Báo Công An Đà Nẵng

COVID-19: Đại dịch khó lường và hành động của con người

Thứ hai, 11/10/2021 10:00

Trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới đang chuyển sang “sống chung với COVID-19”, giới chuyên gia y tế cho rằng, chính hành động của con người sẽ quyết định kết quả cuối cùng.

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên quyết định “sống chung với COVID-19”. Ảnh: AFP

Theo những con số mới nhất, có thể thấy thế giới dường như đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Đóng góp lớn nhất cho xu hướng tích cực này là chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục được đẩy mạnh trên toàn cầu. Thống kê của Our World Data cho thấy, đến ngày 9-10, đã có 6,44 tỷ liều vaccine được tiêm trên toàn thế giới với tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi là 46,3% dân số toàn cầu. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày thế giới đã tiêm khoảng 22,25 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Lãnh đạo các hãng sản xuất vaccine như Pfizer hay Moderna thậm chí dự đoán dịch COVID-19 có thể kết thúc trong vòng 1 năm tới nhờ sự phát triển của ngành sản xuất vaccine.

Đó là động cơ quan trọng để các nước quyết định sống chung với đại dịch.

Singapore cho phép đi lại không cần cách ly với nhiều quốc gia

Singapore tuyên bố sẽ nới lỏng các hạn chế do dịch COVID-19 và cho phép người đi lại từ một số quốc gia được tới Singapore mà không cần cách ly. Thủ tướng Lý Hiển Long nói đã đến lúc thực hiện “chiến dịch chung sống với COVID-19”.

Ông cho biết, đường đi lại cho người đã tiêm vaccine với Đức và Brunei đã rất thành công, và sẽ được mở rộng tới 9 quốc gia khác. Từ ngày 13-10, chính phủ Singapore sẽ cho phép những người đã tiêm vaccine đủ từ Canada, Đan Mạch, Pháp, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ và Anh vào Singapore mà không cần cách ly. Từ tháng 11, Hàn Quốc sẽ được thêm vào danh sách này. Số ca tử vong vì COVID-19 vẫn rất thấp, nhưng các biện pháp hạn chế đã ảnh hưởng tới vị thế của quốc đảo này như một trung tâm kinh doanh thương mại và hàng không. Thủ tướng Lý Hiển Long nói với người dân Singapore trong một bài phát biểu phát trên truyền hình rằng, biến thể Delta cho thấy virus sẽ không biến mất. Nhưng với chiến dịch tiêm chủng, các biện pháp giãn cách xã hội và theo dõi cẩn trọng, Singapore có thể sống trong điều kiện “bình thường mới”.

Chính phủ Singapore cũng thông báo rằng họ sẽ cho phép các nhóm hai người đã tiêm vaccine được ăn tại nhà hàng và đi mua sắm trong các trung tâm thương mại. Dạy học trực tiếp cho trẻ em dưới 12 tuổi sẽ được phép mở lại tuy nhiên “các trung tâm được khuyến khích tiếp tục dạy học online”.

Vẫn cần cẩn trọng

Singapore được xem là bài toán thử nghiệm quan trọng cho các nước quyết định sống chung với COVID-19.

Tuy nhiên, virus vẫn đang lây lan, các phòng chăm sóc đặc biệt và bệnh viện tại một số nơi vẫn chật kín người cũng là thực tế trong 7 ngày qua. Tại Châu Á, Lào đang chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại với hơn 700 ca mắc mới/ngày. Số ca mắc mới ở Singapore tăng 41% so với tuần trước đó. Sau kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài nhân kỷ niệm Ngày lập quốc (từ ngày 2 đến 4-10), số ca mắc mới COVID-19 trong 1 ngày của Hàn Quốc đã quay trở lại mốc hơn 2.000 ca và tiếp tục vượt mốc này trong 3 ngày liên tiếp từ ngày 6 đến 8-10.

Trong 7 ngày qua, số ca mắc mới tại New Zealand đã tăng vọt 61% so với tuần trước đó với 236 ca, buộc chính phủ nước này phải điều chỉnh từ chiến lược “Không COVID-19” sang sống chung an toàn với dịch bệnh. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cảnh báo trong 2 tháng tới, các quốc gia khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca mắc COVID-19, số ca nhập viện và tỷ lệ tử vong.

Những diễn biến phức tạp này khiến WHO phải một lần nữa lên tiếng cảnh báo và kêu gọi chống những thông tin giả và sai lệch đang lan tràn trên mạng Internet về COVID-19, nhấn mạnh thông tin sai lệch khiến đại dịch COVID-19 kéo dài. Thực tế này đòi hỏi con người có cách ứng xử và hành động phù hợp. Như khẳng định của Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus, để đạt được những mục tiêu đề ra, cộng đồng quốc tế cần có cam kết chính trị, hành động và hợp tác ở mức độ cao hơn nữa.

KHẢ ANH