Báo Công An Đà Nẵng

Covid-19 có thể đẩy kinh tế thế giới vào thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất

Thứ ba, 31/03/2020 11:57

Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng đã chấp nhận hy sinh nền kinh tế đang thiệt hại nặng nề để tung ra những biện pháp quyết liệt chống đại dịch Covid-19. Nhiều quốc gia khác cũng có lựa chọn tương tự bất chấp giới chuyên gia nhận định, dịch Covid-19 có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử hiện đại, thậm chí còn nặng nề hơn cả thời kỳ Đại khủng hoảng (những năm 1920-1940).

Tổng thống Donald Trump chú ý lắng nghe trong cuộc họp với các nhà phân phối chuỗi cung ứng tại Phòng Nội các của Nhà Trắng hôm 29-3.  Ảnh: AP

Mỹ: Nỗ lực giữ số người thiệt mạng dưới 100.000

Với tuyên bố nỗ lực giữ mức người thiệt mạng vì Covid-19 dưới 100.000, Tổng thống Trump ngày 30-3 ban bố lệnh kéo dài quy định về dãn cách xã hội cho tới 30-4 và đưa ra thông báo về chiến lược của chính quyền trong thời gian tới vào hôm nay (31-3). Động thái này cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong giọng điệu của Tổng thống Trump, người chỉ mới vài ngày trước đã suy nghĩ về việc sẽ sớm mở cửa đất nước trở lại để cứu nền kinh tế, bất chấp các chuyên gia y tế công cộng đưa ra những dự báo thậm chí còn thảm khốc hơn về đại dịch lần này.

Từ Vườn Hồng ở Nhà Trắng, ông Trump cho biết, hy vọng về một nước Mỹ sẽ hồi sinh trong dịp lễ Phục sinh lần này (ngày 12-4 tới) chỉ là khát vọng và cảnh báo, đỉnh điểm của dịch bệnh có thể rơi vào đúng thời điểm này. “Chúng ta có thể hy vọng tới 1-6, nước Mỹ sẽ hồi phục tốt và rất nhiều điều vĩ đại có thể xảy ra”, ông Trump nói. Khi được hỏi về kịch bản xấu nhất, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng đó sẽ là viễn cảnh u ám. “Nhiều người sẽ tự tử, số người sử dụng ma túy sẽ cao chưa từng có và đâu đâu cũng có người chết”, ông nói và nhấn mạnh: “Nếu Mỹ giữ mức thiệt mạng dưới mốc 100.000, điều đó đồng nghĩa chính phủ đã làm tốt”.

Trước đó, ông Trump nhiều lần bày tỏ sẽ sớm nới lỏng các quy định cách ly, ít nhất là ở các vùng ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch, để những người không bị ảnh hưởng trở lại với công việc. Tuy nhiên, vào phút chót, ông thay đổi quyết định, cho thấy một sự thừa nhận ngầm rằng ông đã quá lạc quan. Trong bài phát biểu lần này trước các phóng viên, ông chủ Nhà Trắng, người hầu như tránh nói về tỷ lệ tử vong và các ca nhiễm ở Mỹ, trích dẫn các mô hình dự báo cho biết, có khả năng 2,2 triệu người có thể sẽ chết nếu các biện pháp cách ly xã hội không được thực hiện. “Cũng có thể tồn tại khả năng 2,2 triệu người chết vì Covid-19 nếu chính phủ không làm gì, khi mà chúng ta không thực hiện dãn cách cộng đồng”, ông nhấn mạnh. Theo ông, “đó là con số ghê sợ”, nhưng “tất cả chúng ta hãy cùng nhau làm tốt”.

Bất chấp 2 tuần thực hiện gắt gao lệnh dãn cách xã hội, sẽ hết hạn vào hôm nay (31-3), Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Hệ thống khoa học và kỹ thuật (CSSE) tại Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã hơn 142.000, với 2.479 người tử vong. Số người chết dự kiến còn tăng khi các bệnh viện đang thiếu trang thiết bị. Mỹ còn bị đánh giá vẫn tụt lại so với các nước khác trong việc xét nghiệm, bất chấp nỗ lực tăng tốc của chính quyền. Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, 3,3 triệu người thất nghiệp mới xuất hiện chỉ trong tuần đầu tiên của kế hoạch 15 ngày, con số khiến ông Trump “đứng ngồi không yên”. Ông Trump gần như ngày nào cũng tổ chức họp báo tại Nhà Trắng và tự nhận là “tổng thống thời chiến” dẫn dắt đất nước đến an toàn.

Số ca tử vong toàn cầu vượt quá 30.000 người

Hãng AFP đưa tin, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã lên tới 700.000 người, trong đó có hơn 30.000 người tử vong. Ngoài Mỹ, Châu Âu là ổ dịch đáng lo sợ nhất. Hiện nay, toàn bộ nước Anh đặt trong tình trạng khẩn cấp, một điều chưa có tiền lệ kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Để chiến đấu chống lại SARS-CoV-2, các trung tâm điều phối chiến lược đã được thành lập trên khắp nước Anh và chính phủ cũng không dỡ bỏ các biện pháp dãn cách xã hội hiện nay trong vài tuần tới bất chấp những hệ lụy đáng sợ cho nền kinh tế.  Chính phủ Anh trước đây cho biết các biện pháp phong tỏa sẽ được xem xét lại sau mỗi 3 tuần. Tuy nhiên, quan chức phụ trách y tế của vùng England, bà Jenny Harries cảnh báo nguy cơ nước Anh sẽ đối mặt với làn sóng đỉnh dịch Covid-19 lần thứ hai nếu như những biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ sớm và cho rằng người dân nước này có thể sẽ phải thực hiện lệnh phong tỏa kéo dài tới 6 tháng.

Tại Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev bất ngờ có bài phát biểu thông điệp nhằm kêu gọi người dân Nga đoàn kết vượt qua cú sốc kép gồm dịch Covid-19 và sự suy giảm nghiêm trọng của giá dầu trên thị trường thế giới khiến nền kinh tế gặp khó khăn. “Đại dịch đang gây ra những khó khăn kinh tế. Mỗi quốc gia cũng như toàn bộ nền kinh tế thế giới đang ngày càng cảm nhận tình hình xấu hơn. Nước Nga đang phải chịu đựng cú sốc kép, đại dịch làm cho giá dầu trên thị trường thế giới ngày càng giảm. Tuy nhiên, nước Nga có kinh nghiệm vượt qua những tình huống khó khăn như vậy”, ông nhấn mạnh. Theo nhà lãnh đạo Nga, phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, nhưng lúc này ưu tiên hàng đầu là sức khỏe và tính mạng của người dân.

KHẢ ANH

Trung Quốc: Các doanh nghiệp nối lại hoạt động sản xuất 98,6%

Ngày 30-3, giới chức Trung Quốc cho biết các doanh nghiệp công nghiệp nước này đã khôi phục sản xuất 98,6% trong bối cảnh có sự cải thiện đáng kể tình hình bệnh dịch tại nước này.

Theo đó, tính đến ngày 28-3, mức độ trung bình về sử dụng các năng lực sản xuất trong những doanh nghiệp công nghiệp ở nước này đã đạt tới 98,6%, tỷ lệ trung bình số người quay trở lại làm việc là 89,9% cũng như tỷ lệ trung bình các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở cửa trở lại là 76%. Trong khi đó, tại tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch bùng phát, tỷ lệ khôi phục của các doanh nghiệp công nghiệp là 95%, và gần 70% nhân công trở lại làm việc.

T.NGUYÊN

-------

Nga bào chế ra 3 loại thuốc điều trị Covid-19

Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Nga (RAN), Viện sĩ Vladimir Chekhonin, người chuyên phụ trách bộ phận y sinh học, ngày 30-3 cho biết, các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Nga phối hợp điều chế ra 3 loại thuốc có khả năng sử dụng để điều trị bệnh nhân SARS-CoV-2.

Theo ông Chekhonin, vài năm trước đã xuất hiện loại thuốc kháng virus triazavirin. Ông Chekhonin nói: “Tuy nhiên ngày nay đã có một loại thuốc đặc biệt, ở dạng hít, có thể được sử dụng để điều trị bệnh nhân nhiễm virus đường hô hấp. Tôi tin rằng việc điều trị Covid-19 sẽ thích hợp hơn”. Viện sĩ cũng đề cập đến một phác đồ “khá hiệu quả” tổng hợp thuốc kháng virus favipiravir, trước đây được điều chế ở Nhật Bản, để điều trị các bệnh viêm nhiễm do virus RNA, mà SARS-CoV-2 thuộc dạng này. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga lưu ý, cả hai loại thuốc này đều sẵn sàng để thử nghiệm trong các tổ chức chuyên ngành.

T.LINH