Covid-19 - cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất sau Thế chiến II
Số người chết trên toàn cầu do đại dịch Covid-19 vẫn tăng đáng sợ vào ngày 1-4 bất chấp nỗ lực cách ly chưa từng thấy trên toàn thế giới, trong khi người đứng đầu LHQ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những gì ông nói là "cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của loài người kể từ sau Thế chiến II".
Các bác sĩ bệnh viện New York cho biết đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất do Covid-19 gây ra. Ảnh: AFP |
Mỹ chuẩn bị cho "2 tuần rất đau thương"
Lời cảnh báo được đưa ra khi Tổng thống Donald Trump nói với người Mỹ phải chuẩn bị cho "khoảng thời gian rất đau thương" kéo dài vài tuần sau khi nước này đã chứng kiến 24 giờ khủng hoảng nhất.
Khoảng một nửa dân số thế giới đang bị khóa chặt khi các chính phủ nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, căn bệnh hiện đã lây nhiễm gần 900.000 người và khiến hơn 40.000 người thiệt mạng. Một nửa trong số ca tử vong là ở Italia và Tây Ban Nha, nhưng số người chết vẫn tiếp tục tăng với những con số mới đáng sợ được ghi lại hàng ngày ở Mỹ. Hiện, số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ đã vượt con số 4.000, vượt xa con số 2.977 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, và vượt con số tử vong ở Trung Quốc.
Trong khi đó, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ vẫn lớn nhất thế giới với 188.578 ca. Trong đó, nước này đã chứng kiến số ca tử vong ghi nhận trong 1 ngày (ngày 31-3) ở mức cao kỷ lục là 865 ca. Gần một nửa số ca tử vong tập trung tại bang New York bất chấp chính quyền bang đã đóng cửa mọi cơ sở kinh doanh tại bang này. "Đây sẽ là một điều rất đau đớn - rất, rất đau thương - hai tuần nữa", Tổng thống Trump nói, mô tả đại dịch Covid-19 như là "bệnh dịch hạch" và nhấn mạnh thêm: "Tôi muốn mọi người Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày khó khăn ở phía trước".
Nhà Trắng đang chạy đua với thời gian để lập hàng trăm bệnh viện dã chiến gần các thành phố lớn, trong bối cảnh hệ thống y tế của nước này đang bị quá tải. Nỗi lo sợ càng tăng lên khi các chuyên gia y tế của Nhà Trắng cảnh báo nguy cơ khoảng 100.000-240.000 người tại Mỹ có thể tử vong do dịch bệnh này.
Suy thoái sâu sắc, sợ hãi
"Biến động kinh tế và chính trị đáng sợ do virus gây ra là mối nguy hiểm thực sự đối với nền hòa bình tương đối của thế giới trong vài thập kỷ qua", Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres cảnh báo hôm 1-4.
Theo ông, căn bệnh này là mối đe dọa đối với mọi người trên thế giới và... gây ra tác động kinh tế nghiêm trọng, và sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái có lẽ không có cái tương đương trong quá khứ gần đây. Tổng Thư ký Guterres cũng bày tỏ quan ngại đại dịch này có thể gây ra những cuộc xung đột trên thế giới. “Sự kết hợp hai yếu tố này và nguy cơ góp phần gia tăng bất ổn, bạo động và xung đột là những thứ khiến chúng tôi tin rằng đây là cuộc khủng hoảng gây ra thách thức lớn nhất chúng ta từng đối mặt kể từ sau Thế chiến II”, ông Guterres nhấn mạnh thêm. LHQ hôm 31-3 đã lập ra một quỹ mới để giúp các nước đang phát triển sau khi vào tuần trước đã kêu gọi quyên góp hỗ trợ người nghèo và các nước bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19.
Trong các cuộc đàm phán trực tuyến hôm 1-4, các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương từ 20 nền kinh tế lớn của thế giới (G20) đã cam kết giải quyết gánh nặng nợ của các nước thu nhập thấp và cung cấp viện trợ cho các thị trường mới nổi. Tuần trước, các nhà lãnh đạo G20 cho biết đã bơm 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu để chống lại một cuộc suy thoái sâu sắc đáng sợ.
Tuy nhiên, tại Liên minh Châu Âu (EU), các nước tranh cãi gay gắt quanh các điều khoản của kế hoạch giải cứu. Italia và Tây Ban Nha đang dẫn đầu kế hoạch về công cụ nợ chung - được mệnh danh là "cổ phiếu corona". Nhưng nói về nợ chung là một "lằn ranh đỏ" đối với Đức và các nước phía bắc khác, đe dọa chia rẽ khối. Châu Âu vẫn khốn đốn trong việc xử lý dịch bệnh. Có những dấu hiệu hy vọng rằng, Covid-19 đang lây lan chậm lại ở Italia và Tây Ban Nha, nhưng số ca tử vong vẫn tăng cao. Trong đó, Pháp đã ghi nhận ca tử vong kỷ lục một ngày là 499 người chết trong khi Anh báo cáo có tới 380 người tử vong. Tại Bỉ, bé gái 12 tuổi trở thành nạn nhân nhỏ tuổi nhất ở Châu Âu thiệt mạng sau khi mắc Covid-19.
"Chúng tôi cần giúp đỡ ngay bây giờ"
Việc cách ly vẫn luôn đi đầu trong "kho vũ khí" ngăn chặn Covid-19, một chiến lược được các nước áp dụng quyết liệt.
Giới chuyên gia hôm 1-4 cũng đánh giá cao việc Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán để đối phó dịch. Chuyên gia Christopher Dye của Đại học Oxford cho rằng, quyết định của Trung Quốc đã ngăn khả năng phơi nhiễm cho hơn 700.000 ca. Theo chuyên gia này, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc trong 50 ngày đầu đã mang lại cho các thành phố khác ở khắp nước này khoảng thời gian giá trị để chuẩn bị và triển khai những hạn chế của riêng mình. Chuyên gia này nêu rõ: "Các phân tích của chúng tôi cho thấy nếu không có lệnh cấm đi lại tại Vũ Hán và biện pháp khẩn cấp quốc gia, sẽ có hơn 700.000 ca dương tính mới với SARS-CoV-2 bên ngoài Vũ Hán tại thời điểm đó".
Trong khi nhiều Cty và trường học trên toàn cầu đã chuyển sang làm việc từ xa và giảng dạy trên các nền tảng trực tuyến, khối lượng lớn lực lượng lao động của thế giới vẫn phải đi làm và bây giờ phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Nỗi đau kinh tế của việc phong tỏa đặc biệt gay gắt ở các nước đang phát triển. Ở Tunisia, hàng trăm người đã phản đối việc cách ly 1 tuần, cho rằng, nó ảnh hưởng quá lớn đến người nghèo. “Đừng quan tâm đến virus Corona, dù sao chúng ta cũng sẽ chết! Hãy để chúng tôi làm việc”, một người dân hét lên trong cuộc biểu tình ở ngoại ô thủ đô Tunis. Thành phố lớn nhất Châu Phi, Lagos cũng đã được cách ly trong 2 ngày qua, nhưng với một số khu ổ chuột lớn nhất thế giới, nơi có hàng triệu người sống bằng lao động tay chân, việc này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
KHẢ ANH
SỐ CA TỬ VONG KỶ LỤC Ở CHÂU ÂU
Theo số liệu chính thức công bố chiều 1-4 mà hãng tin AFP có được, đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 30.000 người tử vong ở Châu Âu, trong đó hơn 3/4 số người xấu số này là ở Italia và Tây Ban Nha.
Có 30.063 ca tử vong được ghi nhận ở Châu Âu trong tổng số 458.601 trường hợp mắc bệnh, khiến lục địa này trở thành nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh này. Trong đó phần lớn số ca tử vong được xác định ở Italia (12.428 người tử vong), Tây Ban Nha (8.189 người tử vong) và Pháp (3.523 người tử vong).