đại cũng như sản lượng điện nhận năm 2024 đều tăng từ 6,5 đến 7% so với năm 2023. Trong các tháng mùa khô, nhu cầu sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp tăng đột biến, nhất là các khu vực dịch vụ du lịch, khách sạn, sản xuất, công nghiệp… Điều này đặt ra nhiều khó khăn và thách thức cho Cty, đặc biệt là việc đảm bảo cấp điện ổn định và liên tục, giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ trước lượng điện tiêu dùng tăng cao.
*-P.V: Cty đã chủ động triển khai những công tác gì để góp phần đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô năm 2024, thưa ông?
*-Ông Nguyễn Đình Tuân: Trước tình hình đó PC Đà Nẵng đã và đang triển khai các công tác nhằm đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ngay từ cuối năm 2023, PC Đà Nẵng đã chủ động chuẩn bị cho công tác cấp điện mùa khô năm 2024 và yêu cầu các đơn vị rà soát, cập nhật, tiến hành phân tích đánh giá số liệu và tính chất phụ tải theo từng khu vực, đặc biệt là khách hàng sử dụng với mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/tháng trở lên và các khách hàng sử dụng điện ưu tiên đã được UBND thành phố phê duyệt. Trên cơ sở đó, Cty đã xây dựng phương thức vận hành, các kịch bản cấp điện, phương án điều khiển công suất và thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô và cả năm 2024. Cụ thể, Cty triển khai công tác sửa chữa, bảo trì, xử lý dứt điểm các tồn tại, đẩy nhanh đầu tư xây dựng lưới điện. Từ tháng 9-2023 đến những tháng đầu năm 2024, PC Đà Nẵng đã thực hiện nhiều hạng mục cải tạo, đầu tư nâng cấp, triển khai các công trình hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trung hạ thế, đặc biệt là các công trình cần thiết phải đưa vào vận hành trước hè năm 2024. Cụ thể là nâng công suất TBA 110kV Liên Chiểu; nâng công suất TBA 110kV Cầu Đỏ; Lắp máy 2 TBA 110kV Hòa Xuân; sửa chữa đường dây 110kV Đà Nẵng – Đại Lộc mạch 1; sửa chữa thay thế cách điện bị lão hóa từ VT 385 đến VT 415 đường dây 110kV mạch kép Huế – Đà Nẵng; sửa chữa đường dây 110kV Ngũ Hành Sơn – An Đồn (mạch đơn); sửa chữa đường dây 110kV 174 & 175/T500 Đà Nẵng; sửa chữa móng cột tại một số vị trí các đường dây 110kV… Ngoài ra, Cty đã xây dựng mới nhiều đường dây trung hạ áp, nâng tiết diện dây dẫn, nối lưới giữa các xuất tuyến nhằm san tải, nâng cao khả năng cung cấp điện, khả năng liên kết lưới điện và linh hoạt chuyển tải qua lại với nhau tại các khu vực…
*-P.V: Đối với công tác vận hành lưới điện, PC Đà Nẵng đã có phương án gì để đảm bảo tránh quá tải hoặc nguy cơ đầy tải trong điều kiện nắng nóng kéo dài?
*-Ông Nguyễn Đình Tuân: Thông qua hệ thống “SCADA”: Giám sát, Điều khiển, thu nhập dữ liệu từ xa”, PC Đà Nẵng thường xuyên theo dõi tình hình mang tải các đường dây và trạm biến áp (TBA) 110kV để kịp thời thay đổi kết dây lưới điện 22/110kV phù hợp, vận hành các TBA 110kV ở chế độ tối ưu đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy cho hệ thống. Thông qua hệ thống đo xa, Cty thường xuyên theo dõi công suất mang tải các TBA phân phối, kịp thời hoán chuyển các MBA phân phối 22/0.4kV phù hợp tránh quá tải; bổ sung đường dây hạ áp các TBA để tránh quá tải đường dây hạ áp. Cty cũng yêu cầu các đơn vị trong quá trình sửa chữa, bảo trì và xây dựng mới lưới điện, các đơn vị thuộc Cty áp dụng công nghệ nhằm hạn chế tối đa thời gian mất điện ảnh hưởng khách hàng như: sử dụng máy biến áp lưu động, công nghệ sửa chữa nóng lưới điện, vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao… Trong công tác vận hành lưới điện, PC Đà Nẵng chỉ đạo các điện lực trực thuộc tăng cường kiểm tra kỹ thuật lưới điện, đặc biệt lưu ý các trạm biến áp phân phối, đường dây quá tải hoặc có nguy cơ đầy tải trong mùa khô 2024 để từ đó có giải pháp nâng công suất, san tải kịp thời.
*-P.V: Ông có thể nói thêm về vai trò của công nghệ thông tin được PC Đà Nẵng ứng dụng trong việc giải quyết các công tác vận hành, xử lý khi có sự cố xảy ra để đảm bảo hệ thống điện hoạt động hiệu quả nhất?
*-Ông Nguyễn Đình Tuân: PC Đà Nẵng đã ứng dụng tối đa CNTT trong các công tác SXKD, vận hành hệ thống. Đầu tiên phải kể đến vai trò của Trung tâm điều khiển lưới điện Đà Nẵng với chức năng giám sát, điều khiển thời gian thực các thiết bị điện trên lưới điện nhằm hỗ trợ nhân viên vận hành, nhân viên kỹ thuật trong việc theo dõi online tình trạng làm việc các thiết bị, mức mang tải… Từ những cảnh báo của hệ thống đã hỗ trợ rất nhiều cho nhân viên vận hành các đơn vị trong việc theo dõi tình hình đầy tải, quá tải các đường dây và TBA phân phối, kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng bất thường trong vận hành. Cty cũng tăng cường khai thác dữ liệu giám sát, đo đếm từ xa, hệ thống camera từ các trạm biến áp 110kV và các trạm phân phối 22kV để phát hiện sớm các hiện tượng bất thường cũng như mở rộng hệ thống lưới điện thông minh. Trong trường hợp có sự cố xảy ra, các đơn vị trực thuộc nghiêm chỉnh chấp hành theo phương châm “chuyển tải trước, xử lý sự cố sau”, thời gian thực hiện đảm bảo dưới 5 phút. Một điểm nổi bật nữa trong việc ứng dụng CNTT là ứng dụng “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa” đã hỗ trợ ngành điện phát hiện kịp thời chạm chập, rò rỉ điện trong nhân dân: hạn chế tối đa phát sinh tiền điện tăng cao, tránh các nguy cơ mất an toàn trong sử dụng điện. Sau khi triển khai thành công tại PC Đà Nẵng năm 2020, từ hiệu quả thiết thực mang lại, đến nay ứng dụng đã được triển khai rộng rãi toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
*-P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
PHƯƠNG KIẾM (thực hiện)