“Cột mốc” Aleppo
(Cadn.com.vn) - Có thể xem chiến thắng của quân đội Tổng thống Bashar Assad ở thành phố địa chiến lược Aleppo là chiến thắng của Nga, Iran và các lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo này. Và tất nhiên, đó cũng đánh dấu thất bại của Mỹ - lực lượng vốn ủng hộ phe phiến quân nổi dậy lật đổ ông Assad.
Tất nhiên, chiến thắng ở Aleppo không đồng nghĩa với việc cuộc chiến Syria - vốn kéo dài gần 6 năm qua - sẽ kết thúc. Nhưng đối với quân đội Tổng thống Assad, đây là chiến thắng lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến này và mở đường lớn cho một chiến thắng toàn diện không xa nữa.
Đối với Iran, nó có ý nghĩa mở rộng ảnh hưởng của “trục kháng chiến” chống Mỹ, Israel và các đồng minh. Đối với Nga, nó đánh dấu một bước quan trọng để khẳng định sức ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông. Nhiều người thậm chí cho rằng, Syria thực sự có thể là “trụ cột” dấu hiệu cho sự xuất hiện của một hệ thống quốc tế mới khi Tổng thống Obama đã quyết định “không liên quan, không vướng víu, không đầu tư vốn chính trị và quân sự lớn” ở Trung Đông.
Mọi việc có lẽ sẽ không có gì thay đổi khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump lên nắm quyền. Bởi lẽ, trên thực tế, ông Trump có khuynh hướng ủng hộ Tổng thống Assad và Nga trong cuộc chiến này. Tổng thống đắc cử Trump từng lập luận, phe nổi dậy đã sụp đổ, và Mỹ cần phải “tân trang lại” cuộc chiến chống lại IS bằng cách bắt tay với Nga và Tổng thống Assad. Bản thân ông Assad mới đây cũng không ngần ngại cho rằng, ông Trump có thể trở thành đồng minh tự nhiên của Damascus.
Nhưng thất bại của phe phiến quân nổi dậy đang ám ảnh lên số phận “Học thuyết Obama”, đào sâu cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới trong nhiều thập kỷ và “nhuộm màu” di sản của vị tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm này Barack Obama.
Việc phe phiến quân nổi dậy thất thủ trước lực lượng quân đội của Tổng thống Assad cho thấy, dấu chân của ông Obama trong cuộc xung đột Syria phải chịu một đòn giáng nghiêm trọng trước khi giao lại chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng cho Tổng thống đắc cử Trump vào ngày 20-1-2017.
Thất thủ lần này, dù được dự báo, phản ánh rõ sự thất bại của Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài gần 6 năm tại Syria. Khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là rời nhiệm sở, sự việc này sẽ khiến những thành tích mà Tổng thống Obama đạt được trở thành công cốc. Cuộc chiến Syria sẽ khiến di sản của ông Obama bị lu mờ này giống như con đường mà cựu Tổng thống Bill Clinton từng phải trải qua khi từ chối can thiệp giải quyết thảm họa diệt chủng Rwanda tại Châu Phi năm 1994.
Thanh Văn