Báo Công An Đà Nẵng

COVID-19 "càn quét" khắp Đông Nam Á

Thứ tư, 21/07/2021 11:40

Làn sóng dịch đang bùng phát khắp Đông Nam Á, nơi từng là hình mẫu chống dịch thành công nhưng giờ bị biến chủng Delta phá hủy khiến hệ thống chăm sóc y tế bị quá tải.

Người Hồi giáo Indonesia cầu nguyện lễ Eid Al-Adha tại đền Zona Madina ở Bogor, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tàn phá.   Ảnh: AP

Indonesia - tâm dịch COVID-19 mới của thế giới 

Hiện Indonesia trở thành tâm dịch mới, vượt qua Ấn Độ và Brazil khi là quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới. 

Thống kê của trang Worlddata cho biết, trong 7 ngày qua, Indonesia ghi nhận tổng cộng 344.103 ca COVID-19, mức tăng cao nhất thế giới. Theo NPR, các nhà dịch tễ học cho rằng, số lượng ca thực tế ở Indonesia có thể còn cao hơn và họ bày tỏ lo ngại rằng tình hình có thể sẽ còn diễn tiến tồi tệ hơn. Ở Indonesia, số ca nhiễm mới và tử vong đã tăng vọt trong tháng 7 khi biến chủng Delta quét qua đảo Java đông dân nhất và đảo Bali. Ở một số khu vực, COVID-19 khiến hệ thống y tế quá tải. Chính phủ Indonesia cho biết họ đã và đang chuẩn bị cho kịch bản "tồi tệ nhất" là có 100.000 ca bệnh mới/ngày.

Bất chấp các nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 liên tục tăng đột biến, ngày 20-7, người dân Indonesia vẫn cầu nguyện bên ngoài các thánh đường cũng như tổ chức các sự kiện truyền thống để kỷ niệm lễ hiến sinh Eid al-Adha. Đây là lần thứ 2 kể từ khi xảy ra đại dịch, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất trên thế giới này tổ chức lễ Eid al-Adha, diễn ra vào thời điểm kết thúc mùa hành hương hằng năm đến Thánh địa Mecca. Trước đó, nhà chức trách Indonesia cấm tập trung đông người, tổ chức các buổi lễ truyền thống, hiến tế động vật, cũng như khuyến cáo người dân không tụ tập cầu nguyện hoặc thực hành tín ngưỡng. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu người dân cầu nguyện ở nhà thay vì tập trung đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, tại thủ đô Jakarta và nhiều nơi khác, dù không vào bên trong thánh đường, nhưng người dân lại tập trung cầu nguyện ở các đoạn đường gần đó. Thậm chí người dân tại Bandung còn trải thảm cầu nguyện ngay trên các con ngõ nhỏ bên ngoài nhà. Trong khi đó, hàng nghìn người dân ở Banda Aceh lại tập trung bên ngoài Thánh đường Baiturrahman.

Singapore, Thái Lan siết chặt các biện pháp hạn chế

Tại Singapore, số ca mắc mới cũng đang gia tăng trong bối cảnh nước này chuẩn bị cho kịch bản "sống chung với COVID-19". Theo đó số ca mắc mới trong cộng đồng ngày 19-7 tăng gần 2 lần so với trước đó một ngày. 

Tình hình này khiến Bộ Y tế Singapore ngày 20-7 thông báo sẽ siết chặt các hạn chế xã hội, trong đó có việc ngừng ăn uống tại nhà hàng, tập thể dục ngoài trời và cấm tập trung nhiều hơn 2 người. Quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 22-7 tới. Nhà chức trách Singapore cũng cam kết sẽ công bố gói cứu trợ COVID-19 trong những ngày tới.

Thái Lan cũng liên tục phá kỷ lục ca bệnh trong làn sóng lây nhiễm thứ 3 nghiêm trọng này. Hôm 19-7, nước này ghi nhận 4 ngày liên tiếp phá kỷ lục ca COVID-19 mới trong 24 giờ. Số ca tử vong cũng liên tục tăng mạnh trong thời gian qua. Trước sự lây nhiễm mạnh mẽ của dịch bệnh, Thái Lan đã siết chặt lệnh phong tỏa chống dịch tại 13 tỉnh, thành phố trong nỗ lực khoanh vùng để chặn làn sóng lây lan.

Tình hình dịch bệnh ở Campuchia, Myanmar cũng không có dấu hiệu khá hơn. Trong khi căng thẳng do đảo chính vẫn chưa lắng dịu, Myanmar lại gồng mình chống dịch. Theo số liệu chính thức của Myanmar, nước này đã ghi nhận 234.000 ca COVID-19 và 5.281 người tử vong, nhưng các chuyên gia cho rằng con số thực tế dường như cao hơn rất nhiều. Trong những ngày qua, số người chết vì dịch tăng lên rất nhanh, tới mức các lò hỏa thiêu và nhà tang lễ đang có dấu hiệu quá tải.

Trong khi đó, Campuchia thông báo ghi nhận thêm 825 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 421 ca nhập cảnh. Đây là ngày ghi nhận số ca nhập cảnh mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay.

KHẢ ANH