Báo Công An Đà Nẵng

Covid-19 “cuốn phăng” thành tích của nền kinh tế Mỹ

Thứ bảy, 25/04/2020 20:03

Những tuyên bố đáng lo về phương pháp điều trị Covid-19 và các dữ liệu mới cho thấy 1/6 công nhân Mỹ đã mất việc làm đang khiến cuộc chiến chống đại dịch này còn quá nhiều khó khăn.

Cả thế giới ghi nhận số ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 vượt quá 190.000 người.   Ảnh: AP

Theo con số thống kê từ các nguồn chính thức, tính đến chiều 24-4 (giờ Việt Nam) ngày 24-4, cả thế giới ghi nhận số ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 vượt quá 190.000 người, với gần 2/3 số người thiệt mạng ở Châu Âu. Mỹ là nước có số người thiệt mạng do Covid-19 cao nhất, với 49.963 trường hợp, tiếp theo là Italia với 25.549 người, Tây Ban Nha là  22.157 người, Pháp là 21.856 người và Anh là 18.738 người.

Hơn 26 triệu người Mỹ nộp đơn trợ cấp thất nghiệp

Covid-19 đã “cuốn phăng” thành tích tạo 22 triệu việc làm trong 10 năm qua của nước Mỹ. Trong xu hướng được dự đoán trên toàn cầu, hơn 26 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 5 tuần, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất trong cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930. 16,2% lực lượng lao động Mỹ đã bị sa thải, nghỉ không lương hoặc giảm giờ làm.

Theo các nguồn tin, không phải tất cả những người này đều sẽ được nhận trợ cấp và sẽ có số người bị từ chối do không đáp ứng các yêu cầu cần thiết. Nhưng kể cả vậy, những con số này cũng phản ánh tác động khủng khiếp của đại dịch đến người lao động. AP dẫn lời Heidi Shierholz – nhà kinh tế học cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế cho biết, mức hiện tại cao hơn 20 lần so với thời điểm trước đại dịch và gấp 5 lần giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính những năm 2010. Nền kinh tế Mỹ tạo ra 22 triệu việc làm mới trong giai đoạn bùng nổ hậu khủng hoảng, từ tháng 9-2010 đến tháng 2-2020. Theo nhà kinh tế Joseph Brusuelas: “Nền kinh tế Mỹ đang chảy máu việc làm với tốc độ và quy mô chưa từng được ghi nhận trước đây. Nó có thể so sánh như một thảm họa tự nhiên mang tầm quy mô quốc gia”.

Trong ngày 24-4 Quốc hội nhất trí về gói chi tiêu gần 500 tỷ USD để giúp đỡ các doanh nghiệp và bệnh viện. Và các chuyên gia cho rằng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới sẽ giảm trong vài tuần tới, khi ngày càng nhiều Cty tiếp cận được khoản vay này.

Thuốc remdesivir không hiệu quả?

Trong khi đó, hy vọng về một phương pháp điều trị hiệu quả cho Covid-19, lại mờ dần khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng đầu tiên cho thấy thuốc remdesivir không có tác dụng chống Covid-19.

Dữ liệu này được tờ Financial Times công bố hôm 24-4. Gilead Science, Cty Foster City, có trụ sở tại California, cho biết, dữ liệu này cho thấy những đặc điểm không phù hợp  trong nghiên cứu của Trung Quốc. Trong khi đó, tờ The Guardian, cũng cho biết, WHO công bố kết quả thử nghiệm thuốc remdesivir đối với 237 bệnh nhân Covid-19 bị bệnh nặng ở Trung Quốc, cho thấy loại thuốc này không hiệu quả trong việc điều trị Covid-19 và cuộc thử nghiệm bị ngừng lại sớm vì gây tác dụng phụ. Remdesivir do hãng dược Gilead Sciences của Mỹ sản xuất, từng được thử nghiệm chống Ebola nhưng không hiệu quả. Có 158 bệnh nhân Covid-19 được điều trị bằng thuốc này và 79 bệnh nhân khác được điều trị bằng giả dược. Kết quả cho thấy thời gian hồi phục của 2 nhóm bệnh nhân là không khác nhau. Gần 14% bệnh nhân dùng remdesivir tử vong và con số của các bệnh nhân không dùng thuốc này là gần 13%.

Tuy nhiên, WHO sau đó rút lại báo cáo, và cho biết, tài liệu này chỉ là bản thảo do nhóm tác giả cung cấp, được đăng lên do nhầm lẫn. Tổ chức này thông báo sẽ sớm công bố kết quả nghiên cứu chính thức cuối cùng. Trước đó, trong các thử nghiệm nhỏ của các nhà khoa học Mỹ, thuốc Remdesivir trong điều trị chống Covid-19 trên khỉ đã cho thấy sự hiệu quả. Thuốc cũng cho kết quả khả quan trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Chicago (Mỹ).

KHẢ ANH