COP28: Hướng đến mục tiêu ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Tham dự hội nghị thượng đỉnh có lãnh đạo và đại diện của 197 bên tham gia công ước, trong đó có hơn 140 nguyên thủ và thủ tướng chính phủ các nước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cùng lãnh đạo hàng chục tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế lớn trên thế giới, nhiều tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức phi chính phủ.
Các đại diện tham dự kỳ vọng COP28 sẽ đưa ra được các hành động khí hậu tham vọng và quyết liệt hơn nữa trên cơ sở tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế. Các nhà lãnh đạo cho rằng COP28 là niềm hy vọng của thế giới, đánh dấu bước ngoặt mang tính chuyển đổi, trên cơ sở đánh giá tổng thể tiến bộ đạt được kể từ khi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu được thông qua năm 2015 sẽ đề ra phương hướng hành động cho thời gian tới. Trong đó, các hành động khí hậu cần hướng đến mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp; tiếp tục giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi năng lượng công bằng; tăng cường tài chính khí hậu, đặc biệt là tăng gấp đôi tài chính khí hậu cho giai đoạn sau năm 2025.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định chỉ có thể đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C khi thế giới ngừng hoàn toàn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, kêu gọi các nước tăng gấp 3 tỷ trọng năng lượng tái tạo vào năm 2030. Tổng thống nước chủ nhà COP28 tuyên bố thành lập Quỹ Giải pháp khí hậu toàn cầu trị giá 30 tỷ USD nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính khí hậu và tăng đầu tư cho hành động khí hậu lên đến 200 tỷ USD vào năm 2030. Nhà vua Anh Charles III nhấn mạnh đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội hài hòa với tự nhiên, cho rằng cộng đồng quốc tế cần hành động ngay vì nền kinh tế thế giới và sự tồn vong của nhân loại. Trong khi đó, Tổng thống Brazil - nước chủ nhà COP30 năm 2025 - nhấn mạnh tiềm năng của năng lượng tái tạo, kêu gọi các nước khẩn trương hợp tác một cách công bằng, hướng tới nền kinh tế ít phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu Chiều 2-12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước đang phát triển (G77) về Biến đổi khí hậu nhân dịp Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28). Tại phiên thảo luận chính của Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng nhằm truyền tải chủ trương, cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng như đưa ra một số định hướng hợp tác cho Nhóm G77 trong thời gian tới. Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Cuba tổ chức hội nghị, khẳng định vai trò dẫn dắt của Cuba trên cương vị Chủ tịch Nhóm G77. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đối với thế giới và Việt Nam, Thủ tướng đề xuất 3 định hướng hợp tác trong Nhóm G77. Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ quyết tâm chuyển đổi xanh của Việt Nam qua cam kết mạnh mẽ tại COP26, tham gia JETP, triển khai các quy hoạch, đề án, chiến lược về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng; bày tỏ sẵn sàng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm với các nước G77. |
Loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch
Ngày 2-12, trong bài phát biểu tại COP28, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã kêu gọi các chính phủ loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch để đẩy nhanh các mục tiêu khử carbon. Bà Georgieva nói rằng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trực tiếp và gián tiếp trên thế giới đã tăng lên mức kỷ lục 7.100 tỷ USD vào năm 2022, khi các chính phủ hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong giai đoạn giá năng lượng tăng đột biến trên thị trường toàn cầu. Theo Tổng giám đốc IMF, các chính phủ nên chuyển hướng các quỹ này sang các nỗ lực khử carbon cũng như thúc đẩy nghiên cứu và phát triển liên quan đến khí hậu.
Kêu gọi loại bỏ than, dầu và khí đốt
Tại Hội nghị Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi loại bỏ dần than, dầu và khí đốt. Thủ tướng Scholz cho biết Đức đang đi đầu phát triển một số giải pháp năng lượng sạch và nhắc lại cam kết của Đức trung hòa khí carbon vào năm 2045. Hơn 100 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh cũng kêu gọi "loại bỏ" nhiên liệu hóa thạch thay vì "giảm dần". Các nhóm bảo vệ môi trường hoan nghênh các mục tiêu mà ông Scholz đặt ra nhưng cho biết chính phủ của ông chưa thể hiện đủ hành động để giải quyết vấn đề này. Ông Scholz cho biết Đức đã chi 6,5 tỷ USD (6 tỷ EUR) để tài trợ cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu trên thế giới và cam kết thêm 100 triệu USD cho quỹ khí hậu mới được thành lập tại hội nghị thượng đỉnh.
Châu Phi khởi động sáng kiến công nghiệp hóa xanh
Tại COP28, Tổng thống Kenya William Ruto đã tập hợp các nhà lãnh đạo châu Phi nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa xanh của châu Phi. Sáng kiến Công nghiệp Xanh Châu Phi đã được ra mắt. Sáng kiến này nhằm mục đích đẩy nhanh và mở rộng quy mô các ngành công nghiệp và doanh nghiệp xanh trên khắp châu Phi, thúc đẩy giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế xanh trên lục địa này. Các nhà lãnh đạo châu Phi coi sáng kiến này là con đường cho sự phát triển của quốc gia họ. Họ cũng thảo luận về kế hoạch kích hoạt quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội toàn diện thông qua sự tăng trưởng nhanh chóng của các cụm công nghiệp xanh; vai trò của thị trường xuất khẩu khu vực và toàn cầu đối với các sản phẩm và công nghệ xanh có giá trị gia tăng, rất quan trọng đối với chuỗi giá trị năng lượng sạch toàn cầu.
B.T (Theo TTXVN)